Đối thoại với Thượng đế – Podcast Sách và Sống #26

Tựa sách có liên quan đến những điều Trâm chia sẻ trong tập podcast thứ 26 này là Đối Thoại Với Thượng Đế của tác giả Neale Donald Walsch.

Chào mừng các anh chị và các bạn đến với tập 26 của Podcast Sách và Sống – Hôm nay Trâm nghe.

Ở tập podcast này, Trâm muốn nói về chủ đề: Đối Thoại Với Thượng Đế. Xin được dùng nguyên văn tựa của cuốn sách cùng tên, là một trong những cuốn sách mà Trâm yêu thích nhất trên kệ sách của mình. Tác giả của cuốn sách này là Neale Donald Walsch. 

Không chỉ yêu thích, Trâm còn rất biết ơn cuốn sách Đối Thoại Với Thượng Đế này, bởi vì đây có thể xem là cuốn sách đã đưa Trâm đến với tình yêu dành cho triết học.

Trước khi đọc cuốn sách này, Trâm không thích những câu hỏi, dù từ nhỏ đã là một đứa trẻ thích đặt câu hỏi, nhưng mục đích của mình khi đặt câu hỏi là để có được câu trả lời. Và Trâm cảm thấy rất khó chịu khi một thắc mắc nào đó của mình không có lời giải đáp. Có lẽ đó cũng chính là lý do Trâm không bén duyên với triết học từ nhỏ mặc dù Trâm thích đọc sách và rất thích thư viện, xem thư viện giống như một sân chơi của mình

Cách đây khoảng 5, 7 năm, cuốn sách Đối Thoại Với Thượng Đế đến với Trâm một cách rất ngẫu nhiên. Trâm thấy tựa sách có vẻ thú vị, Trâm đọc thử nội dung của nó. Cuốn sách nói về một nhân vật xưng “Tôi” và cuộc đối thoại với nhân vật “Thượng Đế”. Sau khi đọc thử, Trâm cảm thấy nhân vật Thượng Đế này rất thú vị, thế là Trâm đã mua về đọc. Bạn bè nếu ai “xui” gặp Trâm trong thời gian đó, họ sẽ bị nghe Trâm nói rất nhiều về nội dung Trâm đã đọc trong cuốn này. 

Hôm nay, có dịp đến thăm một người bạn, Trâm đã cho mượn cuốn sách này. Có lẽ các bạn đã từng nghe một câu nói vui là: Nếu bạn có một cuốn sách hay thì sẽ rất dại nếu cho người khác mượn; và khi đã mượn được một cuốn sách hay rồi thì còn dại hơn nữa nếu bạn đem trả. 

Trâm thấy câu này cũng thú vị, cũng có lý, nhưng cá nhân Trâm không đồng tình lắm. Bởi vì Trâm rất thích những cuốn sách hay và thích chia sẻ những thông tin, kiến thức hay, vì thế nếu có một cuốn sách hay, Trâm sẽ cho bạn bè mình mượn – đó là cách mà Trâm cảm thấy mình có thể “trả ơn” cho tác giả vì đã có thể lan tỏa các thông tin và kiến thức bổ ích đó. 

Mặt khác, khi cho bạn bè mình mượn sách, Trâm nghĩ rằng họ sẽ có áp lực là phải trả. Ví dụ Trâm nói là Trâm sẽ cho bạn mượn một tháng, hai tháng, khi có áp lực phải trả, họ sẽ đọc nó nhanh hơn. Trâm nghĩ đơn giản vậy thôi, nhưng Trâm cho người bạn này mượn cũng lâu (khoảng một năm rồi), vậy mà hôm nay Trâm hỏi, người bạn này vẫn chưa đọc. Thôi cũng không sao, đây là một kiểu gieo duyên, cũng giống như gieo hạt, mình sẽ không định đoạt được liệu nó có nảy mầm hay không.

Trong buổi chiều hôm nay, khi nhắn tin với một người bạn nhỏ tuổi hơn. Bạn này nói với mình rằng nhờ thời gian bạn cộng tác viết tóm tắt sách với Trâm trước đây, bạn đọc rất nhiều sách. Nhưng sau khi ngừng cộng tác, bạn ít đọc sách hơn hẳn. Trâm nói với bạn là nên duy trì việc đọc hoặc nghe sách, nói chung là dung nạp kiến thức từ sách sẽ giống như mình đã thu nạp cho đầu vào của mình, sau đó khi làm bất cứ công việc gì, đầu ra của mình cũng sẽ có chất lượng.

Trâm chia sẻ với bạn ấy về cuốn sách này, bạn ấy đã từng biết về cuốn sách này rồi nhưng chưa có động lực để đọc vì chưa đọc được review nào đủ sâu để bắt đầu đọc nó. Nhưng Trâm nói rằng Đối Thoại Với Thượng Đế là một trong những cuốn sách Trâm thích nhất. Bạn ấy nói review này của Trâm là chất lượng nên bạn ấy sẽ đưa nó vào checklist năm 2024.

Nghe được điều này khiến Trâm thấy vui. Ít nhất thì uy tín của mình cũng đủ để truyền cảm hứng cho một ai đó quyết định đọc cuốn sách nào đó. 

Thật ra Trâm không dám nhận công trạng về mình, bởi vì nội dung của cuốn sách này đã giúp Trâm rất nhiều và Trâm cảm thấy biết ơn nó. Đó là lý do Trâm thu tập podcast này để nói về nó, đồng thời cảm ơn tác giả đã mang đến cho Trâm một điều thú vị trong cuộc đời mình.

Hai điểm ấn tượng nhất của Trâm về cuốn này, một là, như lúc nãy có nói, từ nhỏ Trâm đã không thích những câu hỏi, Trâm chỉ thích đáp án thôi. Nhưng cuốn sách này đã giúp Trâm thấy được vẻ đẹp của những câu hỏi, trở thành nền tảng để Trâm tìm hiểu về triết học. 

Điểm thứ hai là một thông điệp Trâm đã in và dán lên bức tường căn nhà cũ mà Trâm từng ở, nội dung của nó đại khái là: Cuộc sống không phải một hành trình khám phá bản thân mà là hành trình sáng tạo. Bạn muốn bạn trở thành ai thì bạn phải sáng tạo mình trở thành con người đó. 

Điểm ấn tượng thứ ba, là một cách tiếp cận mới mà Trâm đã thử dùng nó trong rất nhiều năm sau này của cuộc đời mình. Nhân vật Thượng Đế trong cuốn sách đã nói rằng: Khi mình đã đưa ra một quyết định nào đó, thì đừng nhìn lại quá khứ và tự hỏi quyết định này là đúng hay sai. Thay vào đó hãy biến nó thành quyết định đúng. Trâm rất tâm đắc với thông điệp này và đã ứng dụng nó trong gần chục năm cuộc đời mình. 

Hôm nay, khi tới nhà một người bạn, bạn này hỏi Trâm sao hôm nay trông thần sắc tốt và đẹp hơn so với lần cuối bạn gặp Trâm. Trâm trả lời: “Vì em đang cố gắng biến những quyết định kể từ lần cuối mình gặp nhau cho đến bây giờ, thành quyết định đúng”. Sau khi nói câu này xong, Trâm mới nhớ ra mình đã lấy câu này trong cuốn Đối Thoại Với Thượng Đế và lúc đó Trâm đòi lại sách ngay, để khỏi quên.

Tóm lại, ba điểm nổi bật vừa kể trên mà Trâm rút ra được từ cuốn sách đã cho Trâm những giá trị bền vững và là nền tảng cho những điều tốt đẹp.

Một trong những thông điệp tâm đắc nhất là Những câu hỏi. Đôi khi cuộc sống không đưa đến cho mình mọi câu trả lời, mọi đáp án. Nhưng khi nhìn thấy vẻ đẹp của những câu hỏi, chúng ta sẽ cảm nhận được sự phát triển của mình khi đặt ra những câu hỏi và tìm lời giải trong cuộc sống hằng ngày. 

Có một lần Trâm đi một hội thảo về triết học, diễn giả đã nói một câu mà Trâm rất thích: “Triết học không giỏi đưa ra câu trả lời, triết học chỉ giỏi đưa ra câu hỏi.” Nếu là Trâm của trước đây, chắc Trâm sẽ rất khó chịu – đặt ra câu hỏi để làm gì mà lại không đi tìm đáp án? Mà đáp án phải tới ngay, tới nhanh, không được tới từ từ. Nhưng lâu dần, đối với Trâm của hiện tại, nét đẹp cũng như sự phấn khích của mình nằm ở hành trình nhiều hơn là đích đến. 

Chắc các bạn cũng hiểu cảm giác này, giống như khi leo núi, sau hành trình mệt mỏi, vất vả, muốn dừng lại, muốn quay đầu, chính là cảm giác sung sướng khi lên đến đỉnh, khi đã chinh phục được nó. Hành trình mình đọc cuốn sách này cũng vậy, sau khi kết thúc, mình nhớ về “chuyến leo núi” đó, không nhiều ở thời điểm đạt được kết quả, mà nhiều ở lúc từng bước dò dẫm tìm đường. Sau khi nhận ra nét đẹp của những câu hỏi cũng là lúc nhận ra hành trình đi tìm chân lý của mình rất đẹp và ý nghĩa. 

Ví dụ, khi đặt ra câu hỏi: Mình là ai? Mình đến với cuộc đời này để làm gì? Nghe có vẻ rất vĩ mô, nhưng từng ngày, thông qua những tình huống cuộc sống buộc mình phải lựa chọn, phải ra quyết định, mình sẽ dần sáng tạo nên con người mình muốn trở thành.

Chẳng hạn, mình muốn trở thành con người gieo tri thức cho người khác, mình muốn làm những công việc liên quan đến tri thức, tạo ra giá trị cho người thụ hưởng, thì giữa công việc A và công việc B, mình sẽ rất dễ để đưa ra quyết định, hay chí ít là đỡ vất vả hơn so với những người hoàn toàn không biết mình muốn làm gì. 

Trâm còn nhớ đoạn đối thoại mà nhân vật Tôi hỏi Thượng Đế rằng: trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi cứ luôn phải suy nghĩ, phân tích xem mình có nên làm như thế này hay như thế kia không, sự phân vân đó có biến tôi trở thành một thằng đần hay không? Thượng Đế đã trả lời: Không. Quá trình đó có giúp ngươi trở nên khác đi hay không? Có. Nhưng có khiến ngươi đần hơn không? Thì không. 

Chúa Giê-su có đần không khi Ngài đứng trước những đau thương đã hỏi Chúa Cha tại sao lại đưa con vào tình huống này? Con có nên làm điều này hay không? Hay Đức Phật, hoặc các bậc vĩ nhân – những người được cho là hình ảnh tượng trưng cho một tôn giáo nào đó – họ luôn suy nghĩ, phân tích, thì họ có phải những người đần hay không? Tất nhiên là không. Nhưng họ sẽ trở nên khác đi so với lúc họ chưa đặt câu hỏi. Khác đi thì có, nhưng đần thì không.

Có một thông điệp nữa mà Trâm rất nhớ khi đọc cuốn sách này, đó là không có thứ gì tốt hay xấu, nó luôn luôn thay đổi. Khi chúng ta nhìn nó và nói rằng nó tốt hay xấu, nó hay hoặc nó dở, đều là do cái nhìn của mình thôi.

Quan điểm này cũng phù hợp với một trong những điều mà Trâm nghe được từ một cuốn sách hay từ ai đó mà Trâm không nhớ (rất xin lỗi tác giả thật sự của nó), đó là: Nếu bạn cảm thấy thế giới này xấu xí quá, thì việc bạn cần làm là thay đổi mắt kính của mình đi. Bởi thế giới này không hề tốt, không hề xấu, không hề hay, không hề dở, nó chỉ phản ánh cách nhìn của mình về nó.

Có lẽ do Trâm đọc cuốn sách này quá lâu rồi, Trâm không nhớ được nhiều thông điệp khác, nhưng thật sự đây là cuốn sách mà Trâm cảm thấy nó mang rất nhiều thông điệp nền tảng. 

Hy vọng sau khi nghe tập podcast này, nếu tình cờ đi nhà sách và thấy cuốn sách này trên kệ, bạn có thể mang nó về, đọc và cảm thấy nó hữu ích, Trâm sẽ rất vui và biết ơn. Hơn thế nữa, nếu sau khi đọc xong, bạn quay lại và comment chia sẻ trong tập podcast này, niềm hạnh phúc lúc đó của Trâm sẽ là vô giá. Bởi vì đó là lúc Trâm nhìn thấy hạt mầm mình gieo đã nảy mầm, ra hoa.

Cảm ơn tác giả cuốn sách Đối Thoại Với Thượng Đế đã đem đến cho Trâm những trải nghiệm vỡ òa, những triết lý sống mà sau này đã trở thành nền tảng để giúp Trâm trở thành Trâm của ngày hôm nay. Chúc các bạn sớm tìm được những cuốn sách hay, phù hợp với hệ giá trị của mình và giúp cuộc sống của mình thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, đưa bạn đến gần hơn với con người bạn muốn trở thành.

Để lại nhận xét

instagram:

[instagram-feed type="hashtag" hashtag="#vamtamthemelafeminite"]