Chào mừng các anh chị và các bạn đến với tập 11 của Podcast Sách và Sống – Hôm nay Trâm nghe.
Chủ đề hôm nay Trâm muốn chia sẻ đó là: Săn lùng niềm vui miễn phí mà không rẻ tiền.
Không phải bây giờ Trâm mới nhận ra là con người chúng ta ai cũng thích vui vẻ. Việc học một cái gì đó, hay làm một cái gì đó không đủ động lực bằng việc đi chơi hoặc tham gia các hoạt động giải trí – nó dễ dàng hơn rất nhiều, gần như không cần nỗ lực.
Trâm được gợi nhớ đến chủ đề này khi sáng nay vừa nghe cuốn sách Đắc Nhân Tâm (tác giả: Dale Carnegie). Cuốn sách này thật ra Trâm đã được nghe từ cách đây rất lâu rồi, vì nó là một cuốn sách kinh điển nên mình biết đến nó từ khi còn nhỏ, nhưng chưa có duyên đọc. Cho đến thời gian gần đây khi có sách nói thì mình mới bắt đầu nghe nó.
Bình thường khi đã nghe một cuốn sách nào đó rồi, mình rất lười nghe lại, bởi vì mình nghĩ là mình đã biết hết nội dung rồi, nhất là những cuốn tiểu thuyết. Còn những cuốn Non-fiction, những cuốn không có cốt truyện, Trâm mới thường thưởng thức đi thưởng thức lại nhiều lần. Một trong số đó là cuốn Đắc Nhân Tâm này.
Có nhiều người, trong đó có cả bản thân Trâm trước đây nữa, khi nhắc về Đắc Nhân Tâm thì lập tức có suy nghĩ rằng: đây là một cuốn sách dạy cách lấy lòng người khác, làm mờ đi cái tôi của bản thân mình. Tại sao chúng ta phải làm hài lòng người khác? Đặc biệt trong thời đại bây giờ, dường như chúng ta xem trọng cái tôi của mình hơn là việc lấy lòng người khác?
Tuy nhiên, sáng hôm nay, khi nghe lại cuốn Đắc Nhân Tâm, Trâm chợt nghe được một ý tưởng về tầm quan trọng của việc khen ngợi người khác. Ai cũng thích trở thành người quan trọng, điều này là bởi như trong tháp nhu cầu Maslow, đỉnh cao nhất của tháp chính là nhu cầu được quan tâm, được tôn trọng.
Sau khi chúng ta đã có được những nhu cầu thiết yếu như chỗ ăn, chỗ ở, và các nhu cầu sinh lý cơ bản, chúng ta sẽ tiến dần lên một vài nấc thang nữa cho tới khi đạt đến nấc thang cao nhất là Được tôn trọng. Nhu cầu được tôn trọng rất quan trọng, cho nên việc chúng ta đưa ra lời khen với người khác thể hiện rằng mình biết họ muốn được tôn trọng và mình thể hiện sự tôn trọng đó với họ.
Trâm xin kể một câu chuyện cá nhân. Ngày trước, Trâm rất ngại khen ngợi người khác, đồng thời cũng rất ngại khi ai đó khen mình. Mỗi khi có ai đó khen, Trâm đều lúng túng tự hỏi mình nên trả lời như thế nào, nói gì cũng thấy ngố. Chính vì những lý do trên mà mỗi khi được khen, mình không biết phải làm sao.
Song song với đó, việc ngại khen người khác bắt nguồn từ những bộ phim Drama Hàn mà trước đây Trâm từng xem, họ xây dựng tuyến nhân vật tà – chính rất rõ ràng, có nghĩa là những người vay phản diện có những tính xấu, một trong số đó là rất hay nịnh nọt. Những lời xu nịnh của họ lố lăng đến mức mình cảm thấy xấu hổ khi xem luôn. Kiểu như: hôm nay chị mặc cái đầm vàng đẹp quá, hôm qua chị mặc cái đầm xanh đẹp quá, ngày mai em chưa biết chị mặc cái đầm gì nhưng em biết chắc là nó cũng đẹp.
Những thành kiến đó lớn dần trong mình cho đến khi mình ra trường rồi đi làm, mỗi khi nhìn thấy ai khen sếp là mình lại cảm thấy người này đang nịnh, thấy ai khen đồng nghiệp, mình cảm thấy họ dẻo miệng, giả tạo. Từ đó mình cũng bị “ngại khen” luôn, vì mình đánh đồng việc khen ngợi người khác thành xu nịnh.
Sau này mình mới cảm thấy điều này sai sai. Tại sao người khác làm tốt mà mình lại không được phép khen? Mình thấy điều họ làm thú vị hoặc giúp ích cho mình, tại sao mình lại không khen ngợi họ? Mình bắt đầu tập nói lời khen.
Ban đầu cũng có những vấp váp.
Mình nhớ có một lần, đó là khoảng thời gian đầu mình mới luyện tập. Mình đang ở trong bếp và gặp một chị đồng nghiệp – chị ấy là người rất xinh đẹp, mỗi lần chị ấy đi ngang qua, mình đều cảm thấy ngưỡng mộ vẻ đẹp của chị. Tuy nhiên điều mình ngưỡng mộ không chỉ riêng ở nhan sắc, mà còn bởi vì mình nghe nói rằng sau giờ làm chị ấy còn tập luyện rất nhiều, có nghĩa là mình biết rằng địa chỉ ấy có một cơ thể đẹp như vậy là nhờ sự nỗ lực. Một lần, trong một cuộc trò chuyện nho nhỏ ở căn-tin, mình khen chị ấy đẹp, chị ấy đã nhìn mình vài giây, mình cũng nhìn lại chị ấy vài giây, sau đó cả hai lẳng lặng ăn tiếp. Khoảnh khắc ấy mình cảm thấy… sai sai. Hình như việc nói lời khen thẳng thắn quá cũng có thể khiến người khác lúng túng.
Về sau mình đã rút kinh nghiệm không còn sỗ sàng như vậy nữa. Mình sẽ tùy tình huống mà đưa ra lời khen – đa số là gián tiếp. Ví dụ như thông qua tin nhắn. Khi người nhận lời khen không đối mặt với mình thì họ có thể tự do thể hiện niềm vui của họ. Trường hợp của mình cũng tương tự. Ví dụ như khi nhận được tin nhắn của sếp hoặc của một đồng nghiệp bảo rằng: “Trâm ơi bài viết này hay quá” hoặc “Trâm ơi, việc này em làm tốt quá, nhiệm vụ này em làm rất hiệu quả.” Mình sướng rơn! Và mình nhận ra niềm vui này rất bền vững, và có khả năng tiếp thêm sức mạnh để lần sau mình phát huy tốt hơn.
Ở chiều ngược lại, sau này, mình có cơ hội làm việc với nhiều cộng tác viên viết nội dung cho mình, mỗi khi mình nhận về khoảng 10 bài. Trong số đó có một hai bài đặc sắc, mình sẽ lập tức cảm ơn tác giả của bài viết đó, chỉ ra những điểm hay, cách dùng từ, cách triển khai ý,…
Mặc dù lời khen của mình không mang lại mức nhuận bút cao hơn cho bạn ấy, nhưng lần nào mình cũng cảm thấy niềm vui được nhân đôi: người được khen tỏ ra rất vui và mình cũng vui lây. Mình nhận ra việc khen ngợi, việc trân trọng người khác hoàn toàn không khó khăn như mình vẫn nghĩ!
Lời khen chỉ là cách thức, phương tiện, cốt lõi vẫn là mình muốn thể hiện rằng mình trân trọng điều họ đã làm. Thật ra trong 10 bài của 10 bạn đã gửi, mức nhuận bút là bằng nhau (vì các bạn đều đạt được các tiêu chuẩn cơ bản để có mức nhuận bút đó), nhưng mà thông qua quá trình làm việc với các bạn, mình nhận ra những người muốn trở nên xuất sắc trong công việc của họ không nhiều.
Đa số sẽ nghĩ rằng chỉ cần đáp ứng được các yêu cầu cơ bản là đủ, cho nên đối với những cá nhân mong muốn trở thành người vượt trội trong công việc của họ, mình nghĩ họ xứng đáng được tôn vinh, nếu như không phải bằng một hình thức cao siêu, thì cũng đáng được công nhận. Cá nhân mình cũng thích điều đó mà.
Một niềm vui miễn phí mà không rẻ tiền đó chính là khen ngợi để thể hiện sự trân trọng người khác. Đó chính là điều mình nhận ra sau khi nghe cuốn Đắc Nhân Tâm.
Cách thứ hai để mình săn lùng niềm vui miễn phí mà không rẻ tiền – cách này mình không tham khảo trong Đắc Nhân Tâm hay một cuốn sách nào, mà từ trải nghiệm của chính bản thân mình.
Gần đây, mình cùng một nhóm bạn đi đến nhà một người bạn ở vùng ven biển. Vì rất thích tắm biển nên mình đã rủ mọi người buổi chiều đi tắm biển, nhưng hình như mọi người đã “ngán” biển lắm rồi nên mọi người có vẻ không thích. Họ vẫn đi nhưng là đi để chiều ý mình thôi. Không may, buổi chiều hôm đó trời mưa to, không thể ra biển được. Lúc ấy mình ngồi ở sân nhà nhìn trời mưa – đó là một căn nhà có máng xối dẫn nước nên mình có thể nhìn thấy nước tuôn xuống ào ào. Đột nhiên mình hỏi mọi người có muốn tắm mưa không? Mọi người ban đầu rất dè dặt, nhưng sau đó mình nói rằng hiện giờ mưa đang rất to mà lại không có giông gió nên rất an toàn. Thế là mình và mọi người đã cùng nhau ùa ra tắm mưa. Chỉ trong khoảnh khắc đó, mình cảm thấy rất vui! Tụi mình giống như quay trở về là những đứa trẻ.
Sau này thỉnh thoảng ngồi lại với nhau, tụi mình vẫn nhắc lại trải nghiệm này và đều cảm thấy vui vẻ. Ngày hôm ấy, thay vì ngồi nhìn trời mưa và cảm thấy buồn bã, tiếc nuối vì chuyến đi biển bất thành, mình đã nghĩ ra cách để tự tạo ra trải nghiệm mới cho mình. Sau này tụi mình cũng có một vài chuyến đi tương tự thì mọi người vẫn nhớ đến một kỷ niệm vui là đã cùng tắm mưa – một niềm vui không tốn xu nào.
Mình không cần phải chi tiền, không cần tiêu xài, mua sắm gì đó để có được niềm vui. Cơ hội để có niềm vui vẫn luôn ở đó, và mình chợp lấy nó, mình chủ động tạo ra niềm vui cho mình. Điều này rất giá trị và bền vững.
Thêm một trải nghiệm cá nhân nữa, đó là trong thời gian xây dựng kênh podcast này, thời gian gần đây mình thường bị bí ý tưởng, mình cảm thấy khó khăn khi thu một tập podcast. Mình tự hỏi lý do tại sao. Ngày xưa mỗi khi thu một tập podcast, mọi thứ diễn ra rất dễ dàng và nhanh chóng, một phần bởi vì lúc đó mình có một bạn hỗ trợ ở khâu kỹ thuật như mix nhạc, cắt file, mình chỉ việc lên ý tưởng và thu thôi. Bây giờ có chút thay đổi và mình phải tự tay làm. Mình nhận ra mỗi khi làm những việc có yếu tố kỹ thuật, mình nhìn thấy một rào cản rất rõ ràng. Mình đã lên mạng để xem nhiều video hướng dẫn cách làm podcast, những lỗi thường mắc khi làm podcast, xử lý âm lượng của giọng nói, âm lượng trong nhạc nền… Xem một lúc là mình thấy chóng mặt. Mình tự hỏi tại sao lại phải khó khăn đến như vậy? Lúc đó, mình đã quay lại lý do ban đầu mình muốn làm kênh podcast này – mình có muốn một điều gì đó nặng nề như vậy hay không? Mình có muốn hành trình này vất vả như vậy hay không? Mà ngay cả chính mình trong tập podcast trước cũng đã nói rằng: Làm điều quan trọng không nhất thiết phải vất vả, tại sao bây giờ mình lại vướng vào vòng vất vả này? Mình tự nhắc nhở lý do ban đầu mình tạo kênh podcast này là vì mình muốn được vui và muốn chia sẻ niềm vui, vậy thì tại sao bây giờ mình lại tự đẩy mình vào tâm thế kém vui như thế này?
Thế là mình quay trở lại. Sáng hôm nay, trước khi thu tập Podcast này, mình đã nghe lại bài hát The Scientist của nhóm Coldplay. Thật ra bài hát này nói về một câu chuyện hoàn toàn khác, nhưng mình đã “lượm lặt” được hai câu mà lần nào nghe đi nghe lại mình cũng rất thích, đó là:
“No one ever said it would be this hard
Oh, take me back to the start.”
“Không ai nói rằng việc này cần phải khó khăn như vậy
Và, ồ, hãy tự đưa mình quay lại nơi bắt đầu.”
Quay trở lại cột mốc ban đầu: tại sao mình làm việc này? Mình làm vì mình muốn vui, mình muốn tập trung vào nội dung, mình muốn chia sẻ điều gì đó hữu ích và giá trị cho cá nhân mình, và mình muốn lưu giữ nó, đồng thời hy vọng nó có thể mua vui được cho ai đó có cùng quan điểm với mình. Thế là mình đã vượt qua được rào cản và có động lực trở lại để thu tập podcast này.
Hy vọng tinh thần này sẽ ở lại với mình lâu hơn, để mình duy trì kênh podcast giống như lời mình đã hứa với chính bản thân: Đó là định kỳ hằng tuần sẽ ra một tập. Đây cũng được xem là lời giải thích (hoặc bao biện) nếu sau này các bạn nghe những tập podcast sau và cảm thấy phần âm thanh chưa chỉn chu lắm. Mình mong các bạn hiểu rằng sản phẩm đó hoàn toàn là “thủ công”, không tránh khỏi những vấp váp ban đầu.
Cá nhân mình cũng thích được chứng kiến hành trình trưởng thành thông qua việc làm kênh podcast này, cũng giống như đã chứng kiến sự trưởng thành của # Hôm nay Trâm nghe.
Hy vọng các bạn cùng tận hưởng quá trình theo dõi sự trưởng thành đó với mình, đồng thời trong bất cứ công việc nào đang làm, các bạn cũng sẽ có được trải nghiệm rằng bản thân đang thay đổi, đang phát triển từng ngày. Theo mình, đó là điều thật sự đáng quý.
Ngoài Spotify và Apple Podcasts, các bạn cũng có thể nghe podcast Sách và Sống tại app Fonos, Maika và nhiều nền tảng podcast khác.