Chào mừng các anh chị và các bạn đến với tập 14 của Podcast Sách và Sống – Hôm nay Trâm nghe.
Hôm nay, Trâm nhận được order từ một người bạn, đây là người bạn đã cùng Trâm xây dựng một thư viện nho nhỏ dành cho trẻ em tại một vùng quê nghèo ở Bình Thuận. Người bạn này nói với Trâm: “Mày làm một tập podcast nói về việc đọc sách thiếu nhi đi? Bởi vì các bạn nhỏ ở đây muốn đọc sách nhưng không biết nên đọc cuốn sách nào giữa muôn vàn lựa chọn.”
Khi nhận được lời đề nghị này, Trâm đã trả lời ngay rằng: Thôi hãy để thuận theo tự nhiên đi, hồi còn nhỏ tụi mình đọc có ai định hướng đâu! Cứ cái gì có chữ rơi vào tầm ngắm của mình thì mình đọc. Kể cả khi ăn một ổ bánh mì mà tờ giấy gói là một mẩu tin tức, mình cũng đọc; về nhà nhìn thấy một cuốn sách ngẫu nhiên, mình cũng sẽ đọc.
Mình dựa vào trải nghiệm cá nhân để nói với người bạn này là hãy thuận theo tự nhiên. Tuy nhiên sau khi trả lời như vậy, mình mới lật lại vấn đề và tự hỏi, cách của mình từ trước đến giờ có phải là cách đúng đắn không? Bởi vì bây giờ, nghĩ đến việc định hướng cho một hoặc nhiều người bạn nhỏ – có thể là con cháu mình, em mình – thì mình sẽ có hai cách.
Một là cách mình từng được trải nghiệm mà mình sẽ tạm gọi là “thuận theo tự nhiên”. Mình cảm thấy cách này rất tự do, tùy cơ duyên, tùy sở thích. Nhưng khuyết điểm của cách làm này là nó sẽ mất rất nhiều thời gian, bởi vì trên đời này có muôn vạn cuốn sách, để đọc và trải nghiệm từng cuốn và chọn lọc cuốn sách mình thích hoặc những cuốn phù hợp, thì sẽ mất rất nhiều thời gian.
Vậy nên mình sẽ đi đến cách thứ hai, đó là: đọc sách có định hướng, nghĩa là mình sẽ định hướng cho đứa trẻ rằng nên đọc tác giả nào, tác phẩm kinh điển nào, hoặc nên đọc cuốn sách này vì mình thấy nó hay, mình thấy nó được đánh giá cao, hoặc trong một bảng xếp hạng uy tín nào đó, nó được xếp vào loại kinh điển, nên đọc, đáng đọc. Mình cảm thấy cách làm này đỡ mất thời gian hơn, nhưng ngược lại, nó làm mất tự do của đứa trẻ. Đứa trẻ đó không còn được tự do khám phá nữa, giống như mình “vẽ đường cho hươu chạy”, nó chỉ chạy theo một con đường đó thôi. Như vậy có tốt hay không?
Trong hai cách vừa kể trên, mình băn khoăn không biết cách nào là tốt. Bởi vì cá nhân mình đi theo hướng đầu tiên: thuận theo tự nhiên. Mình đã từng nghe câu chuyện của một người bạn rằng, lúc còn nhỏ, người bạn này được cha mẹ định hướng cho là nên đọc Lucky Luke, nên đọc Doraemon, nên đọc những cuốn sách kinh điển như Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà hoặc sách của Ernest Hemingway; không nên đọc những thứ “truyện tranh nhảm nhí” vì ba mẹ thấy nó rất vô bổ. Cá nhân mình cảm thấy may mắn khi ngày xưa điều kiện kinh tế của gia đình mình khá eo hẹp và mình không dám xin tiền ba mẹ để mua bất cứ cuốn sách nào. Gần như suốt cả thời thơ ấu mình không bỏ tiền ra để mua một cuốn sách nào. Nhưng mình may mắn vì có những người bà con, họ hàng điều kiện kinh tế khá giả, mua cho anh chị em họ của mình nhiều sách để đọc. Và thế là sau khi đọc xong không có nhu cầu nữa, họ chuyển sách về nhà mình.
Nhà mình giống như cái kho chứa sách. Mình được đọc Kính Vạn Hoa, Tứ Quái TKKG, Doraemon và các đầu sách khác của Nguyễn Nhật Ánh. Thể loại nào mình cũng đọc, kể cả Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà. Lúc đó mình chẳng có định hướng gì hết, nhưng mình cảm thấy cách này cho mình sự tự do.
Khi hai cách đã kể trên vừa nảy ra trong đầu, mình đã tự hỏi, liệu có cách nào tốt nhất để vừa định hướng, đồng thời cũng vừa cho đứa trẻ được sự tự do hay không?
Mình đã nghĩ ra một cách tối ưu, ít nhất là trong giai đoạn hiện tại!
Đó là, mình sẽ gợi ý tựa sách hay cho một đứa trẻ và cả bạn bè của đứa trẻ đó. Nhưng mình sẽ không ép buộc trẻ đọc, mình sẽ ưu tiên giới thiệu cho trẻ những tựa sách mà chúng có thể đọc đi đọc lại trong quá trình trưởng thành. Bởi vì mỗi đứa trẻ có một quá trình trưởng thành khác nhau, mình sẽ không biết quá trình trưởng thành của đứa trẻ mình muốn gợi ý sách sẽ kéo dài từ bao nhiêu tuổi đến bao nhiêu tuổi – có những người 18 tuổi đã trưởng thành, có những người 25 tuổi mới trưởng thành, có những người 30 tuổi mới trưởng thành, nhưng cũng có người dù đã già, đã mất đi vẫn chưa trưởng thành – nhưng mình vẫn thấy có những tựa sách người ta có thể đọc đi đọc lại dù ở độ tuổi nào, mình sẽ giới thiệu chúng cho các bạn nhỏ.
Nhìn lại trên kệ sách của mình, mình rút ra được 4 tựa mà mình sẽ gợi ý cho các bạn (trong đó có 3 cuốn là một series và 1 cuốn là đơn lẻ).
Cuốn sách đơn lẻ đó là Hoàng Tử Bé (tác giả: Antoine de Saint-Exupéry): vừa có bản sách giấy vừa có bản sách nói. 3 tựa còn lại là Doraemon, Nhóc Nicolas và Lucky Luke.
Bốn tựa này phù hợp để đọc nhiều vì có nhiều kiến thức cũng như yếu tố văn hóa. Tác giả của chúng có khả năng đơn giản hóa những thông điệp của mình để ngay cả những đứa trẻ cũng có thể hiểu được. Bên cạnh đó, khi ở tuổi trưởng thành, những đứa trẻ mà họ đã từng là, cũng được dịp sống lại bên trong con người họ. Đó là lý do mình cảm thấy đây là những tựa sách hay!
Sau này, vì không muốn sở hữu sách giấy nữa nên mình thanh lọc kệ sách của mình khá nhiều. Mỗi đợt thanh lọc có thể mình tặng, cho hoặc bán. Sau này mình mới chuyển sách về thư viện ở tỉnh Bình Thuận do mình và người bạn của mình làm, một số người bạn của mình cũng góp nhiều đầu sách đến thư viện này.
Mọi người có nói là mình đang “làm từ thiện”, mình cảm thấy cụm từ này không đúng lắm. Bởi những đứa trẻ này phần đông là con cháu của những gia đình mình quen biết, họ đều có đời sống kinh tế khó khăn, và những hiểu biết của họ về thế giới đều rất eo hẹp, chỉ gói gọn trong vùng miền của họ. Vô tình được biết họ, tụi mình quyết định làm ra một nơi để đặt các kệ sách – một căn nhà nho nhỏ chứa những cuốn sách tụi mình thu gom về làm thành thư viện.
Mình chỉ mong muốn một điều nho nhỏ, đó là những đứa trẻ này có thể tiếp cận và biết được rằng trên đời này có Bố Già, có Nước Ý, có Sáu Người Đi Khắp Thế Gian, và rất nhiều điều thú vị khác. Mặc dù chưa từng đọc, hoặc chưa đọc kỹ từng trang, nhưng điều quan trọng là chúng biết trên đời tồn tại những thứ đó. Điều này sẽ khơi gợi cho trẻ tìm hiểu nhiều hơn về thế giới của chúng, để chúng biết rằng bên ngoài lũy tre làng kia, có rất nhiều thứ chúng có thể tìm tòi, khám phá.
Tập Podcast này sẽ dừng lại ở đây. Mình chỉ muốn bàn về hai cách để thiếu nhi đọc sách và đọc sách thiếu nhi: một là thuận theo tự nhiên và hai là có định hướng. Cách mình nghĩ rằng tối ưu nhất là vừa định hướng vừa thuận theo tự nhiên. Không ép buộc để đứa trẻ được tự do, chúng biết mình muốn chúng đọc những cuốn nào, nhưng nếu chúng không muốn thì hãy để chúng tự chọn. Biết đâu trong thời đại của chúng còn có những cuốn sách hay hơn, hấp dẫn hơn, thú vị hơn. Sau này, dần dần dựa trên những trải nghiệm cá nhân, chúng sẽ biết đâu là lựa chọn tốt nhất, phù hợp nhất cho mình.