Dám vụng về – Podcast Sách và Sống #5

Tựa sách có liên quan đến những điều Trâm chia sẻ trong tập 5 của Podcast Sách và Sống – Dám vụng về: Tư Duy Tối Giản, Hiệu Quả Tối Ưu (tác giả Greg McKeown).

Chào mừng các bạn đến với tập 5 của Podcast Sách và Sống – Hôm nay Trâm nghe.

Chủ đề mà Trâm muốn chia sẻ trong tập này mang tên: Dám vụng về.

Thời gian gần đây Trâm đang nghe cuốn sách Tư Duy Tối Giản, Hiệu Quả Tối Ưu của tác giả Greg McKeown. Đây là cuốn sách thứ hai của ông viết về lối sống tối giản. Tuy nhiên, ở cuốn thứ nhất – Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản mà Trâm đã chia sẻ ở tập trước, ông chủ yếu tập trung khơi mở về tư duy tối giản. Còn trong cuốn thứ hai này thì ông nói nhiều hơn về phương pháp để đơn giản hóa mọi vấn đề, cũng như sự hiện diện trong từng khoảnh khắc ở hiện tại. Mình đặc biệt thích một vài ví dụ khi nghe cuốn sách này chiều hôm nay.

Đầu tiên là ví dụ khi tác giả tham gia vào một khóa học và cần phải làm rất nhiều bài tập cả trắc nghiệm lẫn tự luận. Vì là một người khá chỉn chu, ông có xu hướng làm bài theo trình tự từ trên xuống dưới, hoặc giải quyết bài tập tự luận trước, thu thập dữ kiện để hoàn thành một cách trọn vẹn nhất, sau đó mới chuyển sang các câu trắc nghiệm. Nhưng rồi một ngày ông phát hiện ra điều này mất rất nhiều thời gian, ông bắt đầu tìm kiếm một phương pháp khác để đơn giản hóa quy trình làm bài tập của mình. Ông thử chọn cách làm phần trắc nghiệm trước, để khi chọn sai một đáp án thì đáp án đúng sẽ hiện ra. Sau khi nhận ra đâu là những điều mình chưa biết, ông sẽ tìm kiếm thông tin cho chúng, từ đó tổng hợp được nguồn dữ liệu để sử dụng cho phần tự luận phía sau.

Sự thay đổi tư duy này mang lại một kết quả hết sức bất ngờ. Ban đầu điểm số của ông rất thấp, nhưng càng về sau ông càng cải thiện thành tích tốt hơn, thời gian xử lý bài tập được rút ngắn, đồng thời giúp ông ghi nhớ thông tin nhanh hơn, hiệu quả hơn. 

Ví dụ thứ hai là câu chuyện của hãng phim hoạt hình Pixar, họ nổi tiếng với việc không bao giờ bác bỏ bất cứ ý tưởng nào, cho dù chúng có ngô nghê hay vụng về đến đâu. Họ gọi đây là cách để “bảo vệ đứa trẻ xấu xí của các đạo diễn” – họ có hẳn một chính sách để khuyến khích cũng như gìn giữ những ý tưởng ban đầu trước khi phát triển thành một đứa trẻ xinh đẹp để xuất hiện giữa công chúng. Làm như vậy, các nhân viên sẽ không cảm thấy xấu hổ hay ngại ngùng mỗi lần họ muốn trình bày ý tưởng của riêng mình.

Ví dụ thứ ba mình cảm thấy rất gần gũi, thiết thực. Đó là về hướng phát triển của các công ty startup về lĩnh vực công nghệ. Để tạo ra một ứng dụng di động hoàn chỉnh tuyệt đối sẽ phải tiêu tốn rất nhiều thời gian. Thay vào đó, họ tung ra phiên bản cơ bản nhất của ứng dụng với những giá trị cốt lõi ban đầu mà họ muốn hướng đến cho người dùng. Mục đích của việc này là để góp nhặt các phản hồi từ người dùng, từ đó nhận ra những khuyết điểm cần khắc phục, dần dần sửa chữa, cải tiến để phiên bản ứng dụng ngày càng tốt hơn. Mình nhận ra rằng, nếu mình thay đổi cách nhìn một chút, không để những cách làm cũ, những lối mòn tư duy chi phối thì sẽ có rất nhiều thứ mà mình có thể làm cho tối ưu hơn. Mình không dám chắc trong tất cả các trường hợp nó đều tốt hơn, nhưng chí ít thì nó sẽ trở nên tốt hơn một chút so với hôm qua. 

Tựu trung lại, mình rút ra được 3 bài học sau những câu chuyện này.

Bài học đầu tiên là đơn giản, đơn giản và đơn giản. Không nên làm mọi thứ quá phức tạp. Những người cầu toàn rất dễ bị mắc vào. Trong cuốn sách đầu tiên – Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản, bạn có thể sẽ tìm thấy rất nhiều phân tích cụ thể để chỉ ra sự khác biệt giữa người có tư duy cầu toàn và người theo chủ nghĩa tối giản. Còn trong cuốn sách thứ hai – Tư Duy Tối Giản, Hiệu Quả Tối Ưu, chúng ta sẽ thấy được thành quả khi tìm ra những cách làm đơn giản, đồng thời không đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự hoàn mỹ tuyệt đối ngay từ đầu, chúng ta sẽ không bị mắc kẹt trong áp lực và có thể hoàn thành công việc một cách trơn tru hơn.

Bài học thứ hai là khi bắt tay vào làm điều gì đó, mình sẽ ưu tiên những giá trị cơ bản, thiết yếu nhất của nó trên tất cả các chi tiết khác liên quan. Ví dụ khi mình thiết kế một bài thuyết trình, mình không cần thêm quá nhiều chi tiết trang trí cho mỗi slide. Mình biết sự trực quan sẽ bắt mắt hơn, nhưng nó không nên là một trở ngại của mình. Nếu nó làm mình thấy hứng thú hơn, nó truyền được cảm hứng cho mình hoặc giúp bài thuyết trình của mình hiệu quả hơn thì mình có thể sẽ làm. Trái lại nếu nó trở thành áp lực, khiến mình mệt mỏi với 20 slide bắt buộc phải sử dụng hình hoa này, hình tròn màu này, khung viền màu nọ, thì mình sẽ dừng lại, không khiến cho bản thân mệt mỏi trước cả khi bắt tay vào việc.

Bài học thứ ba là về sự hành động: hãy đi bước đầu tiên. Trong trải nghiệm cá nhân mình, đôi khi mình cảm thấy có những công việc trong đời sống hằng ngày thật sự không quá khó, chỉ là bước đầu tiên, bước đơn giản nhất, mình vẫn chưa làm, dẫn đến cả quy trình phía sau không thể diễn ra. Ví dụ như mình có một bức ảnh và mình muốn đi mua một cái khung phù hợp cho nó. Nhiệm vụ này không quá quan trọng, có thể nó sẽ giúp ngôi nhà của mình đẹp hơn một chút, nhưng không phải việc không làm là không được. Rồi ngày qua ngày mình nhìn thấy bức ảnh đó nằm ở đó, mình thấy được sự thiếu vắng của cái khung mà mình định mua đó, nhưng mình không tìm ra động lực để bước ra khỏi nhà hay lên mạng mình tìm một nơi bán khung đẹp chẳng hạn. Đó là một trong những trường hợp mà bước đầu tiên chẳng khó khăn gì nhưng mình vẫn không làm được. Thế mới biết bước đầu tiên quan trọng như thế nào.

Trong quá trình thu âm, đã nhiều lần mình tự hỏi khi nghe Podcast của mình, các bạn có nghe được tiếng tạp âm từ miệng mình không. Dạo gần đây mình gửi cho một vài người bạn nghe qua bản thu thô, chưa qua chỉnh sửa, thì các bạn ấy góp ý rằng bản thu nhiều tạp miệng quá và đề xuất mình mua màng chắn lọc âm để tăng chất lượng của podcast. Đây quả thực là một việc cần thiết, nhưng cũng tương tự như ví dụ về khung ảnh ở trên, nó chưa cho mình đủ động lực để đi mua. Bởi cho đến cuối cùng, mình cảm thấy nội dung mình muốn chia sẻ, những cảm nhận cá nhân, những suy nghĩ góp nhặt trong ngày, vẫn là thứ giá trị hơn cả, và mình muốn ưu tiên cho nó. Vậy nên một ngày đẹp trời nào đó, khi mà mình có đủ động lực hoặc xảy ra sự kiện gì đó khiến mình muốn đầu tư một chiếc micro xịn hơn, một màn chắn lọc âm để thu âm tốt hơn thì mình sẽ hành động. 

Sau cùng, mình hy vọng rằng nếu nghe thấy nhiều tạp âm từ miệng của mình hoặc âm thanh chưa được chỉn chu, các bạn vẫn sẽ thông cảm cho “bước đầu tiên chưa thực hiện được” này của mình, và mong các bạn tin rằng mình luôn cố gắng đảm bảo từng nội dung mình nói ra chính xác là những điều mình nghe ngóng được, những giá trị mà mình thấy trân trọng, biết ơn và xứng đáng được chia sẻ. Chúng hoàn toàn không phải những bông hoa trang trí trên slide thuyết trình. 

Nếu như có một lời ngụy biện cho sự mộc mạc, chân phương quá đỗi này, thì mình sẽ nói rằng đây là một điều vụng về mà mình “dám” cho phép nó xảy ra trong cuộc sống. Có một vài chuyện không phải thế mạnh của mình, mình sẽ chấp nhận để nó có mặt ở đó như một phần con người mình, miễn là nó không xấu xa, không làm phiền hay ảnh hưởng đến người khác.

Ngoài Spotify và Apple Podcasts, các bạn cũng có thể nghe podcast Sách và Sống tại app Fonos, Maika và nhiều nền tảng podcast khác.

Share
Pin
Tweet

Để lại nhận xét

instagram:

[instagram-feed type="hashtag" hashtag="#vamtamthemelafeminite"]