Chào mừng các anh chị và các bạn đến với tập 8 của Podcast Sách và Sống – # Hôm nay Trâm nghe.
Đây là tập podcast đầu tiên mà Trâm không hề có một kịch bản nào. Bởi vì nó thật sự là một câu hỏi – như tựa đề của podcast này. Và nội dung xuyên suốt podcast này chỉ là để diễn giải cho câu hỏi chứ chưa phải là đáp án, vì Trâm vẫn đang trên hành trình tìm kiếm đáp án cho nó.
Thật ra thắc mắc này không phải do tự mình nghĩ ra mà Trâm nghe được từ một trong các truyện ngủ của nhà tâm lý lâm sàng Vũ Phi Yên, bàn về chủ đề đi tìm đứa trẻ bên trong mình. Chị Vũ Phi Yên nêu lên một vấn đề mà Trâm rất ấn tượng, đó là: làm sao để có thể là một người lớn, trưởng thành, có trách nhiệm, nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên của đứa trẻ bên trong mình.
Ban đầu Trâm chỉ chú ý đến câu hỏi thôi, vẫn chưa cảm thấy nó liên quan đến mình. nhưng thời gian gần đây Trâm cảm thấy mình nên đi tìm câu trả lời cho nó, bởi vì nó có vẻ đang bắt đầu trở thành vấn đề của Trâm.
Từ trước đến nay, Trâm tự hào mình là một người có khiếu hài hước. Khi ở giữa một nhóm bạn hay một đám đông nào đó, Trâm thường sẽ là người pha trò, làm cho mọi người thấy vui vẻ. Hoặc trong tình huống khi cà phê nói chuyện với một người thân hay bạn bè, Trâm sẽ là người tìm được khía cạnh hài hước trong cuộc trò chuyện để trêu đùa đối phương.
Khiếu hài hước này từng là điều khiến Trâm tự hào. Nhưng không hiểu vì sao thời gian gần đây liên tiếp có một số người nhận xét là tại sao Trâm lại trầm trọng hóa vấn đề như thế, “người ta chỉ đang nói đùa thôi mà!”, thì Trâm mới nhận ra đây hình như đã trở thành vấn đề của mình.
Một ví dụ gần đây nhất là khi một người bạn mời Trâm cùng nhiều người bạn khác đến dự một buổi tiệc nhỏ tại nhà bạn ấy. Trâm luôn nghĩ rằng khi người ta đã có lòng mời mình thì dù mình có đi được hay không thì cũng nên xác nhận để họ chuẩn bị đồ ăn, chỗ ngồi… Vậy nên Trâm trả lời rất sớm rằng là Trâm sẽ tham gia, mặc dù một vài người đã cáo bận không đến. Nhưng rồi sát ngày hôm đó, Trâm đột nhiên đổ bệnh và thấy mình không còn đủ sức để đến nữa. Có thể là mình sẽ ngồi đó chơi cũng ổn thôi, nhưng Trâm không muốn sự mệt mỏi lây lan sang người khác và làm họ mất vui, nên cuối cùng Trâm đành báo lại với bạn là Trâm không đi được, trước khi buổi tiệc diễn ra khoảng một ngày.
Lúc đó, người bạn ấy mới nói rằng chắc tại Trâm thấy người này người kia không đi được nên Trâm giả bộ bệnh để khỏi đi chứ gì. Lúc đó tự nhiên Trâm nghĩ theo hướng là bạn đang nói mình… bầy đàn, mình thật sự không biết mình muốn gì, mình đi hay không đi là phụ thuộc vào người này người kia bla bla… Trâm mới trả lời rằng “Cuộc đời này quá ngắn ngủi để giả bộ này giả bộ kia”.
Người bạn đó mới nói: “Ủa tao giỡn thôi mà, sao tự nhiên mày trầm trọng hóa vấn đề vậy?”
Lúc đó Trâm mới chợt giật mình. Ồ, tại sao mình không nhận ra khía cạnh hài hước trong câu đùa của bạn? Tại sao mình không nhận ra bạn mình đang đùa? Tại sao cơ chế phòng vệ, chế độ nghiêm túc của mình bật ra, lập tức cho rằng người ta đang nói mình bầy đàn, người ta đang nói mình… ầu ơ ví dầu?
Câu hỏi tựa đề của tập podcast này – cũng là câu hỏi từ truyện ngủ của chị Vũ Phi Yên – bất chợt xuất hiện trong trí nhớ Trâm. Làm sao để có thể sống một cách vừa trưởng thành vừa hồn nhiên?
Theo quan sát cá nhân từ vòng kết nối của Trâm, Trâm thấy mọi người hoặc là có xu hướng quá nghiêm túc, hoặc là thiên về quá hồn nhiên theo kiểu “vô tri hưởng thái bình”.
“Vô tri hưởng thái bình” chỉ những người không hay biết gì về những chuyện đang xảy ra xung quanh. Những người này đúng là “hưởng thái bình” thật, họ sung sướng thật, nhưng bạn bè, đồng đội của họ thường phải là những người phải “gánh team”, phải lo cho phần của họ. Vì vậy khi họ “hưởng thái bình” thì phần khó khăn sẽ chuyển qua cho người khác chứ không hề biến mất đi. Vì vậy, Trâm thấy sự hồn nhiên này không tốt, bởi vì nó sẽ chuyển gánh nặng sang một người khác. Nó khá là… vô trách nhiệm.
Ở khía cạnh ngược lại, những người sống quá nguyên tắc thì lại có vẻ cứng nhắc trong xử lý vấn đề, và gần đây Trâm cũng cảm thấy vài dấu hiệu rằng mình cũng là kiểu người như vậy. Ví dụ, Trâm có những nguyên tắc bất di bất dịch như không trễ giờ, cho nên Trâm không thích người khác trễ giờ. Trâm sẽ rất cố gắng để luôn đúng giờ và nếu chẳng may bị trễ giờ thì sẽ cảm thấy bứt rứt và áy náy vì khiến người khác phải chờ. Bên cạnh đó còn có những nguyên tắc về thời hạn trong công việc, về chuyện đúng deadline… thì dù có chuyện gì xảy ra thì Trâm cũng sẽ không thỏa hiệp.
Khi mang những quy tắc này, Trâm thấy mình sẽ rất khó để hồn nhiên. Tương tự như khi đã biết cách đi xe đạp rồi thì rất khó để bảo mình giả vờ té ngã. Trước giờ mình đã luôn có nguyên tắc rồi, nếu bây giờ muốn phá bỏ những nguyên tắc đó đi, sống một cách bất quy tắc đi, thì hoàn toàn không được.
Vậy làm sao để giữ được sự hồn nhiên, vô lo mà không chuyển gánh nặng sang đôi vai của những người khác. Chưa kể, thường thì những người chấp nhận gánh vác khó khăn cho mình đều là những người yêu thương, như gia đình hoặc đồng nghiệp thân thiết. Họ càng không đáng phải chịu cực khổ vì mình. Đây thật sự là một câu hỏi lớn mà Trâm chưa tìm được lời giải.
Dù vậy, Trâm vẫn sẽ thử nhiều cách.
Một trong những cách hiện tại Trâm đang thử là sẽ ngừng nghe sách hoặc đọc sách 5 – 10 ngày để “tiêu hóa” hết những điều đã tiếp thu được thời gian gần đây. Khi mà Trâm đã thu hoạch được khá nhiều thông tin, kiến thức cũng như kinh nghiệm hữu ích, vô hình trung chúng trở thành những nguyên tắc của mình lúc nào không hay, và có thể đã khiến mình bị cứng nhắc.
Trâm khá thích cách tiếp cận của một tác giả, ví dụ như trong khía cạnh tôn giáo, ông nói: “Với một tôn giáo, anh bước vào được, anh phải bước ra được thì anh mới trở thành người tự do”. Trâm thấy mình cũng nên như vậy. Nghĩa là khi đọc sách của bất cứ tác giả nào, bất cứ lĩnh vực nào, mình phải thoát ra được những tư tưởng, quan điểm của họ để tự đúc rút nên chính kiến của riêng mình. Có lẽ thời gian gần đây, Trâm tiếp thu quá nhiều và có lẽ những nguyên tắc, khuôn khổ của họ đã áp lên mình, khiến mình thấy khó chấp nhận, khó cởi mở với những điều mình quan sát được nhưng lại đi ngược với các nguyên tắc đó. Khi mình thấy chúng bất quy tắc quá, mình sẽ không còn cởi mở đón nhận nữa. Mình hy vọng rằng giải pháp này sẽ hữu ích.
Sáng nay Trâm có đến một hội sách – để… săn sách giảm giá, cũng là cơ hội để tìm hiểu xem thị trường đang có những thể loại sách gì ngoại trừ các lĩnh vực mình quan tâm. Trâm đang muốn tìm một cuốn sách có khuynh hướng hài hước một chút để tìm lại óc hài hước mà mình từng luôn tự hào. Rốt cuộc thì vì không có nhiều thời gian nên Trâm chỉ ghé một tiếng đồng hồ và cũng không tìm được cuốn sách như mình đang tìm kiếm. Thế là Trâm mang về một cuốn sách nhan đề Chuyện Tình Triết Gia. Mặc dù Trâm nghĩ không hài hước lắm, nhưng vì nó liên quan đến lĩnh vực mình quan tâm (triết học), nhưng lại bàn về khía cạnh tình yêu, hy vọng nó sẽ đỡ nghiêm túc hơn.
Cũng hy vọng rằng nếu anh chị và các bạn có thêm giải pháp nào đó, hãy cho Trâm một vài gợi ý. Đây cũng là cách để giúp những ai đang có cùng câu hỏi và đang tìm kiếm đáp án có thêm nhiều ý tưởng tham khảo và nhanh chóng tìm được hướng đi phù hợp, thỏa đáng với trường hợp của riêng mình.
Cảm ơn các anh chị và các bạn đã theo dõi, hẹn gặp mọi người ở tập tiếp theo.
Ngoài Spotify và Apple Podcasts, các bạn cũng có thể nghe podcast Sách và Sống tại app Fonos, Maika và nhiều nền tảng podcast khác.