Có giai đoạn nào trong đời, bạn thấy mình như lạc vào một căn bếp xa lạ – đầy nguyên liệu, đầy gia vị, nhưng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu? Trâm gọi đó là cơn xáo trộn bên trong mình.
Lấy cảm hứng từ một ví von trong cuốn sách Trí Tuệ Đồng Hành – Kỷ Nguyên Sống Và Làm Việc Cùng AI của tác giả Ethan Mollick – nơi ông so sánh giai đoạn sơ khai của AI như một “anh học việc” mới vào bếp, đang học cách kết hợp nguyên liệu từng chút một, Trâm chợt thấy hình ảnh bản thân mình hiện lên rất rõ. Như thể, trong vài năm trở lại đây, Trâm thấy mình đang học cách sống lại từ đầu trong một “gian bếp” hoàn toàn mới.
Khó có thể gọi tên chính xác giai đoạn này là gì. Có người nói đó là khủng hoảng hiện sinh, người khác gọi là khủng hoảng danh tính, nhưng Trâm thì chỉ đơn giản nhìn nhận nó như một thời điểm nhiều thay đổi, nơi những nền tảng tưởng chừng vững chắc bỗng dưng lung lay.
Hành trình đó không bắt đầu từ một cú sốc, một biến cố cụ thể – như thất tình chẳng hạn. Khi Trâm trải qua một lần đổ vỡ, từng có lúc nghĩ rằng tất cả những lộn xộn của cuộc sống là do sự kiện ấy gây ra. Nhưng nhìn lại, Trâm mới hiểu: chính thất tình chỉ là một điểm rơi vào đúng thời gian tâm trí mình đang chao đảo, còn sự xáo trộn đã bắt đầu âm ỉ từ trước đó rồi.
Một trong những khoảnh khắc thức tỉnh mạnh mẽ nhất là khi Trâm đọc cuốn Xứ Phẳng – Du Hành Vào Cõi Đa Chiều. Đây là một cuốn sách tưởng tượng về những “xứ điểm”, “xứ đường”, “xứ phẳng” – nơi những nhân vật không tin rằng có điều gì khác ngoài hiện thực mà họ đang sống.
Còn nhớ lúc vừa gấp trang sách cuối cùng lại, trời đã sẩm tối, Trâm chợt rùng mình nhận ra: “Nếu mình đang sống trong một Xứ Phẳng nào đó thì sao? Liệu còn bao nhiêu điều mình chưa từng nhìn thấy, chưa từng biết đến?”.
Đó là cảm giác vỡ ra – kiểu nhận thức sâu sắc rằng thế giới rộng lớn hơn ta tưởng rất nhiều. Nhưng đồng thời, cũng là một sự mất phương hướng tạm thời.
Từ đó trở đi, Trâm để ý thấy mình bắt đầu nghi ngờ những “danh tính” từng mặc định gắn bó với mình. Khi đứng trên sân khấu đại diện cho một tổ chức, Trâm vẫn có thể tự tin. Nhưng nếu cởi bỏ hết mọi danh xưng, vai trò, thì Trâm là ai? Câu hỏi ấy thường xuyên khiến Trâm bối rối, và đôi khi chính là nguyên nhân khiến “hội chứng ánh đèn sân khấu” cứ ập đến.
Nhưng điều làm Trâm cảm thấy dễ chịu hơn cả chính là khoảnh khắc nhận diện được cơn xáo trộn ấy. Giống như AI học việc trong gian bếp mới, mỗi ngày thử một nguyên liệu, ghi nhớ cách kết hợp, dần dà sẽ trở thành một đầu bếp giỏi. Trâm cũng vậy. Một khi đã biết mình đang trong một “gian bếp mới”, Trâm không còn hoảng sợ nữa. Trâm học cách lùi lại để quan sát, học cách ứng biến, học cách hiểu mình thêm một chút mỗi ngày.
Có thể bạn đang trải qua một cảm giác tương tự. Có thể chưa. Nhưng nếu một ngày nào đó bạn thấy mình rơi vào sự xáo trộn giống vậy thì hãy nhớ rằng, bạn không cô đơn. Ai rồi cũng sẽ có một lúc bước vào gian bếp hỗn độn của chính mình. Và nếu ta đủ kiên nhẫn để cảm, để học… thì Trâm tin sớm muộn gì ta cũng sẽ trở thành “bếp trưởng” của đời mình.
Hoặc nếu không thì cũng đâu có sao, “học việc” trọn đời cũng là game vui mà!