Ưu tiên cho điều quan trọng – Podcast Sách và Sống #4

Tựa sách có liên quan đến những điều Trâm chia sẻ trong tập 4 của podcast Podcast Sách và Sống – Ưu tiên cho điều quan trọng: Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản (tác giả Greg McKeown), Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm (tác giả Mark Manson).

Đối với chủ đề Ưu tiên cho điều quan trọng, mình muốn chia sẻ về 2 cuốn sách. Thứ nhất là Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản của tác giả Greg McKeown mà mình đã nghe ngày hôm nay. Và thứ hai là cuốn Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm của tác giả Mark Manson mà mình chợt nhớ đến khi nghĩ về chủ đề này.

Trong cuốn sách thứ nhất, Lối sống tối giản là một cụm từ mà theo như mình thấy thì dường như mọi người thường có xu hướng nghĩ rằng nó chỉ xoay quanh việc sắp xếp, bài trí đồ đạc. Sự thật là chủ nghĩa tối giản không chỉ bó hẹp trong hành động dọn dẹp mà nó còn liên quan đến cách suy nghĩ về mọi vấn đề trong cuộc sống. Định nghĩa Tối giản cho một căn phòng không phải là chúng ta dọn sạch đồ đạc, không để lại gì, mà căn phòng đó chỉ chứa những món đồ cần thiết. Tương tự, trong cuốn sách thứ hai, cụm từ “Đếch Quan Tâm” không mang ý khuyến khích sự thờ ơ với tất cả mọi thứ, mà nó chỉ việc lựa chọn điều gì đáng để quan tâm. 

Sau khi đọc và nghe xong, mình cảm thấy hai cuốn sách này có cùng một ý tưởng: chúng đều nói về sự ưu tiên.

Tại sao chúng ta lại ưu tiên cho một thứ gì đó? Bởi vì nó quan trọng.

Trước hết, mình muốn nói một chút về cuốn sách Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm. Lần đầu mình đọc nó là bản sách giấy vào tháng 8 năm 2019, lần thứ hai mình gặp lại nó là khi nghe bản sách nói vào tháng tư năm 2023. Mình có một thói quen là mỗi khi đọc hoặc nghe một cuốn sách mới thì sẽ ghi chú lại trong điện thoại, nhờ vậy mà mình mới tìm thấy được thời gian chính xác khi đọc và nghe cuốn sách này. Cách nhau 4 năm, nhưng ở cả hai lần mình đều ghi lại cùng một thông điệp, đó là: Khi chúng ta bận tâm đến những điều tốt hơn, chúng ta sẽ có những vấn đề tốt hơn để giải quyết. Đằng nào mình cũng phải giải quyết các vấn đề, thì hãy chỉ lựa chọn vấn đề nào xứng đáng để giải quyết. 

Mình tâm đắc với thông điệp này là bởi vì từ trước đến giờ mình bị chủ nghĩa cầu toàn chi phối, thôi thúc mình lúc nào cũng mong muốn mọi thứ trong cuộc sống để phải tốt đẹp hết. Chính chủ nghĩa cầu toàn này đã khiến mình luôn quan tâm tới những việc không xứng đáng. Ví dụ như sáng hôm nay, trên đường đi làm, mình thấy một ông kia chạy xe rất cẩu thả, không đội nón bảo hiểm mà còn bóp kèn inh ỏi nữa. Theo thói quen, mình chắc sẽ lập tức suy nghĩ là sao ông này có thể làm vậy được ta? Thói quen này dường như đến từ một sự thật là mình chẳng có vấn đề gì lớn hơn để bận tâm cả. Tệ hơn nữa là mình thậm chí còn mang suy nghĩ này theo suốt đường đi làm thay vì tập trung vào công việc của mình. Lẽ nào cuộc đời mình chẳng có gì để quan tâm ngoại trừ hình ảnh người đàn ông này hay sao? Vậy thì vấn đề không nằm ở ông ta, cũng không nằm ở tình trạng ý thức giao thông của người Việt Nam, mà nó nằm ở mình. Mình đang đặt tâm trí mình vào điều gì? Mình phải giải quyết vấn đề của chính mình.

Hôm nay, khi mình nghe cuốn sách Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản, có một hình ảnh minh họa mà mình cảm thấy rất thú vị. Đó là năng lượng cá nhân của mỗi người được ví như một khối hình cầu. Từ khối cầu này sẽ tỏa ra các năng lượng được biểu thị bằng dấu mũi tên. Hãy tưởng tượng năng lượng của chúng ta được tỏa đều theo nhiều nhánh – nghĩa là ta đang quan tâm đến quá nhiều thứ – mỗi nhánh sẽ chỉ được một ít năng lượng, mỗi mũi tên sẽ có kích thước ngắn, vậy thì khối cầu của chúng ta trông sẽ như một quả mít vậy. Trái lại, nếu chúng ta ưu tiên năng lượng cho một nhánh duy nhất, thì nhánh đó sẽ rất dài. Mình nhận thấy hóa ra từ trước đến nay sự tập trung của mình chẳng khác nào quả mít.

Cả hai tác giả Greg McKeown và Mark Manson có cách diễn giải khác nhau nhưng nhìn chung là cùng một ý tưởng. Trong số đó mình rất hứng thú với hình ảnh “Tủ đồ cuộc đời”. Khi mình nhìn vào tủ đồ – cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – lúc nào mình cũng thấy nó bộn bề. Mình bị quá tải thông tin – những thông tin na ná nhau, mức độ quan trọng cũng tương đương nhau; mình bị quá tải quan điểm; quá tải lựa chọn; quá tải kỳ vọng… tất cả dẫn đến tủ đồ cuộc đời của mình thật là chật chội.

Mình nhớ có một người bạn đã nói với mình rằng mình dành cho bạn ấy ít thời gian quá. Mình trả lời là ai cũng nói với mình như vậy hết. Có nghĩa là mình không thể đáp ứng tất cả mọi người, không đủ thời gian cho tất cả mọi việc. Mỗi ngày chúng ta đều chỉ có 24 tiếng, ngủ 8 tiếng để đủ giấc thì chỉ còn 16 tiếng, công việc chiếm mất 8 đến 10 tiếng, chỉ còn 5 đến 6 tiếng cho bản thân mình thì làm sao có thể đáp ứng mọi kỳ vọng được.

Vậy nên, mỗi người có một cách riêng để dọn dẹp ngăn nắp lại tủ đồ cuộc đời. Cá nhân mình có 2 cách đơn giản nhất: đầu tiên là mình sẽ học cách nói Không với những lời mời hoặc những phần công việc không liên quan đến mình. Không phải chối bỏ trách nhiệm mà mình sẽ xem xét rằng mình có đóng góp được nhiều giá trị nếu tham gia vào phần việc đó hay không. Có thể ban đầu mình sẽ làm phật lòng một số người, nhưng nếu cứ nhận lời và làm công việc đó với mức năng lượng thấp, kém nhiệt tình, thì về lâu dài mình càng lúc càng mệt mỏi mà kết quả cũng không khiến đối phương hài lòng. Cách thứ hai để dọn dẹp tủ đồ là mình sẽ dành thời gian cho bản thân nhiều hơn để ngồi lại suy nghĩ. Đó như một cuộc dạo chơi ngắn giúp đầu óc mình trở nên thông thoáng, tỉnh táo hơn, có đủ khoảng không để cân nhắc và đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân.

Thông qua trải nghiệm nghe cuốn sách Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản và ngẫm lại Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm, mình cảm thấy đây chính là một lời nhắc nhở cả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân, rằng chỉ nên ưu tiên cho điều quan trọng nhất (cùng lắm là điều quan trọng nhất và điều quan trọng thứ nhì thôi). Nghe có vẻ đơn giản nhưng đây là một nhiệm vụ khó. Trong thời đại mà có quá nhiều thứ lôi kéo, chi phối sự tập trung của chúng ta đi nhiều hướng khác nhau, để quyết định lựa chọn đâu là điều quan trọng nhất để dồn hết năng lượng vào, cũng cần có rất nhiều nỗ lực và lòng can đảm. Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn này xứng đáng để ta thực hiện, bởi nó sẽ đem lại kết quả tốt đẹp: cải thiện lại chất lượng cuộc sống của chúng ta.

Hy vọng rằng mình và các bạn sẽ luôn giữ cho tủ đồ gọn gàng, ngăn nắp!

Ngoài Spotify và Apple Podcasts, các bạn cũng có thể nghe podcast Sách và Sống tại app Fonos, Maika và nhiều nền tảng podcast khác.

Share
Pin
Tweet

Để lại nhận xét

instagram:

[instagram-feed type="hashtag" hashtag="#vamtamthemelafeminite"]