Chào mừng các anh chị và các bạn đến với tập 7 của Podcast Sách và Sống.
Như thường lệ, hôm nay sẽ là một tập mà Trâm thu âm vào ban đêm trong tinh thần khá là gấp rút. Bởi vì hôm nay Trâm không định sẽ thu podcast, nhưng sau khi kết thúc một buổi học online sớm hơn thường lệ nửa tiếng thì Trâm cảm thấy mình có thể tận dụng khoảng thời gian này để thu một tập podcast mà mình đã lên kế hoạch và ghi chú lại từ hôm qua, sau khi trở về từ rạp chiếu phim Oppenheimer – bộ phim về cha đẻ của bom nguyên tử, một nhà vật lý học.
Rất tình cờ là sáng hôm đó Trâm vừa mới nghe xong cuốn sách nói Tư Duy Như Einstein (tác giả:Scott Thorpe) là cha đẻ của thuyết Tương đối. Với hai sự kiện này thì Trâm đã nói đùa trên mạng xã hội là mình có đóng góp quá lớn cho ngành vật lý bởi vì mình đã bỏ tiền mua sách, bỏ tiền ra mua vé xem phim về một lĩnh vực mà đối với rất nhiều người và với cá nhân mình là rất khô khan và ít được hứng thú. Chắc các anh chị và các bạn cũng biết đạo diễn Christopher Nolan là ông hoàng của các bộ phim “bom tấn”, không có tính đại chúng và không có tính giải trí. Thế nhưng không biết bằng cách nào đó, mình cảm thấy có lẽ nó cũng không khó nhằn lắm, nên quyết định mua vé đi xem.
Mình muốn nói một chút về mối lương duyên của mình với ngành vật lý. Lần đầu tiên mình học vật lý là những năm đầu cấp hai, mình đã rất thích môn này. Bởi vì nó cho mình biết quán tính là gì, trọng lực là gì, ma sát là gì,… Lúc đó mình cảm thấy cực kỳ hứng thú. Nó giúp mình giải nghĩa các hiện tượng mình thấy hằng ngày mà không biết cách gọi tên.
Ví dụ như khi còn nhỏ, mình ngồi trước sân nhà, mình nhìn ra đường, thấy các anh chị học sinh chạy xe đạp ngang qua, mình đã tự hỏi tại sao người ta có thể đi được trên chiếc xe đạp? Nó chỉ có hai bánh thôi, bình thường ngồi lên không được, đứng cũng không được, nhưng khi đạp thì nó lại lao về phía trước mà không bị ngã. Lúc đó mình thấy vi diệu lắm. Cho dù sau này biết đi xe đạp rồi, mình vẫn không có cách nào lý giải được. Cho đến khi học môn vật lý, mình mới biết hóa ra là do thăng bằng, hóa ra là vì lực ma sát giữa bánh xe và mặt đường, hóa ra là có quán tính khi đang lao đi trên đường và thắng gấp. Khám phá tất cả những điều này khiến mình thấy cực kỳ thích thú!
Vài năm sau, khi môn vật lý ở trường bắt đầu đào sâu vào những thứ mà mình không thể tưởng tượng ra nổi, chẳng hạn như con lắc, những viên bi, bước sóng, bức xạ ánh sáng… mình bắt đầu không thể hình dung ra được nữa và bắt đầu học dở môn đó dần đi. Mình chấp nhận rằng bản thân không còn duyên gì với môn vật lý nữa rồi. Nhưng rồi bằng một cách nào đó, nghệ thuật vẫn đưa mình đến với vật lý. Chẳng hạn như sự xuất hiện của cuốn Tư Duy Như Einstein này, mặc dù không phải một cuốn sách về vật lý nhưng nó nói đến cách tư duy của một nhà khoa học thường bị mang tiếng là gàn dở, đồng thời cũng rất độc đáo – người mà theo mình thấy là rất hiếm hoi trên thế giới.
Không chỉ cuốn sách này, năm ngoái mình vừa xem xong sitcom The Big Bang Theory – một chương trình hài kịch Mỹ về một nhóm nhà khoa học – vật lý, bao gồm Vật lý Thiên văn, Vật lý Lý thuyết, Vật lý Thực nghiệm… Nhân vật chính trong sitcom là anh chàng Sheldon – một nhà Vật lý Lý thuyết – mình nghĩ là lấy ý tưởng từ Einstein, từ Oppenheimer, từ Richard Feynman gộp lại trong nhân vật này, với những tình huống dở khóc dở cười. Vì cách tư duy của anh không giống người bình thường, và EQ của anh gần như bằng 0. Mình rất thích bộ phim này, nó khiến mình cảm thấy vật lý hóa ra cũng rất đẹp, từ vật lý lý thuyết cho tới thiên văn, vũ trụ, sự giãn nở, các vì sao,… đều khá thú vị, khá hay ho. Nhưng cũng chỉ đến đó chứ không tìm hiểu sâu hơn.
Rồi hôm qua khi mình cảm thấy mình có hai “đóng góp to lớn” cho ngành vật lý, đó là nghe xong cuốn sách Tư Duy Như Einstein vào buổi sáng và xem bộ phim Oppenheimer vào buổi tối. Sau trải nghiệm này, mình cảm thấy mình muốn nói gì đó, chủ yếu là về cuốn Tư Duy Như Einstein và những gì mà mình đúc kết được. Và mặt khác là vì mình muốn tri ân ngành vật lý học đã mang đến các nhân vật, các câu chuyện thú vị đến trong cuộc sống của mình, làm cho cuộc sống mình phong phú hơn, nhiều màu sắc hơn.
Cuốn sách Tư Duy Như Einstein bao gồm 12 chương. Nhìn chung đại ý của nó là thúc đẩy sự sáng tạo, đồng thời đưa ra rất nhiều gợi ý để có thể khơi dậy tinh thần sáng tạo của mỗi người, nhằm giúp chúng ta nghĩ ra được những cách làm mới hơn, cách sử dụng công cụ khác đi.
Trong podcast này, Trâm sẽ chia ra làm 4 phần. Phần đầu tiên nói về 3 chương mình cảm thấy ấn tượng nhất mà tổng thời lượng 3 chương chỉ có khoảng 2 tiếng đồng hồ thôi, để bạn nào muốn nắm bắt thông tin nhanh, đầy đủ và theo mình cũng là những chi tiết đặc sắc nhất trong cuốn sách này thì có thể tập trung vào 3 chương ấy. Thứ hai là những lợi ích rõ ràng và thực tế mà mình đã thu được ngay khi mình đang nghe sách. Thứ ba là những bài học mình thích nhất từ cuốn sách. Thứ tư là phần “Chống chỉ định”, không phải từ mình, mà là từ cuốn sách. Đó là bố cục chính trong tập podcast ngày hôm nay.
Phần đầu tiên, có lẽ cũng là phần quan trọng nhất, đó là 3 chương mà mình cảm thấy ấn tượng nhất và mình nghĩ nếu các bạn không có nhiều thời gian mà vẫn muốn thưởng thức cuốn sách này thì có thể thử dành 2 tiếng đồng hồ để nghe 3 chương này: Chương 1, Chương 2 và Chương 11.
Chương 1 và chương 2 nói về “vũ trụ sự thật” – tức là niềm tin có sẵn của mỗi người, hay còn gọi là “lối mòn nhận thức” hoặc “lối mòn tư duy”. Hai chương này sẽ làm rõ nhận thức của phần đông chúng ta, giúp chúng ta hiểu được rằng chính “vũ trụ sự thật” này khiến chúng ta khó lòng chấp nhận ý tưởng mới – cả ý tưởng cá nhân lẫn ý tưởng của người khác. Khi ý thức được điều này, chúng ta sẽ có nền tảng để thay đổi, không còn bị lối mòn kiểm soát và từng bước làm chủ những quyết định của mình, sáng tạo hơn trong các lựa chọn trong đời. Tóm lại, 2 chương đầu này nhằm mục đích xây dựng nền tảng nhận thức cho độc giả về “Vũ trụ sự thật” từ quá trình hình thành, phát triển của nó, cách mà nó trưởng thành và ảnh hưởng đến chúng ta.
Chương 11 có tên là Những Ý Tưởng Ngông Cuồng. Mình cảm thấy đây là chương dài nhất và đặc sắc nhất của cuốn sách. Nó mang đến nhiều gợi ý (đôi khi hơi… ngông cuồng) khi chúng ta gặp phải bế tắc. Tác giả gọi những gợi ý của mình là “ý tưởng hạt nhân”, giúp độc giả tìm ra lối thoát và giải thoát mình khỏi bị mắc kẹt trong lối mòn tư duy của chính mình.
Cũng chính trong chương này, mình đã nghe được một câu quote của Oppenheimer – nhân vật chính của bộ phim mang tên ông mà mình đã xem tối qua: “Chúng ta cần lắng nghe những ý tưởng mới mẻ và rộng mở về vấn đề này.” Điều đó có nghĩa là, giống như Einstein, ông Oppenheimer (sinh cùng thời và là đồng nghiệp của Einstein) có tư duy rất cởi mở cả với bản thân lẫn người khác. Và nếu các bạn cũng có đi xem bộ phim Oppenheimer, các bạn sẽ thấy ông luôn tiếp thu ý kiến của mọi người và khuyến khích mọi người nói lên quan điểm hay giải pháp riêng của họ, dù chúng có trái chiều đi chăng nữa.
Ở chương 11, những ý tưởng hạt nhân kiểu như vậy rất nhiều, mình chỉ nhớ được một vài cách. Chẳng hạn như gieo xúc xắc: khi gieo trúng số 1 thì mình sẽ làm cách này, khi gieo trúng số 2 thì sẽ thử cách kia. Ngoài ra còn có những ý tưởng khác như xem số cuối của ngày sinh, số xe hay số điện thoại gì đó để thử nhiều cách làm mới mẻ hơn.
Một ý tưởng hạt nhân được gợi ý trong sách là dùng trí tưởng tượng của mình để biến mình thành một đứa bé 12 tuổi. Giả sử, hiện tại mình đang gặp khó khăn với vấn đề chuyển chỗ ở, mình đang phân vân không biết có nên chuyển chỗ ở hay không. Hãy thử tưởng tượng nếu mình là một đứa trẻ 12 tuổi thì mình có muốn chuyển chỗ ở hay không. Một đứa trẻ 12 tuổi sẽ luôn luôn có rất nhiều giải pháp. Bởi vì nó đã có độ trưởng thành nhất định, nó biết là có nhiều cách để giải quyết một vấn đề nào đó, không phải hoàn toàn ngây thơ tinh khôi như em bé, nhưng cũng chưa bị những kinh nghiệm chi phối tạo thành lối mòn tư duy giống như người lớn.
Rất có thể các suy nghĩ của đứa trẻ 12 tuổi chỉ đơn giản là chỗ này có nhiều bạn bè, chỗ này gần công viên, chỗ này gần nhà sách cho nên là mình chưa vội chuyển đi đâu. Hoặc có thể nó sẽ suy nghĩ rằng chỗ ở mới gần rạp chiếu phim hơn, gần hiệu sách hơn, mình chuyển đến chắc là vui lắm. Như vậy, thay đổi quan điểm từ một người lớn 30, 40 tuổi thành tư duy của đứa trẻ 12 tuổi, mình sẽ cảm thấy cách giải quyết vấn đề sẽ khác đi ngay.
Cũng có thể làm ngược lại: chọn cách suy nghĩ như một người dày dạn kinh nghiệm, dày dạn tuổi đời (ví dụ như là 92 tuổi). Lúc đó mình đã biết quý trọng những kinh nghiệm, mình biết việc chuyển chỗ ở sẽ có tác động như thế nào đến cuộc sống của mình và những người xung quanh mình. Mình sẽ ra quyết định như thế nào? Sẽ thận trọng hơn, hay là sẽ theo hướng là bây giờ mình đã già rồi, mình cũng giàu rồi, đã đến lúc mình YOLO, mình thử những cái mới mẻ, mạo hiểm.
Một gợi ý khác là mình có thể tưởng tượng mình giống như một con ruồi. Tác giả mô tả cách giải quyết vấn đề của con ruồi như sau: Nó sẽ bay vòng quanh căn phòng cho đến khi chọn được một chỗ hấp dẫn nhất (như một giọt mật ong). Chắc chắn nó sẽ bị xua đuổi. Nó sẽ bay đi nơi khác, lượn vài vòng rồi sẽ lại đáp vào đúng giọt mật ong ấy. Khi mình thử hóa thân thành con ruồi, mình kiên quyết theo đuổi đến cùng một ý tưởng nào đó. Không thì có thể tưởng tượng mình là con nhện, không nhanh nhảu như ruồi, con nhện giăng tơ kỹ lưỡng, thận trọng và có sự đầu tư thời gian lẫn công sức để thực hiện “mưu đồ” của nó.
Mình còn có một cách nữa. Đó là tưởng tượng mình không được khỏe mạnh như hiện tại mà đang nằm trên giường bệnh, với thời gian và nguồn lực có giới hạn. Mỗi ngày mình chỉ được đón một người đến thăm và chỉ được gọi điện thoại 2 cuộc một ngày thôi. Khi đó, mình sẽ chọn đón ai vào thăm và gọi điện cho những ai xứng đáng. Khi đặt mình vào tình huống bị hạn chế như vậy, mình thấy mình sáng suốt hơn, biết chọn lọc hơn. Ví dụ mối quan hệ giữa mình với anh A và anh B là thân thiết ngang nhau, nhưng vấn đề của anh A cấp bách hơn, mình sẽ quyết định gọi cho anh A trước. Sự hạn chế khiến mình biết mình nên ưu tiên cho cái gì, ưu tiên cho ai.
Nội dung thứ hai mình muốn chia sẻ là những lợi ích mình thu được ngay khi đang nghe cuốn sách này. Sau hai chương đầu nói về “vũ trụ sự thật”, mình gần như bị vỡ òa. Bởi vì lúc đó mình đang có một nhiệm vụ trong công việc là nghĩ ra tên cho một nội dung mới sắp ra mắt. Trước giờ mỗi khi brainstorm để đặt tên cho một cuốn sách, một bộ phim, thì mình đơn giản chỉ là gõ chữ thôi, mình ghi lại để so sánh tên nào có keyword mạnh hơn, tên nào ngắn hơn, tên nào dài hơn, tên nào tối ưu hơn… Nhưng mình gần như chưa bao giờ tư duy bằng hình ảnh.
Mình thử lên Canva để diễn đạt những ý tưởng trong đầu ra bằng hình ảnh thay vì chỉ bằng chữ nghĩa giống như trước giờ. Khi đó, mình tự động loại ra những cái tên quá dài, và mình biết được tên nào là tối ưu khi thể hiện lên trên hình ảnh, trông nó sẽ như thế nào. Điều này cho mình góc nhìn rất khác so với trước đây. Đó chính là lợi ích nhãn tiền mà mình thu được ngay cả khi mình chưa hoàn thành cuốn sách.
Nội dung thứ ba: bài học mà mình thích nhất ở cuốn sách này. Đó là sự ham hiểu biết – cũng là điều mình thấy hấp dẫn nhất ở Einstein. Ông có một câu nói: “Tôi không có món quà bí mật nào, tôi chỉ là một người say mê hiểu biết.” Mình nhớ có một câu khác cũng tương tự như vậy, đó là: “Tính ham hiểu biết có lý do để tồn tại.” Có nghĩa là ngay cả Einstein còn ham hiểu biết và nó mang lại thành công cho ông, thì ông biết rằng suốt bao nhiêu ngàn năm loài người suy nghĩ, làm việc, học tập mà đức tính ham hiểu biết vẫn còn tồn tại cho đến lúc ông nói ra câu đó, thì nghĩa là nó đã hữu ích. Nó phải hữu ích thì nó mới tồn tại được!
Mình nhớ có một câu chuyện rất ấn tượng của Einstein như thế này. Vào thời của ông, ông đã đưa ra một học thuyết mà 100 vị giáo sư của Đức Quốc xã cùng tập hợp lại để viết một cuốn sách nhằm công kích, phản bác học thuyết đó của ông. Lúc đó ông đã nói: “Nếu tôi sai thì chỉ cần một giáo sư là đủ rồi.”
Có nghĩa là, nếu ông sai thì một ông giáo sư nói là đã chắc chắn sai rồi, cần gì phải đến 100 người hợp tác để cùng nói là ông sai. Bài học ở đây là, nếu mình thật sự là người ham hiểu biết, tác giả khuyên chúng ta cần phải tận tâm nếu muốn phát triển ý tưởng của mình thành giải pháp. Nhưng tác giả cũng nhấn mạnh, mình đừng quá hy vọng ý tưởng của mình sẽ thành công, mà nên mong đợi một bài học thú vị sẽ rút ra từ thất bại đó, và hãy khiến những “chuyên gia” – như trong câu chuyện của Einstein – phải xấu hổ vì đã không ham hiểu biết.
Phần thứ tư mình muốn chia sẻ là phần “chống chỉ định”. Đây chỉ là cách gọi nôm na mà mình đặt cho nó, vì mình rất thích một lưu ý mà tác giả viết trong sách khi dần tiến về những trang cuối cùng. Bao trùm toàn bộ cuốn sách là một năng lượng khơi gợi tinh thần sẵn sàng phá vỡ các nguyên tắc, vượt ra khỏi lối tư duy cũ hay những cách làm cũ.
Tuy nhiên ông bảo rằng dù chúng ta nên phá vỡ nguyên tắc nhưng mà vẫn có những nguyên tắc mà chúng ta không nên bất chấp. Ví dụ như phép lịch sự, sự quan tâm và lòng tốt. Bởi đó là những giá trị rất có ý nghĩa. Cho nên, dù chúng ta phá vỡ bao nhiêu nguyên tắc đi nữa, vẫn sẽ có những nguyên tắc buộc phải nằm ngoài sự bất chấp của chúng ta.
Vừa rồi là 4 phần nội dung chính của tập podcast tuần này. Mình xin tóm tắt lại. Thứ nhất là 3 chương ấn tượng nhất: chương 1, chương 2 và chương 11, chiếm khoảng 2 tiếng sách nói. Thứ hai là những lợi ích mình đã thu được ngay khi đang nghe sách. Thứ ba là những bài học mình thích nhất. Và thứ tư là “chống chỉ định”.
Hy vọng podcast đã mang đến cho các bạn một chút thông tin thú vị và có thể khơi mở một ý tưởng nào đó vừa nhen nhóm trong bạn!
Ngoài Spotify và Apple Podcasts, các bạn cũng có thể nghe podcast Sách và Sống tại app Fonos, Maika và nhiều nền tảng podcast khác.