Bắt đầu có thứ gì đó để làm

“Sau buổi trò chuyện hôm nay, em thấy mình đã bắt đầu có việc để làm rồi”, “Sau hôm nay, em sẽ ngồi xuống và nghĩ thêm về điều ấy”… là những phản hồi Trâm rất vui mừng và vinh hạnh được nghe sau những phiên khai vấn tâm tình cùng các thân chủ.

 

Mấy hôm trước, sau phiên khai vấn gần 2 tiếng cùng một thân chủ tầm ba mươi tuổi, bạn phản hồi với Trâm rằng “Có những điều ngay trong buổi hôm nay em chưa gọi tên ra được hết, nhưng em sẽ bắt đầu đào sâu suy nghĩ thêm về nó!”. Trâm mới nói với bạn rằng, đây không phải lần đầu Trâm nghe lời phản hồi như vậy, nhưng lần nào nghe cũng cảm thấy vui mừng và vinh hạnh hệt như lần đầu tiên.

Thực tế là, hầu hết thân chủ đến với Trâm đều có một số điểm chung nổi bật là hướng đến sự chân – thiện – mỹ và mang nhiều suy tư. Có vẻ như chuyện năng lượng của mình như thế nào sẽ thu hút những người có năng lượng như thế ấy là đúng thật. Biết bản tính mình giống vậy nên Trâm dễ đồng cảm với họ ở chỗ, việc đặt tiêu chuẩn cao và suy nghĩ nhiều đôi khi dẫn đến tình trạng chỉ số hành động thấp. Chẳng hạn, vốn yêu thích những kiến thức mới nhưng Trâm thường rất chần chừ đầu tư thời gian học tập để tìm hiểu sâu. Vốn đam mê cuộc sống tự do nhưng Trâm rất sợ đánh mất trạng thái ổn định và sợi dây ràng buộc an toàn của hiện tại…

Một câu trích dẫn từ cuốn sách Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi, từ chuyên mục Sự thật hết hồn

Biết tính mình hay vậy nên càng về sau này, Trâm càng lưu tâm đến việc tìm ra điểm cân bằng giữa việc tìm hiểu – suy nghĩ – học tập trau dồi và bắt tay vào hành động nhiều hơn. Đơn giản giống như việc học Toán, dù tiếp thu lý thuyết nhiều đến thế nào mà không giải bài tập thì cũng bằng không. Và cũng không có một kỳ thi Toán nào chỉ yêu cầu thí sinh viết lại công thức, định lý, định đề… cả.

Vậy nên, sau khi khai vấn, được nghe thân chủ nói “Sau hôm nay, em thấy mình đã bắt đầu có việc để làm rồi”, Trâm mừng khôn kể xiết. Cái vui đầu tiên là vì ít nhất mình cũng đã kích hoạt được năng lực hành động của họ. Còn cái vui thứ hai đến từ sự cảm kích ý nghĩa nhân văn của công việc này. Chưa tính đến chuyện sau này họ có đạt được thành tựu từ hành động đó hay không, giữa những bộn bề suy nghĩ và công việc lặp đi lặp lại hằng ngày, chẳng phải đáng chúc mừng lắm sao khi ai đó đột nhiên chọn dừng lại một chút để thấu hiểu chính mình, học hỏi từ quá khứ và hiện tại để phát huy những điều tốt đẹp và khắc phục những điều chưa tốt để có một tương lai hiệu quả hơn và hạnh phúc hơn?

Tiến sĩ Scott Peck trong cuốn Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi đã dùng cụm từ tựa đề sách để chỉ việc một người chọn ngồi xuống để thực sự đối diện với chính mình và cho mình cơ hội làm gì đó khác đi để ngày càng trưởng thành hơn về mặt tinh thần. Cuốn sách này được xuất bản lần đầu vào thế kỷ trước (năm 1978) đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trâm đã nghe sách nói và đọc sách giấy nhiều lần, và tin rằng con đường này đang ngày càng có nhiều người chọn đi.

Xin chúc mừng bạn, và xin chúc mừng chúng ta!

Share
Pin
Tweet

Để lại nhận xét

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

instagram:

[instagram-feed type="hashtag" hashtag="#vamtamthemelafeminite"]