12 Quy Luật Cuộc Đời: Thần Dược Cho Cuộc Sống Hiện Đại của tác giả Jordan Peterson thuộc bộ sưu tập “Hiểu người hiểu ta, không đánh trận nào cũng thắng” mà Trâm hợp tác quảng bá với vai trò đại sứ văn hoá đọc cùng Saigon Books.
Bộ sưu tập “Hiểu người hiểu ta, không đánh trận nào cũng thắng” cũng đã được Trâm đưa lên kệ Tiệm yêu sách.
Cuốn sách này cũng đã gợi cảm hứng cho Trâm thu âm tập podcast Sách & Sống thứ 50 mang tên “Năng lực nói thật”, kể về quy luật thứ 8 trong sách. Đó chính là: hãy nói sự thật hoặc chí ít cũng đừng nói dối.
Người ta hay nói là khi mình tập trung sự chú ý vào một thứ gì đó, mình sẽ nhìn thấy nhiều dấu hiệu liên quan đến sự tập trung chú ý đó của mình. Có lẽ do Trâm quan tâm đến cái điều này, quan tâm tới sự chân thật, sự chân thành, cho nên khi nghe sách, đọc sách hoặc nghe những câu chuyện xung quanh, Trâm cũng sẽ để ý đến điều này.
Tại sao “nói sự thật” lại là năng lực?
Tại sao Trâm gọi đây là một năng lực? Đơn giản là bởi vì không phải ai cũng có thể làm được chuyện này một cách dễ dàng, nhất là trong cuộc sống thực tế. Có rất nhiều tình huống phức tạp mà chúng ta phải đưa ra lựa chọn dựa trên việc có chấp nhận sự thật hay không, có dám nói ra sự thật hay không, hay là có chọn đứng về phía điều chân thật hay không.
Thực sự là vi tế lắm chứ không thể nào dễ dàng, nếu mà yes – no, đúng – sai thì quá rõ ràng rồi, nhưng mà sẽ có rất nhiều tình huống khó khăn và chúng ta phải vận dụng năng lực này.
Bạn có từng nghe cụm từ “con voi ở trong phòng” chưa? Nó ngụ ý rằng ở trong phòng có một con voi mà tất cả mọi người đều nhìn thấy, nhưng mà ai cũng sẽ né nói về con voi đó. Nó giống như một sự thật hiển nhiên ai cũng biết, ai cũng thấy, nhưng mà nếu có một ai đó dám nói về con voi đó ở trong phòng thì đó chính là người có sự can đảm nhất định.
Lời từ chối dành cho gã say rượu: một lần và mãi mãi
Cuốn sách 12 Quy Luật Cuộc Đời có một câu chuyện Trâm rất ấn tượng, là câu chuyện của tác giả – bác sĩ tâm thần Jordan Peterson lúc ông thực tập ở một bệnh viện tâm thần. Trong thời gian đó, hai vợ chồng ông ở thuê một phòng trong căn hộ của một chủ nhà. Chủ nhà này là một tay mà hồi xưa gọi là… đứng đầu băng đảng về đua xe mô-tô ở trong khu phố, một tay anh chị, một tay giang hồ. Nhà của anh chàng giang hồ này có phòng trống cho thuê. Hai vợ chồng tác giả thuê một căn phòng trong đó và ở chung với chủ nhà… cựu giang hồ này.
Và có một cái vấn đề là, anh chàng cựu giang hồ này nghiện rượu. Mỗi khi say xỉn và hết tiền mua bia rượu, tay chủ nhà này sẽ đem bán những món có thể bán được. Anh chàng rất thường xuyên gõ cửa phòng hai vợ chồng tác giả để chào mời mua cái này cái kia. Vợ Jordan khuyên ông không nên mua. Vì bà rất quý anh chàng giang hồ này và bảo rằng nếu cứ tiếp tục mua như vậy thì anh ta sẽ lại tiếp tục uống rượu. Riêng tác giả lại nghĩ nên mua “cho xong để đỡ phải rắc rối”.
Có một hôm, hai vợ chồng ông vừa bàn bạc thống nhất không nên tiếp tục mua những món đồ của anh chàng chủ nhà nữa. Sự thật là, cả hai người đều không ai muốn mua những món đồ ấy hết.
Khuya hôm đó, lúc 2 giờ sáng, anh chàng giang hồ lại tiếp tục gõ cửa phòng hai vợ chồng để chào mưa một cái máy nướng bánh. Ai cũng biết sự thật ở đây là không ai muốn mua cái máy nướng bánh đó.
Nhưng mà bạn hãy tưởng tượng ra tình huống: có một tay anh chị đang đứng trước cửa phòng mình và tướng tá rất cao, bặm trợn rất đáng sợ, mà lại còn say rượu nữa, mà lại gõ cửa phòng mình vào lúc 2 giờ sáng. Sự thật ở đây là: mình muốn từ chối.
Nhưng mà mình có dám nói lên sự thật đó hay không?
Tình huống này rất là vi tế luôn. Mình không thể nói là dễ dàng để nói có hay không được. Bởi vì quyết định đó có thể kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể chất lẫn tinh thần của mình. Biết đâu là mình phải đánh đổi bằng tính mạng thì sao?
Và cuối cùng thì, tác giả chọn đứng về phía sự thật.
Ông nói rằng ông không mua. Lần đầu tiên sau nhiều lần phải mua cái này mua cái kia thì tác giả mới nói rằng “tôi không mua”.
Và anh chàng giang hồ này yên lặng trong vòng 15 giây. 15 giây trong tình huống này dài cả thế kỷ.
Sau đó thì, anh chàng giang hồ này không làm gì cả. Và đó cũng chính là lần cuối cùng tác giả bị chào mời mua đồ từ anh chàng giang hồ là chủ nhà của mình. May quá vì đây là một cái kết có hậu!
Đó chính là một tình huống mà nói sự thật đem lại cái kết có hậu.
Đây là câu chuyện Trâm cảm thấy rất đáng để mình suy nghĩ.
Cần nhiều can đảm để chọn đứng về phía sự thật
Trâm mới suy nghĩ về những tình huống trong cuộc sống của mình. Mình có phải luôn luôn 100% chọn đứng về phía sự thật hay không? Dĩ nhiên câu trả lời là không! Và có rất nhiều tình huống mà nghĩ lại Trâm cảm thấy mình khá hối tiếc khi chưa đủ thật với một điều gì đó.
Có một câu chuyện cá nhân cách đây cũng lâu lâu rồi. Khi đó Trâm sử dụng sản phẩm của một người bạn. Sau đó bạn hỏi xin phản hồi xem sản phẩm có hữu ích hay không. Trâm trả lời có.
Thực ra đó không phải là lời nói hoàn toàn chân thành. Bởi vì Trâm cảm thấy có nhiều điều chưa hữu ích cho mình. Tuy nhiên lúc đó Trâm sợ bạn mình buồn, bởi vì bạn đã bỏ công sức để cung cấp sản phẩm đó cho mình. Và thế là Trâm chọn cách nói… không thật lắm, nói nhẹ đi.
Nếu gọi là nói dối thì cũng tội, vì cũng có hữu ích nhưng mà nếu xét hữu ích là 100% thì chắc chỉ chừng 5 – 10%. Còn lại 90% 95% những điều cần cải thiện. Đó chỉ là cảm nhận cá nhân của Trâm, chứ cũng không phải sản phẩm của bạn Trâm không tốt.
Nghĩ lại, Trâm nghĩ mình có thể làm tốt hơn. Trâm có thể nhắn nhủ để bạn mình cải thiện nhiều hơn. Nhân đây Trâm cũng xin lỗi bạn. Chuyện này cũng lâu rồi. Có thể bây giờ bạn cũng chẳng nhớ, nhưng mà Trâm không quên được.
Đó là lý do sau này khi Trâm thực hành khai vấn phát triển cá nhân, Trâm sẽ xin phản hồi từ khách hàng, nhất là những người quen của mình. Trâm hay nhấn mạnh rằng Trâm muốn nghe lời nói thật chứ không phải chỉ những lời khen. Nghe khen thì cũng thích thật. Ai lại chẳng thích lời khen, ai chẳng thích được động viên. Nhưng nếu chỉ khen mà không có góp ý chân thật để cải thiện thì Trâm cũng sẽ rất buồn vì mình không biết điểm cần cải thiện là gì.
Cho nên Trâm rất mong rằng khách hàng của Trâm cũng có… năng lực nói thật để vượt qua được nỗi sợ là sợ mình buồn (nhất là người quen của mình lại càng sợ làm mình tổn thương). Trâm sẽ biết ơn rất nhiều bởi vì những lời góp ý chân tình là vô giá. Đôi khi những công ty lớn còn phải bỏ tiền ra để mà xin được những lời phản hồi chân thật để mà cải thiện sản phẩm/dịch vụ của mình.
Vậy mới nói, việc nói sự thật là một năng lực vì cần rất nhiều sự can đảm!
Trong hoàn cảnh sống của mình, bạn chắc hẳn cũng sẽ có những câu chuyện khác. Trâm rất mong muốn có thể được nghe những câu chuyện liên quan tới chuyện nói thật và nói… chưa thật lắm, để từ đó mình có thể trao đổi với nhau để cùng rút kinh nghiệm và học hỏi từ nhau.