Nhiều chuyện một cách chuyên nghiệp

Mình nhớ mãi ca khai vấn (coaching) đầu tiên trong đời. Sự thành công vượt mức kỳ vọng đã giúp mình có thêm động lực và niềm tin để đi tiếp trên hành trình trở thành một chuyên gia life coach.

 

Coachee (người được khai vấn) của mình là một người bạn đã quen biết nhiều năm. Trước khi vào buổi khai vấn, mình vốn cứ nghĩ là mình đã hiểu bạn lắm rồi. Cho nên việc khai vấn chỉ đơn giản là một cách để đồng hành, giúp bạn tìm ra giải pháp cho khúc mắc đang gặp phải. Nào ngờ đâu, buổi khai vấn đã thực sự khiến mình ngỡ ngàng vì cảm thấy như được “khai sáng” vậy.

Còn nhớ một trainer của mình từng có cách ví von mà mình rất thích. Đó là, người coach nên lắng nghe và đặt câu hỏi với tâm thế “nhiều chuyện một cách chuyên nghiệp”.

“Nhiều chuyện” bằng cách đặt câu hỏi vốn là nghề của mình, nhờ công việc phỏng vấn viết báo trước đây. Nhưng khi làm coach, mình buộc bản thân phải học cách lắng nghe nhiều hơn nữa. Bởi vì, hồi xưa mình lắng nghe là để lấy thông tin, còn giờ đây mình lắng nghe là để biết cách tiếp tục đặt câu hỏi đúng. Mục đích cuối cùng không gì hơn là giúp xua đi những đám mây mờ để coachee nhìn thấy mặt trời của chính họ (chứ không phải là đem mặt trời của mình rọi vào đám mây mờ đó).

Vì vậy, khi áp dụng triết lý “nhiều chuyện một cách chuyên nghiệp” vào buổi coaching đầu tiên, mình có cảm giác như đang dùng một “nhân cách mới” để lắng nghe và trò chuyện với người bạn lâu năm của mình.

Và đó chính là lần đầu tiên mình như được nhìn thấy bạn mình ở một lăng kính trong suốt nhất, thuần khiết nhất, và cũng giản đơn, thật thà nhất.

Có một điều thú vị là bạn mình (và vui quá cũng là khách hàng đầu tiên của mình) đã từng học coaching. Nhưng sau đó bạn chủ yếu dùng kỹ năng này để tự coach cho bản thân chứ không phát triển nó lên thành nghề nghiệp. Nguyên nhân là vì bạn thấy mình hợp với những công việc cần vận động tay chân nhiều hơn là ngồi yên trò chuyện. Đây cũng là một lựa chọn rất sáng suốt (ít nhất là theo góc nhìn của mình), do bạn đặc biệt có năng khiếu sáng tạo nghệ thuật bằng các phương pháp thủ công.

Và mình nhận ra có một điều cũng rất thú vị về coaching: nó là hành trình tiến lên vô hạn. Cũng giống như việc học tập, ta phải học tập cả đời vậy. Dù là bạn mình – người không đi theo nghề coach, dù là mình – người muốn phát triển nghề coach, hay là những bậc thầy về nghề coach mà mình ngưỡng mộ… ở một giai đoạn nào đó, ai ai cũng phải làm coachee để được xua tan đi những đám mây mờ bất chợt ập đến trong đời. Lẽ thường, trong những tình huống khó khăn, chúng ta sẽ rất khó bình tĩnh, sáng suốt suy nghĩ và hành động, và rất dễ quên đi những nguồn sức mạnh của riêng mình.

Cho nên, khi nhờ bạn cho phản hồi về hiệu quả buổi khai vấn, mình bất ngờ khi bạn đánh giá nó là một ca khai vấn thành công. Khách hàng bình thường khen là mình đã vui lắm rồi, huống hồ là người từng học về kỹ năng coach.

Và mình còn vui hơn nữa khi không những giúp bạn mình dần xua tan đi những đám mây mờ hiện hữu để thấu hiểu bản thân và thêm vững bước trên hành trình sắp tới, ở một khía cạnh nào đó, chính mình cũng đã xua tan đi vài đám mây mờ của riêng mình.

Vì thế, mình thấy công việc khai vấn mang ý nghĩa rất nhân văn. Bởi vì trên hành trình cùng khám phá và kiến tạo giải pháp cho một vấn đề nào đó, vài giờ đồng hồ chất lượng đã đem lại lợi lạc cho cả người coach lẫn coachee.

Trong cuốn sách Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi – Tâm Lý Học Kinh Điển Về Tình Yêu, Phẩm Giá Và Hành Trình Trưởng Thành Tinh Thần, tác giả – bác sĩ tâm lý M. Scott Peck đã nói rằng: mục tiêu cuối cùng của cuộc đời vẫn là sự trưởng thành tinh thần, và đó là hành trình rất riêng, rất đơn độc của từng cá nhân. Nhưng hành trình quan trọng đó không thể thành công nếu không được tiếp sức từ một xã hội tốt đẹp.

Thật không thể nào xác đáng hơn!

“Một xã hội tốt đẹp” không gì khác chính là những con người tốt đẹp – cùng hỗ trợ để người bên cạnh mình, người ở xung quanh mình… thêm mạnh mẽ và kiên định bước lên những nấc thang tiến bộ mỗi ngày.

Loài người cần có nhau. Giống loài của chúng ta không thể nào đến được hôm nay nếu quý ông bà tổ tiên của chúng ta không liên kết lại để tạo nên một nguồn sức mạnh tiến hoá mà không có giống loài nào có thể địch lại nổi (ít nhất là theo hiểu biết của chúng ta cho đến hôm nay).

Vì yếu tố bảo mật thông tin, mình không thể chia sẻ chi tiết hơn về nội dung buổi coaching. Tuy nhiên mình xin kết lại bài chia sẻ này bằng một trích dẫn khác cũng của bác sĩ tâm lý M. Scott Peck trong cuốn sách Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi. Nó phản ánh rất đúng về không khí của buổi coach ấy của tụi mình:

“Mọi tương tác giữa người với người đều là cơ hội để hoặc là học một cái gì đó từ người khác hoặc là chỉ bảo cho người khác một điều hay… Khi không cho cũng không nhận tức là bạn đang bỏ phí cơ hội.”

 

Share
Pin
Tweet

Để lại nhận xét

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

instagram:

[instagram-feed type="hashtag" hashtag="#vamtamthemelafeminite"]