Tựa sách có liên quan đến những điều Trâm chia sẻ trong tập 6 của podcast Podcast Sách và Sống – Một lần nằm mơ, Trâm thấy Trâm qua đời: Sống Vốn Đơn Thuần (tác giả Phong Tử Khải), Thế Giới Của Sophie (tác giả Jostein Gaarder), Người Đàn Ông Mang Tên Ove (tác giả Fredrik Backman), Homo Deus – Lược Sử Tương Lai (tác giả Yuval Noah Harari), Suy Tưởng (tác giả Marcus Aurelius), Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm (tác giả Mark Manson), Walden – Một Mình Sống Trong Rừng (Henry David Thoreau).
Đây là một trong những tập hiếm hoi mà Trâm thu vào ban ngày. Bình thường thì phải về đêm Trâm mới có được sự tĩnh lặng đủ để tạo ra một nội dung sâu sắc và đủ độ lắng đọng để chia sẻ đến các anh chị và các bạn.
Nhưng hôm nay là một ngày khá đặc biệt, bởi vì tối qua đã có một giấc mơ khơi gợi cảm hứng cho Trâm và thôi thúc Trâm phải nhanh chóng thu lại. Bởi đối với Trâm, trải nghiệm trong giấc mơ này rất quý giá và mình không muốn quên đi một cách lãng phí như bao giấc mơ khác.
Đây là giấc mơ về khoảnh khắc mình đứng giữa lằn ranh sinh tử.
Từ trước đến này, sống-chết luôn là nguồn cảm hứng đối với Trâm, Mặc dù có thể nhiều người cho rằng đây là chủ đề cấm kỵ, xui rủi, nhưng mình cảm thấy mình sẽ trân trọng sự sống hơn, yêu quý cuộc đời mình hơn khi mình ý thức được là một ngày nào đó mình sẽ chết. Và đây là điều mà chúng ta không thể chuẩn bị hay lên kế hoạch trước được. Ví vậy cái chết vẫn là cảm hứng để Trâm muốn mình sống tốt hơn ngày hôm qua.
Chắc hẳn các anh chị và các bạn đều đã quen với những ý tưởng phổ biến như “Nếu chỉ còn một ngày để sống thì bạn sẽ chọn sống như thế nào hoặc ưu tiên cho điều gì?” Đối với riêng cá nhân Trâm, câu trả lời đơn giản chỉ là “bớt phàn nàn lại.” Đây cũng sẽ là chủ đề Trâm muốn chia sẻ trong tập Podcast này hôm nay.
Giấc mơ của Trâm đêm qua rất rõ nét: Trâm mơ thấy mình bị tai nạn giao thông. Bình thường, Trâm là người rất “nhát” khi tham gia giao thông. Trâm thường dễ bị mất kiểm soát mỗi lần cảm thấy những người lái xe xung quanh có thể bất ngờ lao vào mình. Có lẽ chính sự căng thẳng này là một trong những lý do dẫn đến giấc mơ đêm qua.
Trong mơ, Trâm thấy mình ngồi sau xe máy của một người bạn, và người bạn này đang chạy ngược chiều trong làn xe bốn bánh. Mình không hiểu tại sao người bạn mình làm như vậy, nhưng trong thâm tâm mình biết chắc sẽ có chuyện không hay xảy ra. Một lúc sau, mình bị văng ra khỏi xe. Trong mơ, cảnh tượng văng ra khỏi xe này giống như một thước phim quay chậm vậy. Trong lúc cơ thể đang bay lên, Trâm đã nghĩ rằng: “À, có thể đây là giây phút cuối cùng của cuộc đời mình rồi.”
Khi cơ thể Trâm đáp xuống lòng đường, Trâm còn nhớ là mình nằm nghiêng và còn ở trong tâm thế là chắc chắn sẽ có cái gì đó đè lên lưng mình và tim mình sẽ ngừng đập. Vậy đây sẽ là những nhịp đập cuối cùng của trái tim mình rồi.
Nhưng, may mắn thay, không có gì đè lên lưng mình hết, đó chỉ là một giấc mơ, và Trâm vẫn sống qua giấc mơ đó.
Để rồi sáng hôm nay, Trâm cảm thấy vô cùng biết ơn một việc đơn giản là mình có thể thức dậy, mình đã không chết. Giấc mơ vừa rồi khiến Trâm cảm thấy mình của hôm nay là phiên bản tốt hơn hôm qua. Bởi vì hôm nay đã xảy ra một số chuyện khiến Trâm cảm thấy muốn phàn nàn – cả chuyện cá nhân lẫn trong công việc chung. Nó là những trục trặc kỹ thuật mà Trâm lại là người “mù công nghệ”, thường xuyên lúng túng trước những thao tác liên quan đến máy móc. Lần này cũng không ngoại lệ, Trâm phải nhờ đến sự hỗ trợ từ người khác và mọi thứ trở nên cồng kềnh hơn hơn bình thường. Nó khiến mọi công việc khác bị đình trệ lại và làm mất thời gian của mình.
Khoảnh khắc đó, sâu thẳm trong mình muốn bật lên tiếng phàn nàn, nhưng bỗng nhiên mình dừng lại và tự hỏi: nếu hôm nay là ngày cuối cùng mình sống thì mình có còn muốn phàn nàn về vấn đề này nữa hay không? Nếu hỏi rằng vấn đề này có xứng đáng để bỏ công sức ra giải quyết và khắc phục để mọi thứ trơn tru hơn hay không? Thì có, nó xứng đáng.
Nhưng nếu hỏi nó có xứng đáng để than phiền hay không? Thì câu trả lời là không.
Nghĩ được như vậy, Trâm đã lướt qua vấn đề đó một cách nhẹ nhàng mà không thốt ra bất cứ lời phàn nàn nào cả.
Cũng trong buổi sáng này, Trâm đã gặp một số vấn đề liên quan đến những người trễ deadline với mình, dẫn đến tiến độ công việc ở các bộ phận liên quan cũng bị chậm đi. Lại có một tiếng nói ở bên trong kêu lên rằng Trâm hãy phàn nàn đi, đây là chuyện đáng để phàn nàn! Nhưng đó là Trâm của ngày hôm qua. Còn hôm nay, sau khi trải qua giấc mơ cận kề cái chết, Trâm cảm thấy dù gì sự việc cũng đã xảy ra rồi, mình sẽ không cổ súy cho thói quen xấu, nhưng điều mình cần làm là tìm cách để nhắc nhở những người kia, lưu ý với họ rằng họ đang làm sai và gây ảnh hưởng như thế nào, trong một tâm thế vui vẻ hơn, tích cực hơn. Trâm đã lựa chọn giải pháp không thỏa hiệp với cái sai, nhưng cũng không biến vấn đề đó thành căng thẳng. Chính giấc mơ này đã mang đến cho Trâm một bài học, một trải nghiệm xứng đáng và Trâm muốn chia sẻ với mọi người.
Có một bài hát mà Trâm rất thích. Đó là bài Sắc Màu của nhạc sĩ Trần Tiến. Mãi sau này Trâm được biết nhạc sĩ Trần Tiến viết bài hát này khi ông đang nằm viện. Trâm rất xúc động khi ở trong khoảnh khắc đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết, người ta có thể sáng tác nên những ca từ tuyệt vời như vậy. Mỗi khi nghe lại, Trâm đều vô thức lẩm nhẩm hát theo:
“Một đêm nhớ, nhớ,
Nhớ ra mình, một mình
Một đêm nhớ, nhớ ra mình đã ở đâu đây
Một đêm trong đêm thâu,
Một vầng sáng chói lóa
Một đêm nhớ, nhớ ra ta vô hình.”
Cùng với bài hát này, trải nghiệm nằm mơ thấy mình qua đời cũng gợi Trâm nhớ đến một bài hát khác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà Trâm rất thích: Bên Đời Hiu Quạnh. Bài hát đó có những câu như thế này:
“Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi.”
Những ca từ này chạm đến trái tim Trâm và Trâm không thể nào quên đi được, mỗi lần nghe đều vô cùng xúc động, đặc biệt trong tình huống nằm mơ thấy mình sắp chết như hôm nay. Bên cạnh đó, Trâm chưa phải nhập viện như nhạc sĩ Trần Tiến hay phải trải qua một nỗi đau thể xác nào trong đời thực. Đấy là một trong những điều may mắn Trâm nhận được thông qua trải nghiệm này. Đầu tiên là trải nghiệm nằm mơ thấy mình qua đời và thứ hai là không phải chịu tổn thương gì từ trải nghiệm đó. Trâm hy vọng rằng chia sẻ của mình về điều này cũng sẽ tạo cảm hứng cho các anh chị và các bạn, như cách mà nó đã làm với Trâm.
Quay lại với ý tưởng nếu chỉ còn một ngày để sống thì mình sẽ chọn làm gì. Thì từ trước đến giờ có những thứ mình đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần và cảm thấy nó quá mô phạm, chẳng hạn như “Sự sống của chúng ta rất mong manh” hay “Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng”, Trâm cảm thấy bản thân mình cũng như một số người bạn của mình nói rằng nó nhàm chán. Nhưng khi trải qua giấc mơ có một không hai như thế này, Trâm mới ý thức được rõ ràng cuộc sống ngắn ngủi như thế nào, và rằng chúng ta sẽ không thể biết được liệu đây có phải lần cuối cùng còn được thở hay không.
Thật ra, đây không phải lần đầu tiên Trâm suy ngẫm về sự sống. Đã từng có một lần Trâm chứng kiến một sự việc hơi đáng sợ mà Trâm từng chia sẻ trên Facebook cá nhân, và cũng kể lại với một người bạn của mình. Tuy nó đáng sợ, nhưng Trâm nghĩ vẫn nên kể lại lần nữa trong tập Podcast này vì nó có liên quan đến chủ đề hôm nay.
Đó là vào một buổi sáng trên đường đi làm, Trâm ngồi sau một anh xe ôm công nghệ và tụi mình đi ngang qua một hiện trường tai nạn giao thông. Tai nạn này đã xảy ra rồi và khi Trâm nhìn thấy thì mọi người đang đắp chiếu và thắp nhang cho người bị nạn. Đó là lần đầu tiên Trâm ở gần một thi thể đến vậy, thậm chí còn thoáng nhìn thấy cẳng chân của người đó nữa.
Sau đó, dù đã qua hiện trường vụ tai nạn một đoạn khá xa rồi, Trâm và anh tài xế vẫn không nói với nhau thêm được một lời nào. Mãi cho đến khi sắp đến nơi, anh mới nói được với Trâm một câu đại loại như “Sợ quá ha” hay gì đó tương tự. Nhưng khi Trâm xuống điểm đến thì cả Trâm và anh tài xế đều chúc nhau có một ngày tốt lành.
Cả ngày hôm đó, hình ảnh thương tâm kia cứ quanh quẩn trong đầu óc Trâm, không thể thoát ra được. Trâm cứ nghĩ về việc là, khi chúng ta bắt đầu một ngày mới, chúng ta lên lịch là hôm nay mình sẽ làm gì, tiếp theo mình sẽ làm gì, chúng ta sắp xếp và lên kế hoạch cho mọi thứ. Nhưng có khi nào chúng ta lên lịch cho cái chết đâu; có khi nào chúng ta chuẩn bị cho việc một thời điểm nào đó trong ngày, mình sẽ giã từ cuộc sống này đâu.
Khi Trâm kể về việc nhìn thấy tai nạn cho một người bạn của Trâm nghe, Trâm đã nói là: Mới buổi sáng người đó bước ra khỏi nhà, đôi chân đó vẫn còn đi trên đường, họ không hề nghĩ đến chuyện mình sẽ gặp phải. Nếu có cơ hội để suy nghĩ về chuyện đó, có thể họ sẽ họ sẽ mang đến một giá trị gì đó cho cuộc sống của mình để nó tốt đẹp hơn hoặc trọn vẹn hơn, theo một ý nghĩa nào đó.
Gần đây, có lần Trâm bị cảm cúm, thì cũng như mọi lần khác, khi đổ bệnh thì tâm trạng của mình cũng sẽ bị u buồn theo tình trạng thể chất của mình. Mỗi đêm khi bị sốt cao, Trâm thường tự hỏi là nếu ngày mai mình không tỉnh dậy nữa thì sao. Lỡ như hôm nay là ga cuối trong chuyến tàu cuộc đời mình thì sao. Câu trả lời luôn là: Không sao cả. Có Trâm hay không thì cuộc đời này vẫn thế, cuộc sống này vẫn cứ tiếp diễn thôi.
Nhân nói về chủ đề này, Trâm xin chia sẻ thêm một vài suy nghĩ về sự hữu hạn trong cuộc sống của chúng ta từ một số cuốn sách mà Trâm thích và ghi nhớ. Bởi vì một số người sẽ cảm thấy sợ khi nói đến cái chết và có xu hướng né tránh từ này, cho nên Trâm thường sẽ dùng từ “qua đời” (như trong tiêu đề podcast này), hoặc từ “xa đời”.
Và trong trích dẫn sau đây, Trâm xin dùng cụm từ “giới hạn của sự sống”. Vì Trâm tin rằng khi chúng ta biết được giới hạn của sự sống của mình, chúng ta sẽ có ý thức để làm cho cuộc sống hữu hạn này được chất lượng hơn.
Ý tưởng thứ nhất đến từ cuốn Sống Vốn Đơn Thuần của Phong Tử Khải. Tác giả bảo rằng: “Phải chi cuộc đời này ngắn ngủi như một chuyến tàu, có khi người ta lên tàu rồi đối xử với nhau tốt hơn vì biết tới ga là chết. Chứ đời sống trăm năm lâu quá, nhiều khi người ta sống như thể quên mất rồi mình cũng sẽ chết.”
Trong cuốn Thế Giới Của Sophie (tác giả Jostein Gaarder): “Cuộc đời này vừa buồn bã, vừa trịnh trọng, chúng ta gặp nhau, đi qua đời nhau, rồi ai cũng chết hết cả.”
Trong cuốn Người Đàn Ông Mang Tên Ove (tác giả Fredrik Backman): “Cái chết là một thứ lạ lùng, người ta sống cả đời như thể nó không tồn tại, nhưng nó lại là lý do quan trọng nhất để sống. Một số người nhận thức về nó rõ đến nỗi sống mạnh mẽ hơn, bướng bỉnh hơn, điên cuồng hơn. Một số lại cần sự hiện diện thường xuyên của nó để cảm thấy rằng mình đang sống. Còn một số khác lại bị ám ảnh bởi cái chết đến nỗi họ ngồi đợi nó rất lâu trước khi nó tới.”
Trong cuốn Homo Deus – Lược Sử Tương Lai (tác giả Yuval Noah Harari): “Khi con người thành công trong dự án nhắm đến mục tiêu kéo dài tuổi thọ đến mức bất tử, nghĩa là con người chỉ có thể chết nếu gặp tai nạn. Vậy thì làm sao họ còn dám làm những việc mạo hiểm như là đi leo núi hay là băng qua đường?”
Trong cuốn Suy Tưởng (tác giả Marcus Aurelius): “Tại sao người ta chấp nhận cơ thể mình chỉ nặng bấy nhiêu ký mà không đòi nó phải to lên 300 hay 400 ký; nhưng người ta lại chê mình sống có ngần ấy năm? Anh chấp nhận giới hạn đặt lên cơ thể anh, thì anh cũng phải chấp nhận giới hạn đặt lên tuổi thọ của anh chứ.”
Trong cuốn Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm (tác giả Mark Manson): “Bạn và tất cả những người bạn quen biết đều sẽ ngỏm hết thôi. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ nay cho đến lúc đó, bạn chỉ có giới hạn cho những mối bận tâm thật ra là rất ít, nếu bạn cứ chạy loanh quanh để quan tâm hết chuyện này đến chuyện kia, hết người này đến người khác mà không sàng lọc cho cẩn thận, thì ôi thôi, đời bạn sẽ thành một mớ bòng bong.”
Và cuốn cuối cùng là Walden – Một Mình Sống Trong Rừng (Henry David Thoreau): “Tôi đi vào rừng bởi vì tôi muốn sống thong dong, chỉ đối diện với những sự kiện tinh túy nhất của cuộc sống, và không để đến khi tôi gần chết mới khám phá ra rằng mình chưa hề sống.”
Cảm ơn bạn vì đã chịu khó nghe hết tập podcast có vẻ hơi nặng nề ngày hôm nay. Nhưng mà không sao cuộc sống mà nó phải có đầy đủ sắc màu thì nó mới thú vị phải không? Trâm đã luôn tâm niệm như vậy. Hy vọng rằng tập này có thể lan tỏa được ít nhiều cảm hứng trong ngày hôm nay. Cảm ơn và xin chào tạm biệt!
Ngoài Spotify và Apple Podcasts, các bạn cũng có thể nghe podcast Sách và Sống tại app Fonos, Maika và nhiều nền tảng podcast khác.