Chào mừng các anh chị và các bạn đến với tập 10 của Podcast Sách và Sống – Hôm nay Trâm nghe.
Chủ đề hôm nay Trâm muốn chia sẻ đó là: Mối quan hệ lành mạnh. Cá nhân Trâm và những người xung quanh Trâm thường gặp nhiều vấn đề về các mối quan hệ. Tối nay Trâm vừa nghe một cuốn sách có bàn về chủ đề này. Trâm thấy hay hay nên quyết định thu âm lại những suy nghĩ của mình vào ngay lúc này.
Niềm vui khi đọc lại/nghe lại cuốn sách cũ hay gặp lại người bạn cũ
Thật ra hôm nay Trâm đã gặp một số việc không như ý, Trâm muốn tìm một cuốn sách có khả năng vực dậy tinh thần mình, giúp mình không cảm thấy bi quan về những khó khăn đang gặp phải. Cuối cùng Trâm quyết định chọn nghe lại cuốn sách Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm (tác giả: Mark Manson).
Trâm thích thưởng thức lại một cuốn sách cũ, dù ở hình thức nghe hay đọc, tương tự như việc Trâm thích gặp lại những người bạn cũ và phát hiện ra họ có những sự thay đổi, những sự phát triển mới. Trâm cảm thấy điều đó rất thú vị. Nó còn thú vị hơn cả việc mình gặp một người bạn mới nữa.
Được đọc một cuốn sách mới thì cũng hay, nhưng đôi khi đọc lại hoặc nghe lại một cuốn sách cũ với một tâm thế mới lại giúp mình phát hiện ra những điều mới mẻ, những góc nhìn mới mẻ. Đó là lý do Trâm nghe lại cuốn Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm. Trâm thích sự mạnh mẽ trong văn phong của tác giả Mark Manson. Trâm thích tinh thần dứt khoát của ông, nó rất phù hợp để nghe lại vào thời điểm mình đang bị “tụt mood”.
Trong quá trình nghe lại, Trâm đã phát hiện một ý tưởng về tình yêu.
Chuyện tình của ai bết bát hơn?
Ông nói chính xác là về tình yêu, không phải về mối quan hệ, nhưng Trâm muốn phát triển cho ý tưởng này rộng hơn, không chỉ gói gọn trong tình yêu đôi lứa mà còn là tất cả các mối quan hệ. Một sự tình cờ là cuốn sách giấy Trâm đang đọc lại có tên Chuyện Tình Triết Gia (tác giả: Andrew Shaffer), viết về chuyện tình cảm của các triết gia trên thế giới, trong đó có một câu quote khá là thú vị như sau:
“Có một tin vui là dù chuyện tình cảm của bạn có bết bát như thế nào thì cũng vẫn có người còn bết bát hơn nữa.”
Đối với Trâm, câu này vừa đáng cười, vừa đáng buồn.
Người ta nói: Triết gia là tình nhân của minh triết, vậy liệu rằng chuyện tình yêu của họ có thành công hơn so với những người chưa được minh triết hay không? Câu trả lời rõ ràng là không.
Bởi vì như chúng ta thường nói trái tim có lý lẽ của riêng mình. Trong quá trình đọc cuốn sách này – Trâm chỉ đọc khoảng 60 đến 70% cuốn sách vì chỉ lựa chọn câu chuyện của các triết gia mà mình biết – Trâm nhận thấy các triết gia này thường không thành công trong chuyện tình cảm, thậm chí trong hôn nhân, gia đình.
Tinh thần tự chịu trách nhiệm – nền tảng của mối quan hệ lành mạnh
Trâm liên hệ đến một ý trong cuốn Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm. Đó là định nghĩa của tác giả về một mối quan hệ lành mạnh, là khi cả hai người tự nhận trách nhiệm cho những vấn đề, hoặc những cảm xúc của cá nhân mình, đồng thời họ có thể giúp đối phương tự đối mặt và giải quyết các vấn đề, các cảm xúc của đối phương. Đây là một phiên bản đã được Trâm rút gọn lại, vì ý tưởng này được tác giả diễn giải dài hơn.
Lý do mình tâm đắc với nội dung này là bởi mình nhìn thấy rất nhiều người xung quanh có các mối quan hệ không lành mạnh. Mình không chắc họ có đi với nhau được lâu hay không; mình cũng không chắc là góc nhìn của mình trong thời điểm đó có chính xác hay không, nhưng mình luôn có thể mơ hồ nhận ra sự không lành mạnh trong mối quan hệ của họ.
Ví dụ như một cặp đôi mà cô gái không ngửi được mùi thuốc lá và không cho phép người yêu mình hút thuốc lá, hoặc ngược lại chàng trai không thích tốn nhiều tiền vào việc mua sắm và không cho phép bạn gái shopping nữa. Lúc đó thì anh không còn là anh nữa và em cũng không còn là em nữa.
Vấn đề của cô gái này là cô ấy không gửi được mùi thuốc lá thì cô ấy phải tự mình giải quyết vấn đề đó. Nghĩa là nếu cô ấy thật sự tôn trọng người yêu của mình và yêu anh ấy bằng con người đích thực của anh ấy, chứ không phải muốn biến anh ấy thành phiên bản người mà mình yêu, thì cô ấy cần phải tự giải quyết vấn đề của mình bằng cách nào đó mà không ép buộc người yêu mình phải thay đổi.
Tình huống ngược lại đối với anh chàng kia cũng như vậy. Anh không thích tốn tiền cho việc mua sắm thì anh phải tự giải quyết vấn đề đó của anh, anh không thể bắt bạn gái của mình đừng shopping nữa. Mình không phải một người mua sắm nhiều, nhưng mình biết có một số người mua sắm để xả stress. Họ mua sắm không phải bởi vì họ thích tiêu tiền mà bởi vì họ muốn thỏa mãn một sở thích, niềm vui nào đó. Mình hoàn toàn tôn trọng điều này, đó là lựa chọn của riêng họ.
Chúng ta không thể bắt buộc người yêu mình đừng làm cái này, đừng làm cái kia, chỉ vì cá nhân mình không thích hoặc mình có vấn đề với điều đó.
Nhưng sẽ là hoàn toàn khác biệt trong trường hợp thấy người yêu mình không thích mùi thuốc lá, không chịu đựng được mùi thuốc lá thì anh chàng sẽ hạn chế hoặc ngừng hút thuốc. Anh ta chủ động làm điều đó vì không muốn người yêu mình khó chịu, bị ho hoặc bị dị ứng. Sự thay đổi xuất phát từ tình yêu thương.
Hay cô gái trên quyết định hạn chế mua sắm bởi vì cô mong muốn cuộc sống gia đình của cả hai sau này thoải mái về mặt tài chính hơn. Cô ấy tự giải quyết vấn đề của mình, cô ấy thay đổi vì cô ấy thật sự muốn.
Những điều này có nghĩa là: chúng ta hoàn toàn cho đối phương có được sự tự do, và ngược lại đối phương cũng cho chúng ta được tự do. Đối với mình, đây là mối quan hệ lành mạnh.
Không chỉ trong tình yêu mà trong tình bạn, trong các mối quan hệ thường ngày như gia đình, đồng nghiệp, cộng sự, nếu chúng ta cho nhau sự tự do, cho nhau sự tôn trọng; chúng ta không bắt buộc đối phương chịu trách nhiệm cho những vấn đề hay những cảm xúc của cá nhân mình, thì đó mới là mối quan hệ lành mạnh.
Và câu chuyện “chơi ngu” của Trâm
Trâm muốn chia sẻ một câu chuyện cá nhân trong quá khứ Trâm cũng từng là một người đi giải quyết vấn đề của người khác. Ví dụ như một người bạn của mình sắp đi công tác hoặc về quê mà chưa mua vé tàu xe hoặc vé máy bay, mà mình thì lại biết cách mua nhanh và tiện, thế là mình đi mua giúp bạn mình, mình thanh toán giúp bạn, gửi code vé cho bạn. Mình làm tất cả những điều đó vì mình biết mình làm sẽ nhanh hơn và tiện hơn, nhưng làm xong mình cảm thấy mệt lắm. Mình tự hỏi tại sao chuyện của người ta mà mình đi làm?
Dần dần về sau, mình không làm nữa. Ban đầu mình cảm thấy tội lỗi vì ngày xưa mình luôn luôn là người làm những chuyện này, bây giờ mình không làm nữa thì ai làm? Không biết bạn mình có biết chỗ mua vé hay không? Không biết bạn mình đặt vé có nhầm ngày hay không?
Nhưng rốt cuộc, “vắng mợ thì chợ vẫn đông”. Mình không mua thì bạn tự đi mua, và bạn hoàn toàn có thể sống được một cách yên ổn mà không có mình. Khoảnh khắc đó, mình thấy mình khỏe mà bạn cũng khỏe. Bởi nếu mình không quản lý được cảm xúc của mình, lúc nào cũng cảm thấy bực bội, bất tiện khi mua vé trễ ngày, khi giá vé bị tăng cao… thì chi bằng mình buông xuống để cả mình lẫn đối phương được thoải mái.
Chẳng có lý do gì để phải trói buộc nhau trong một mối quan hệ khó chịu mà người này bắt người kia phải giải quyết vấn đề giúp mình. Chúng ta cần cho nhau những ranh giới lành mạnh, đó là cách chúng ta đang giúp nhau, cùng nhau giải quyết vấn đề của chính bản thân mình. Không những bản thân phát triển hơn mà mối quan hệ cũng sẽ phát triển hơn.
Đó là bài học nho nhỏ mà Trâm đã rút ra được sau khi nghe đi nghe lại cuốn sách Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm. Hy vọng bài học này, góc nhìn này cũng sẽ hữu ích cho các bạn nếu các bạn đang gặp tình huống tương tự hoặc đang quan tâm đến chủ đề xây dựng mối quan hệ lành mạnh. Cảm ơn bạn đã theo dõi!
Ngoài Spotify và Apple Podcasts, các bạn cũng có thể nghe podcast Sách và Sống tại app Fonos, Maika và nhiều nền tảng podcast khác.