Số là sau khi Nike thành công hòm hòm, Phil Knight từng bắn tín hiệu vào vũ trụ mong một ngày nào đó sẽ có nhà máy giày Nike đặt ở gần Sài Gòn. Thế là vào năm 1997, Nike có 4 nhà máy ở Việt Nam.
Rồi ngày được mời sang đất nước hình chữ S xinh đẹp của chúng mình, Phil xin được gặp tướng Võ Nguyên Giáp, và cũng lại được vũ trụ đáp lời. (Ông Phil này hên ghê, giống Trâm 🤣)
Trong cuộc gặp, ông hỏi tướng Giáp một câu đại khái “Tại sao ông làm được tất cả những điều đó?” (ý là những chiến công góp phần giúp Việt Nam thắng lợi). Tướng Giáp trả lời một câu rất hay rằng: “Vì tôi là một giáo sư của rừng nhiệt đới!”.
Sau này, câu chuyện thành công của hãng giày Nike được Đại học Stanford, Harvard… nghiên cứu. Phil Knight cũng được nhiều bên khác mời đi nói chuyện với sinh viên Mỹ. (Thấy thương ghê cái con người hướng nội ngán đám đông mà trót lỡ thành công nên đành phải bước ra ánh sáng 😂).
Ông nghe sinh viên đặt nhiều câu hỏi bi quan như “Thế giới đang đi về đâu? Nước Mỹ đang đi về đâu? Những gì chúng ta đang làm có mang đến tương lai xấu hơn cho con cháu chúng ta hay không?…”. Để đáp lại những thông điệp này, ông kể cho những người trẻ ấy nghe hành trình vòng quanh thế giới ở độ tuổi hai mươi, về cách mà một đất nước Nhật Bản đứng lên từ đống tro tàn đã sinh ra những con người tài giỏi và góp phần tạo nên Nike như thế nào. Và đặc biệt, ông Phil nhắc lại nhiều lần triết lý trích từ thông điệp của tướng Giáp: “Tất cả chúng ta buộc phải trở thành giáo sư của rừng rậm”.
Vậy mới thấy, tuy là mỗi thời mỗi khác nhưng mà thời nào cũng có muôn nẻo “rừng rậm”. Nếu không thể trở thành “giáo sư” thì thiết nghĩ, mỗi người đều phải nỗ lực làm một người học trò giỏi.
Bạn có nghĩ vậy không?