Hôm trước, mình có ca khai vấn với một thân chủ là cô gái trẻ dưới ba mươi tuổi, tạm gọi là T.
T có vài vấn đề khó nghĩ, liên quan đến sự nghiệp và các mối quan hệ. Nhưng vẫn như hầu hết các buổi khai vấn khác, câu chuyện hiện tại của thân chủ mình hiếm khi tách rời khỏi những sự kiện, cảm xúc và suy nghĩ trong quá khứ, liên quan đến gia đình. Hay nói cách khác, rất nhiều những băn khoăn, trăn trở, những khó khăn, thử thách và cả những thành tựu của một cá nhân có gắn kết mật thiết với môi trường mà họ từng được nuôi dưỡng trong thời thơ ấu.
T cũng không phải ngoại lệ. Trong lúc cùng mình phân tích, lật trở những vấn đề đang gặp phải cũng như ghi nhận những kết quả mà bản thân từng đạt được, T nhiều lần nhắc đến mẹ mình. Hồi còn nhỏ, T suýt bị cho thôi học giữa chừng vì nhiều người lớn khác thấy vậy mới giống… “con nhà người ta” xung quanh xóm. May mắn là mẹ T vẫn kiên trì cho con cái đi học. Cả T và đứa em của mình đều được chăm lo học hết phổ thông đến đại học.
Tới khi ra trường đi làm, công việc không được như ý, T không dám nói cho bất kỳ người nhà nào biết ngoại trừ mẹ. Rồi đến thời điểm nhận ra mình phải chuyển ngành, T cũng không dám tiết lộ cho bất cứ người thân nào ngoài mẹ…
Cứ thế, sau mỗi lời giãi bày, sau mỗi lần nhớ lại ký ức và kết quả mình gặt hái được cho đến hiện tại, T lại nhấn mạnh “mẹ em chính là người xứng đáng được vinh danh nhất trong chuyện này”. Sau đó, T ví von “mẹ giống như người kiến tạo cho em ghi bàn vậy!”.
Lúc T nói điều đó, mình thực sự rất cảm động. Vừa cảm động bởi sự ghi nhận của người con sớm hiểu chuyện dành cho mẹ mình vừa cảm động bởi một lần nữa được nhìn thấy sự kỳ diệu của lòng biết ơn.
Gần đây, mình có thực hiện một dự án cá nhân mang tên “Biến lòng biết ơn thành hành động”. Mình nhắn tin thật chi tiết để cảm ơn những người thân thương đã từng giúp đỡ mình và tặng họ món quà bất ngờ.
Ngay sau khi nhận được tin nhắn của mình, dù vẫn chưa nhận quà, họ liền phản hồi rằng rất vui và xúc động vì không hề nhớ là đã từng làm được nhiều điều cho mình như vậy (nhất là những người có “cơ địa” đặc biệt tốt bụng, nghĩ rằng việc làm điều tốt cho người khác là bình thường ấy). Diễn tiến bất ngờ này cũng khiến mình cảm thấy… bất ngờ, như thể niềm vui nhân lên gấp đôi gấp ba lần vậy.
Chọn vô tư, vô âu, vô lo và nghĩ rằng mọi thứ đạt được đều chỉ đến từ sự cố gắng của chính bản thân mình thì dễ. Biết nhớ đến công sức của những người đã kiến tạo và chuyền bóng để ta ghi bàn mới khó!
Vậy thì, bàn thắng gần nhất bạn ghi được là gì? Và ai (hay những ai) đã thực hiện đường chuyền kiến tạo?
Hãy ghi nhận họ, cảm ơn họ và nói cho họ biết rằng tại sao bạn biết ơn họ, điều kỳ diệu sẽ xảy ra!
Mình đã khóc khi đọc bài viết này của Trambi, bài viết làm mình nhớ đến Mẹ, người sẵn sàng hi sinh mọi thứ để đổi lại gia đình cho những đứa con của mình. Và, khi khó khăn, mình luôn nghĩ đến Mẹ để gọi tên, vì đó là nơi cho mình sự an toàn nhất. Cảm ơn Trambi vì bài viết truyền động lực về lòng biết ơn
Cảm ơn bạn thật nhiều vì đã để lại bình luận cho Trâm biết cảm nhận của bạn về bài viết! Đây sẽ là nguồn động lực để Trâm viết tiếp thêm thật nhiều bài hay hơn nữa!