Tựa sách có liên quan đến những điều Trâm chia sẻ trong tập podcast Sách và Sống thứ 65 “Học cách thích thể hiện bản thân chân thật” là Show Your Work – Nghệ Thuật PR Bản Thân – 10 Cách Giúp Bạn Chia Sẻ Ý Tưởng Sáng Tạo Và Được Mọi Người Chú Ý, Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm và Những Ngày Thứ Ba Với Thầy Morrie.
Bạn có thể tìm đọc cuốn sách Show Your Work – Nghệ Thuật PR Bản Thân (tác giả Austin Kleon) ở đây.
Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm (tác giả Mark Manson): sách giấy ở đây và sách nói ở đây.
Những Ngày Thứ Ba Với Thầy Morrie (tác giả Mitch Albom): sách giấy ở đây và sách nói ở đây
Bạn cũng có thể xem thêm sách hay được Trâm giới thiệu ở Tiệm yêu sách.
Làm sao để thể hiện bản thân một cách chân thật mà không bị hiểu lầm là “thích thể hiện”? Đó là điều Trâm băn khoăn suy nghĩ và cũng là nguồn cơn của tập podcast này, chủ yếu được Trâm diễn giải qua ba cụm từ then chốt:
- thích thể hiện
- thể hiện bản thân
- bản thân chân thật
Quá trình này cũng khiến Trâm nghĩ nhiều về cách bản thân giao tiếp và tầm quan trọng của việc sống thật với chính mình.
“Thích thể hiện” không tiêu cực như Trâm từng nghĩ
Trước đây, Trâm từng cảm thấy cụm từ “thích thể hiện” mang tính phán xét tiêu cực. Nhưng dần dần, Trâm nhận ra rằng nếu mình không chia sẻ, không thể hiện quan điểm, cảm xúc hay công việc của mình, thì người khác – kể cả đồng nghiệp hay người thân – không thể tự hiểu được. Câu chuyện “canh chua và bún” trong gia đình là một ví dụ vui mà thật: nếu không nói rõ kỳ vọng giữa hai bên thì rất dễ nảy sinh hiểu lầm.
Thể hiện bản thân – không dễ nhưng đáng học
Cuốn Show Your Work – Nghệ Thuật PR Bản Thân của Austin Kleon đã truyền cảm hứng cho Trâm rất nhiều khi kêu gọi độc giả chia sẻ công việc, quá trình sáng tạo và những điều mình học được mỗi ngày.
Tuy nhiên, việc thể hiện không hề dễ vì ta rất dễ mắc hội chứng “kẻ mạo danh” – cảm giác mình chưa đủ giỏi để lên tiếng về điều gì đó.
Trâm học cách bắt đầu từ những điều nhỏ, chân thật, không cần cầu kỳ, và đặc biệt là phải học cách sẵn sàng “chịu đấm” như Austin Kleon đã nói. Bởi vì bất kỳ chia sẻ nào cũng có thể nhận phản hồi trái chiều.
Bản thân chân thật – hiểu mình là ai
Quan trọng nhất, để thể hiện bản thân đúng cách, Trâm thường tự hỏi: mình là ai? Điều gì thật sự quan trọng với mình?
Có một khoảnh khắc rất thú vị khi ChatGPT mô tả khá chính xác về “podcaster Trâm Bi” – như một lời khẳng định rằng, những gì Trâm đã thể hiện ra ngoài (bằng lời nói, bài viết) thật sự phản ánh con người bên trong mình.
Trâm chọn “thiên kiến tích cực” như một phong cách sống
Cách Trâm hiện diện trên mạng xã hội là: luôn cố gắng tích cực hóa mọi điều mình chia sẻ.
Trâm chọn tin vào điều tốt đẹp trong mỗi người, chọn yêu quý cảm giác mình yêu quý người khác – và điều đó giúp cho khâu giao tiếp, làm việc với mọi người trở nên trơn tru hơn. Trâm không chỉ thích được yêu quý, mà còn thích cảm giác được yêu quý người khác!
Có một chi tiết rất sâu sắc trong cuốn sách Những Ngày Thứ Ba Với Thầy Morrie mà Trâm rất nhớ, khi nhân vật chính là thầy Morrie quyết định tổ chức… lễ tang cho chính mình khi còn sống. Mục đích là để được nghe người khác nói về mình lúc còn hiện diện trên cõi đời này.
Tác giả Austin Kleon cũng có góc nhìn tương tự. Ông tự đọc cáo phó mỗi buổi sáng để nhắc nhớ mình về sự hữu hạn của đời người – từ đó sống trọn vẹn và chân thật hơn.
Tập podcast này khép lại với trích dẫn từ chương sách “Đọc cáo phó” trong cuốn sách Nghệ Thuật PR Bản Thân. Nội dung như sau:
Một ngày nào đó, bạn sẽ chết. Hầu hết chúng ta đều muốn làm ngơ trước sự thật này nhưng nghĩ về cái kết không thể tránh trong đời là một cách giúp chúng ta cân nhắc mọi việc thận trọng hơn.
Tôi thường đọc cáo phó và mỗi sáng. Chúng chính là những trải nghiệm cận kề cái chết dành cho những kẻ hèn nhát. Đọc chúng là một cách để tôi nghĩ về cái chết trong khi vẫn tránh nó thật xa.
Cáo phó không thật sự nói về cái chết, chúng nói về cuộc sống.
Nghệ sĩ Maira Kalman viết: “Một bản cáo phó luôn tóm lược người đó anh hùng và cao cả ra sao. Đọc về người chết và những gì họ làm với cuộc sống của họ khiến tôi muốn đứng dậy và làm gì đó tốt đẹp cho cuộc sống của chính tôi. Nghĩ về cái chết mỗi sáng khiến tôi muốn sống”.