Hồi năm ngoái, khi Trâm đăng ký một khoá học Nói chuyện trước công chúng, giảng viên có yêu cầu viết một bức thư nêu lý do tham gia. Nội dung Trâm viết trong thư khi đó đại loại kể lại lần có người bạn giới thiệu cho Trâm một quán cà phê mới và nhắn nhủ rằng “quán này rất phù hợp với người hướng nội”, và rồi Trâm không thấy thoải mái lắm. Một phần là vì không thích cái nhãn “hướng nội” theo hướng tự co lại một mình, một phần là vì tự thấy bản thân mình cũng có phần hướng ngoại nữa.
Thế là Trâm bắt đầu khám phá nhiều hơn về cái “nhân cách” hướng ngoại của mình. Và một trong những phương thức khám phá của Trâm là tham gia các lớp học nói chuyện trước công chúng. Cũng chính vì thế, Trâm ngày một thúc đẩy bản thân mình phải “làm bạn” được với chiếc micro.
Lý do đầu tiên là vì Trâm muốn vượt qua nỗi sợ cố hữu từ nhỏ. Hồi còn đi học, Trâm cũng thuộc loại “con ngoan trò giỏi”, thường cũng nằm đâu đó trong top 3 của lớp, không bao giờ đi học mà quên làm bài tập, quên học bài hoặc chưa thuộc bài. Thế nhưng cứ mỗi lần đứng trước lớp để trả bài là y như rằng xương cột sống, đặc biệt là đốt sống cổ, cứ như bị đóng băng lại. Cả thân hình căng cứng, chữ nghĩa bay biến hết sạch.
Lý do thứ hai là bởi vì Trâm thường xuyên được nhận xét là có khả năng dễ dàng lan truyền cảm hứng hay sự say mê đến cho người đối diện bằng những chủ đề mình yêu thích: một cuốn sách hay, một tác giả thú vị, hoặc một quan điểm mà cả hai cùng muốn bàn luận… Rồi một ngày đẹp trời Trâm chợt nghĩ, có thể nào chỉ cần một lần nói chuyện, mình có thể chạm đến hay truyền cảm hứng cho nhiều hơn 1 người?
Và thế là Trâm bắt đầu hành trình “làm bạn với micro” bằng hai bước: bước đầu tiên là micro một mình, và bước thứ hai là… micro nhiều mình.
Cụ thể từng bước Trâm chia sẻ trong tập podcast Sách & Sống thứ 42 “Cách làm bạn với micro dành cho người có huông hướng nội”.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể nghe podcast Sách và Sống tại app Fonos ở đây và app Maika ở đây.
Hành trình vẫn còn dài, Trâm vẫn đang liên tục trau dồi để hoàn thiện. Nhưng như một câu nói vui Trâm có nói với người bạn, đó là “phải làm sao cho micro nó sợ mình chứ mình không còn sợ nó nữa, khi đó là mình thành công”.