Làm điều quan trọng có buộc phải vất vả? Podcast Sách và Sống #9

Tựa sách có liên quan đến những điều Trâm chia sẻ trong tập podcast Sách và Sống – Làm điều quan trọng có buộc phải vất vả?: Tư Duy Tối Giản, Hiệu Quả Tối Ưu (tác giả Greg McKeown).

 

Chào mừng các anh chị và các bạn đến với tập 9 của Podcast Sách và Sống # Hôm nay Trâm nghe.

Hôm nay, chủ đề Trâm muốn chia sẻ là “Làm điều quan trọng có buộc phải vất vả hay không?” Câu trả lời dĩ nhiên là Không. Lý do bởi vì, nếu câu trả lời là Có thì… không còn gì để nói rồi. Tiêu đề Trâm đặt ra hôm nay không nhằm mục đích để hỏi mà chỉ để “giật tít” cho kêu. Trâm muốn thông qua đó để nêu lên quan điểm của mình rằng: chúng ta không nhất thiết phải quá vất vả để làm được điều gì đó quan trọng. 

Lý do Trâm chọn chủ đề này là vì Trâm vừa đọc xong cuốn sách Tư Duy Tối Giản, Hiệu Quả Tối Ưu (tác giả: Greg McKeown). Đây là cuốn sách mà Trâm nghe hơi lâu hơn so với những cuốn sách khác, bởi vì thời gian gần đây, song song với cuốn này, Trâm có nghe thêm và đọc thêm một vài tác phẩm nữa. Cho nên khi hoàn thành nó và nghe giọng đọc trên ứng dụng “Cảm ơn bạn đã lắng nghe” thì Trâm rất xúc động. Cảm giác giống như mỗi lần xem xong một bộ phim, khép lại một cuốn sách, khép lại một vở kịch. 

Chỉ là đối với kịch hoặc phim ảnh chỉ kéo dài vài tiếng thì cảm giác không sâu sắc như việc nghe một cuốn sách kéo dài từ ngày này qua ngày nọ. Cũng như ngày xưa thường xem các series phim truyền hình hoặc drama Hàn Quốc thì cuộc sống hằng ngày của mình gắn liền với bộ phim đó. Cho nên khi xem đến cảnh cuối cùng thì dư âm của chúng để lại cho Trâm có khi lên đến cả tuần. Và hôm nay chính là một khoảnh khắc mà Trâm chứng kiến dư âm đó xuất hiện bên trong mình. 

Một trong những điểm mà Trâm ấn tượng nhất từ cuốn sách này là trong phần cuối. Tác giả kể một câu chuyện cá nhân liên quan đến con gái ông cũng như tình trạng sức khỏe của cô. Đây là một thử thách lớn mà vợ chồng ông phải vượt qua và phải áp dụng tư tuy, lối sống mà mình đã chia sẻ với bạn bè, độc giả của mình. 

Câu chuyện đó đã chạm đến cảm xúc của Trâm. Trâm thật lòng hy vọng tình hình sức khỏe của con gái ông hiện tại đã ổn định hơn. 

Tác giả nói, “Nếu chỉ được chọn một thông điệp duy nhất mà tôi muốn mang đến cho các bạn; hoặc các bạn chỉ muốn rút ra một thông điệp duy nhất từ cuốn sách này, thì tôi mong thông điệp đó sẽ là: Đôi khi, một vài vấn đề trong cuộc sống của chúng ta không nhất thiết phải vất vả, nặng nề đến như vậy. Chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn cách giải quyết vấn đề sao cho ít phức tạp hơn, ít khó khăn hơn vẻ bề ngoài của nó.”

Có một sự trùng hợp thú vị là khi mình đang nghe cuốn sách này, vài ngày trước, trong đầu mình đã hiện lên thông điệp này và mình suy nghĩ rất nhiều. Đó là một nhiệm vụ nào đó trong cuộc sống của mình, trong công việc của mình có nhất thiết phải khó khăn hay không, có nhất thiết phải nặng nề hay không? 

Rồi hôm nay khi khi tác giả kết lại cuốn sách và nói rằng đó là thông điệp mà ông muốn gửi gắm, thì mình cảm thấy được truyền động lực để tối nay mình đã thực hiện tập podcast này. 

Cũng giống như tác giả, đáp án cho câu hỏi “Làm điều quan trọng có buộc phải vất vả hay không?”, thì câu trả lời của mình là Không. Lý do lớn nhất đối với cá nhân mình thấy, nếu như làm một nhiệm vụ quan trọng nào đó trong cuộc sống mà cảm thấy khó khăn thì mình sẽ khó có thể nào đi đường dài được. 

Lấy một ví dụ cụ thể là việc ôn tập cho một kỳ thi cam go có ý nghĩa quan trọng trong đời. Mình sẽ luyện ngày luyện đêm, quên ăn quên ngủ, thay vì 8 tiếng, 10 tiếng, thì mình học trong 12, 14 tiếng mỗi ngày để đạt được kết quả tối đa. Câu hỏi là: cường độ này có duy trì dài hạn được không? Mình thấy là không. Cường độ này cao lắm là chỉ kéo dài được vài tháng. Thông thường sẽ là một tháng, như các bạn vẫn thấy trên  những tấm bảng quảng cáo của các trung tâm luyện thi đại học, luyện thi Ielts. Bạn sẽ không bao giờ nghe họ nói rằng: tại đây luyện thi trong vòng 3 năm, 2 năm, 1 năm cả. Chỉ có thể là luyện cấp tốc vài tháng thôi. Suy cho cùng, đó chỉ là giải pháp “chữa cháy”, bởi vì một lý do nào đó mà chúng ta không đầu tư sớm hoặc không có đủ sự tập trung cho nó, chúng ta cần chạy nước rút trong một thời gian ngắn thì mới có thể sử dụng cách này, chứ đây hoàn toàn không phải một nhiệm vụ có thể làm trong dài hạn. 

Ví dụ thứ hai mà mình nhớ đến đó là câu chuyện của một người bạn. Bạn ấy kể với mình khi bạn đang học cao học ở nước ngoài, có một thời gian bạn mải mê “chinh chiến” trong tình trường, bạn có một người yêu và bạn đắm chìm vào mối tình đó, gần như chẳng học hành gì. Trong ngày cuối cùng phải làm luận văn, bạn mới bắt đầu học ngày học đêm. Bạn nói, đó là lần đầu tiên bạn biết rụng tóc là như thế nào khi nhìn thấy nhà vệ sinh của mình đầy tóc. Khi mình gặp bạn thì bạn đã về nước và làm cùng mình tại một công ty ở Việt Nam, bạn cắt tóc rất ngắn, bạn chia sẻ rằng phải mất một thời gian dài thì tóc bạn mới mọc bình thường trở lại. Đó là hậu quả của việc bạn đã ép cơ thể mình vào một chế độ quá tải, một đường đua nước rút như vậy. 

Thêm một ví dụ nữa là câu chuyện của chính bản thân mình. Có một thời gian mình làm quản lý của một đội nho nhỏ gồm một số thành viên. Lúc đó mỗi khi trò chuyện với bạn bè về công việc, một người bạn của mình đã nhận xét: Mày là một điển hình của Lãnh đạo nô lệ. Hoặc nếu như sau này mày có trở thành lãnh đạo cấp cao hơn, mày sẽ là một lãnh đạo nô lệ. Bạn ấy giải thích Lãnh đạo nô lệ có nghĩa là một người lãnh đạo cực khổ gánh vác cả phần của những người mình đang lãnh đạo. Nghe xong mình cảm thấy mình không muốn trở thành một người như vậy. Mình không biết tương lai mình có trở thành một lãnh đạo cấp cao hay mình có tầm ảnh hưởng với nhiều người hay không, nhưng mình biết chắc là mình không muốn trở thành mẫu hình nô lệ như vậy. Cụm từ này khiến mình suy nghĩ rất nhiều. 

Khi mình gặp những vấn đề nặng nề, mình sẽ nhớ đến giai đoạn mình vừa bắt đầu làm việc cho một công ty nọ. Dù còn chưa bắt đầu dấn sâu vào chuyên môn công việc mà chỉ mới làm quen thôi, mình đã cảm thấy vô cùng nặng nề. Cảm giác giống như mình bị quăng lên một hòn đảo, nơi mà ở đó mọi người nói chuyện, cư xử với nhau bằng ngôn ngữ và những nét văn hóa mà mình không tài nào hiểu được. 

Thời điểm đó, mỗi ngày đi làm của mình giống như cực hình vậy. Mình còn nhớ ấn tượng sâu sắc nhất lúc đó là có một bạn sinh viên bán cà phê vỉa hè trên con đường mình đi làm mỗi ngày. Đến khoảng lần thứ ba thứ tư gì đó mua cà phê, mình đổi món, cậu bé này nhận ra và hỏi: “Hôm nay chị không uống cà phê sữa nữa hả?” Đó gần như là tia sáng duy nhất trong cả ngày xám xịt của mình. 

Sự quan tâm ân cần đó làm mình thấy rất vui. Bây giờ thì cậu không còn đứng bán ở đó nữa, mình có hỏi thăm thì được biết là cậu đã quay lại học rồi. Có lẽ cậu không bao giờ biết, cậu đã gieo một hạt giống tốt lành vào lòng của một người đã đi làm như mình, giúp người đó có thêm một tia sáng. Mình còn nhớ lúc đó mình đã chia sẻ câu chuyện này lên Facebook cá nhân và nói rằng mình tin là sau này dù cậu bé có làm gì đi nữa thì cũng rất dễ dàng gặt hái thành công nếu cậu vẫn duy trì thái độ tận tâm như vậy.

Quay trở lại câu chuyện công việc của mình trong thời điểm đó, mình đã từng trải qua mỗi ngày với cảm giác tồi tệ. Mình không muốn đi làm đến mức cơ thể mình phản ứng. Hệ thần kinh mình căng thẳng đến mức ngón tay bị giật liên hồi. Mình rất sợ hãi, nhưng lại quá bận để đi bác sĩ. Mặt khác mình cho rằng chỉ với một chút triệu chứng nhỏ như thế thì đi bác sĩ cũng chẳng có kết quả gì. Tình hình càng kéo dài mình càng tự hỏi, nếu cứ tiếp tục như thế mỗi ngày thì liệu mình có chịu đựng nổi hay không? Nếu chỉ mới vài tháng đầu đã như thế thì liệu hai, ba năm sau mình có chịu nổi hay không? Và giả sử mới nửa năm mà hệ thần kinh của mình đạt đến giới hạn, khiến mình bị bệnh luôn thì công ty có chịu trách nhiệm cho mình hay không?… Đó là rất nhiều câu hỏi quanh quẩn trong đầu mình thời điểm đó.

Trong cuốn sách Tư Duy Tối Giản, Hiệu Quả Tối Ưu, tác giả có sử dụng một hình ảnh minh họa mà mình rất thích. Đó là: hãy xem nhiệm vụ mà bản thân đang đảm nhận giống như việc đẩy một hòn đá. Nếu chọn cách tiếp cận nặng nề, khó nhọc thì chẳng khác nào đang đẩy hòn đá từ chân núi lên đỉnh núi – một hành động khó từ đầu tới cuối: khi hòn đá lên đến đỉnh thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Rõ ràng đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, mất thời gian và rất dễ thất bại vì mình sẽ không biết trên hành trình đó mình sẽ kiệt sức lúc nào.

Tuy nhiên nếu chọn cách tư duy tối giản thì nhiệm vụ này sẽ giống như đẩy hòn đá từ trên núi xuống. Nỗ lực ban đầu cần phải nhiều, nhưng một khi mình đã đẩy được hòn đá lăn rồi thì việc còn lại là của trọng lực, không phải là việc của mình nữa, và hòn đá này sẽ cứ lăn theo trọng lực thôi. Chúng ta chỉ cần cố gắng ở bước đầu thôi, phần còn lại sẽ được vận hành theo nguyên lý. Cách này không những dễ dàng hơn, mà trong thời gian hòn đá này lăn xuống núi biết đâu mình còn có thể lăn thêm một hòn đá khác. Nghĩa là nó không chỉ nhanh hơn, dễ dàng hơn, mà còn năng suất hơn bởi vì mình có thể đẩy nhiều hòn đá khác.

Quay trở lại với những ví dụ ở trên, việc học luyện thi cấp tốc chắc chắn không phải là một biện pháp bền vững. Phương pháp bền vững hơn ở đây tất nhiên là việc mỗi ngày mình cố gắng một chút, mình chăm chỉ học tốt cả năm học hoặc là mình có sự đầu tư, có sự chuẩn bị tốt cho kỳ thi đó ngay từ sớm, thì khi kỳ thi cận kề, mình sẽ không cần vào bất cứ một trung tâm luyện thi hay“lò” luyện thi nào hết mà chỉ cần xem lướt qua và hệ thống lại tất cả những nội dung đã học trong thời gian vừa qua. 

Phương pháp này cũng có thể áp dụng trong trường hợp người bạn đi học ở nước ngoài của mình. Nếu như trong suốt thời gian đi học, bạn không “mải mê chinh chiến và yêu đương” mà bạn có thể quản lý tốt thời gian để chuyện yêu đương không ảnh hưởng tới việc học, thì bạn đã không bị “lãng phí” mái tóc của mình.

Còn trong ví dụ thứ ba của cá nhân mình, trường hợp mình bị gọi là lãnh đạo nô lệ, thì ngay sau đó mình nhận ra rằng mình không thích tên gọi đó, mình đã suy nghĩ về việc nên cải thiện điều này bằng cách nào. Mình đã chọn cách trao quyền cho các bạn cộng sự của mình. Mình nhận ra sau khi mình làm điều đó thì các bạn đã làm việc với tinh thần rất hăng say, các bạn tích cực hơn trước rất nhiều, bởi vì các bạn cảm thấy bản thân được tin tưởng. 

Không dừng lại ở đó, các bạn còn sáng tạo ra những cách làm mới hiệu quả hơn so với cách làm cũ trước đây của mình. Bởi vì khi chúng ta gắn bó với một công việc đủ lâu, chúng ta sẽ có xu hướng làm theo thói quen. Chúng ta không hề nhận ra cách cũ của mình vừa mất thời gian vừa không hiệu quả. Cho đến khi các bạn cộng sự của mình tìm ra cách làm mới nhanh hơn, hiệu quả hơn và chia sẻ với mình, mình đã cảm thấy, đây đúng là trái ngọt mà mình đã gặt hái được trong hành trình thay đổi phương pháp. 

Quyết định trao quyền, ban đầu mình nghĩ sẽ rất khó khăn, nhưng về sau hóa ra nó lại thật đơn giản. Chỉ cần, thứ nhất là, mình xác định deadline rõ ràng cho các cộng sự; thứ hai là mình chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho tình huống kế hoạch đầu tiên xảy ra sự cố. Chỉ cần thỏa hai điều kiện này thì việc trao Quyền sẽ mang lại cho mình sự thoải mái, nhàn hạ, và có đủ thời gian để suy nghĩ ra những ý tưởng mới cho một bức tranh lớn hơn.

Cuối cùng là ví dụ về việc làm ở một công ty mình cảm thấy không phù hợp, thì sau vài tháng, mình đã quyết định rời đi. Thật ra ban đầu mình cảm thấy khá tội lỗi và thất vọng về bản thân, bởi vì mình đã đặt ra mục tiêu là phải gắn bó ở nơi đây hai ba năm để học tập những điều mới, vậy mà mình lại bỏ cuộc sau vài tháng. Suy nghĩ này khiến cho quyết định của mình trở nên khó khăn hơn. 

Tuy nhiên sau này nghĩ lại, mình cảm thấy biết ơn vài tháng ở công ty đó. Bởi vì nó giúp mình nhận ra những hệ giá trị cốt lõi mà trước đây mình đã mơ hồ nhìn ra nhưng không rõ ràng. Nhờ khoảng thời gian được đặt lên một hòn đảo không cùng tiếng nói, không cùng văn hóa, mình mới nhận ra mình sẽ không làm điều này, mình không thích điều kia, và khi bị ép để làm điều nọ thì mình sẽ không làm được, hoặc không thể làm trong dài hạn. Một khi đã cảm thấy không hợp, chúng ta nên ra quyết định sớm để không dấn sâu thêm vào. Âu cũng là một giải pháp tốt cả cho cá nhân mình lẫn những người khác. Không nên “cố đấm ăn xôi” với một công việc không phù hợp chỉ vì một mức lương cao hay một vị thế xã hội, bởi sự cố gắng này thật sự không đáng và không mang lại lợi ích gì cho cả mình và phía công ty. 

Tóm lại, Trâm làm tập podcast hôm nay chỉ để chia sẻ với các anh chị và các bạn, cũng như tự nhắc nhở bản thân rằng: đôi khi có một số điều quan trọng trong cuộc đời không nhất thiết phải khó khăn như ta vẫn nghĩ. Ta hoàn toàn có thể tìm ra những cách hiệu quả hơn để đơn giản hóa nó.

Ngoài Spotify và Apple Podcasts, các bạn cũng có thể nghe podcast Sách và Sống tại app Fonos, Maika và nhiều nền tảng podcast khác.

Share
Pin
Tweet

Để lại nhận xét

instagram:

[instagram-feed type="hashtag" hashtag="#vamtamthemelafeminite"]