Hôm nay Trâm nghe thấy niềm vui – Podcast Sách và Sống #2

Tựa sách có liên quan đến những điều Trâm chia sẻ trong tập 2 của podcast Sách và Sống – Hôm nay trâm nghe thấy niềm vui: Tâm Lý Học Thành Công (tác giả Carol S. Dweck), Think and Grow Rich – 13 Nguyên Tắc Nghĩ Giàu Làm Giàu (tác giả Napoleon Hill), Thanh Dạ Văn Chung (tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần).

Cả ba cuốn sách Tâm Lý Học Thành Công, Think and Grow Rich – 13 Nguyên Tắc Nghĩ Giàu Làm Giàu và Thanh Dạ Văn Chung đều đã có phiên bản sách giấy lẫn sách nói, thuận tiện cho bạn tìm đọc sách giấy hoặc nghe sách nói bất kỳ lúc nào.

Bạn có thể đặt mua sách tại đây:

1. Tâm Lý Học Thành Công (tác giả Carol S. Dweck): sách giấy, sách nói.
2. Think and Grow Rich – 13 Nguyên Tắc Nghĩ Giàu Làm Giàu (tác giả Napoleon Hill): sách giấy, sách nói.
3. Thanh Dạ Văn Chung (tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần):  sách giấy, sách nói.

Ngoài ra, bạn cũng có thể ghé thăm Tiệm yêu sách – nơi chứa những cuốn sách Trâm yêu để tìm một hoặc nhiều cuốn sách chân ái cho mình nhé!

Đêm nay, khi đang đi trên đường, mình có tình cờ nghe thấy một chú đang vừa chờ đèn đỏ vừa hát rất to ở ngay giữa ngã ba. Ban đầu mình còn tưởng chú này nói chuyện với người đi cùng, nhưng khi quay nhìn sang bên cạnh thì mình thấy chú đang đi xe đạp, mặc trên người bộ đồng phục bảo vệ và tiếp tục hát bất chấp. Cảm giác đầu tiên xuất hiện ngay lúc đó là giống như mình vừa gặp Lão Ngoan Đồng ngoài đời thật vậy. Mình đã rất vui. Mình nhớ đến câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

Hôm nay tôi nghe, tôi cười như đứa bé

Mới lớn lên giữa đời sống kia.

Niềm vui đó chính là lý do để mình thu tập podcast này ngay sau khi vừa về đến nhà, dù lúc này đã là giữa đêm. Có thể các ý tưởng mới được phác thảo sẽ chưa thật chỉn chu, nhưng bởi vì mình rất thích thời điểm cuối ngày – at the end of the day – những suy nghĩ cuối cùng đọng lại ở cuối ngày là những điều đáng quý nhất của mình mà mình chắt lọc lại qua cả một ngày dài. Mặc dù mình có nghe nói trong giới Voice Talent chuyên nghiệp sẽ có nhiều người muốn thu âm vào buổi sáng là thời điểm giọng mở hơn, rõ ràng hơn, năng lượng hơn. Tuy nhiên cá nhân mình vẫn cảm thấy mình cần thu âm vào lúc bản thân đang có cảm hứng nhất, và đây chính là thời điểm tạo cảm hứng cho mình trong tập này, ngày hôm nay.

Tình huống thu âm vào buổi tối khiến mình chợt nhớ đến tên một cuốn sách mình yêu thích của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Đó là cuốn Thanh Dạ Văn Chung – những suy nghĩ trong đêm thanh vắng. Mình sẽ xem như đây là một tách trà về đêm, có thể sẽ khiến mình mất ngủ, có thể không tốt cho sức khỏe, nhưng lại rất xứng đáng vì đây đều là những suy nghĩ chân thật ở hiện tại mà mình muốn chia sẻ với mọi người. 

Chủ đề Podcast lần này là về một cuốn sách mình vừa mới nghe xong cách đây khoảng một, hai tuần, cuốn Tâm Lý Học Thành Công. Thật ra mình biết đến cuốn sách này đã khá lâu rồi, nhưng bởi vì cá nhân mình không thích những tựa sách nghe có vẻ “kêu kêu” như thế. “Tâm Lý Học Thành Công” – tựa sách làm mình thấy nó có thể sẽ được viết theo hướng dopping, thúc đẩy người đọc một cách hơi thái quá. Tuy nhiên cuối cùng mình vẫn muốn thử, với tinh thần là sẽ luôn cho những điều mới mẻ một cơ hội để xem liệu nó có thể chinh phục mình hay không. Sau khi nghe chương một miễn phí trên Fonos, mình đã quyết định mua cuốn sách này để có thể thưởng thức một cách trọn vẹn.

Ban đầu, khi vừa tiếp xúc với chủ đề này, mình đã nghĩ nó cũng tương tự với chương một, chương hai của cuốn Think and Grow Rich (tên tiếng Việt: 13 Nguyên Tắc Nghĩ Giàu, Làm Giàu) của Napoleon Hill mà thôi. Hai chương đó lần lượt là Mong Muốn và Niềm Tin – một chủ đề không hề mới. Thế nhưng sau khi nghe lâu hơn, mình bắt đầu cảm thấy dần bị thuyết phục vì tác giả Carol Dweck đã đào sâu vào chủ đề này theo cách mà mình không thể ngờ. Nó không chỉ đơn giản là mình sẽ trở thành thứ mà mình nghĩ mình sẽ trở thành; không đơn giản là chỉ cần tin bản thân làm được là sẽ làm được; không đơn giản chỉ như một câu trích dẫn chúng ta thường nghe: dù bạn nghĩ bạn làm được hay không thì bạn vẫn đúng. Tất cả những điều này đã được khai thác nhiều.

Sau khi lựa chọn tiếp tục nghe cuốn sách này, mình đã phát hiện ra hai bức tranh đối lập mà tác giả vẽ ra: một bên là thế giới của những người luôn tin rằng bản thân vẫn có thể tiếp tục phát triển, tiếp tục học hỏi; một bên là của kiểu suy nghĩ đóng khung rằng khả năng của mình chỉ đến đây thôi, không thể cố gắng hơn được nữa, không thể làm gì để thay đổi được nữa. Điều này ứng nghiệm trong tất cả các lĩnh vực, chẳng hạn như giáo dục, công việc, tình yêu, các mối quan hệ, thậm chí cả thể thao.

Tác giả cung cấp nhiều thông tin, thí nghiệm cũng như những câu chuyện thực tế để chứng minh luận điểm của mình. Tất cả đều khiến mình nhận thấy rằng thế giới của tư duy cố định chẳng khác nào một thế giới chết. Mọi thứ đều ở sẵn tại vị trí của mình, không có gì thay đổi. Trái lại, thế giới của tư duy phát triển luôn sống động, đầy màu sắc. Sự thay đổi có thể tốt hơn hoặc xấu đi, nhưng chí ít thì nó vẫn luôn vận động không ngừng.

Mình sẽ đưa ra một vài ví dụ cụ thể.

Trong lĩnh vực giáo dục, khi một người thầy vừa nhận lớp mới và cho các học sinh của mình một bài kiểm tra đầu vào để biết năng lực của từng em. Nếu người thầy này có tư duy cố định, ông ấy có xu hướng phân biệt các em có điểm số cao với các em có điểm số thấp. Ông ấy có thể sẽ tập trung tâm sức để đầu tư cho các em giỏi, nâng đỡ các em ấy nhiều hơn mà vô tình bỏ bê các em yếu. Ngược lại một giáo viên có tư duy phát triển sẽ không đánh giá học sinh thông qua một hoặc hai bài kiểm tra.

Trong một thí nghiệm của chính tác giả, bà và nhóm nghiên cứu của mình đã gửi một bài khảo sát đến tất cả giáo viên trong một ngôi trường, yêu cầu họ chấm điểm năng lực cho từng em học sinh của lớp mình. Hầu như tất cả các giáo viên đều hoàn thành khảo sát, duy chỉ có một người thầy đã lên tiếng rất gay gắt. Ông nói:

Tôi không thể thực hiện khảo sát này, vì tôi không có cách nào chấm điểm năng lực học sinh chỉ sau một bài kiểm tra được. Điều này chẳng khác nào chúng ta đang dựa vào duy nhất một điểm nằm trên đường thẳng mà đánh giá độ nghiêng của đường thẳng đó. Rõ ràng chỉ một điểm thì không thể nói lên được rằng đường thẳng này đang nghiêng về hướng nào.

Mình cảm thấy quan điểm này thật hay. Tư duy phát triển của một giáo viên chính là điểm khác biệt trong giáo dục có khả năng thay đổi vận mệnh của một học sinh, của một con người.

Một ví dụ khác ở khía cạnh công việc. Khi một người sếp đang sở hữu tư duy cố định rằng các nhân viên dưới quyền của mình là rất giỏi hoặc rất yếu kém, không có gì thay đổi hay phát triển thêm được, anh ta sẽ có xu hướng không bao giờ giao những nhiệm vụ khó khăn cho người mà anh ta cho là yếu, đồng thời mặc định giao phó những công việc quan trọng cho các nhân viên có năng lực cao. Điều này gây ra sự quá tải đối với các nhân viên giỏi, đồng thời cũng là bất lợi cho các nhân viên chưa có cơ hội được thử thách, được tự mình giải quyết những vấn đề khó khăn. Một cá nhân gặp bất lợi sẽ dẫn đến bất lợi cho chính người quản lý cũng như cho toàn bộ đội ngũ, tổ chức.

Thế còn trong các mối quan hệ thì sao? Nếu là một người có tư duy cố định, chúng ta thường có xu hướng đặt ra một mẫu bạn đời lý tưởng. Người mà chúng ta nhắm đến phải là người đạt được các tiêu chí mà chúng ta đặt ra ngay từ đầu. Anh ấy phải biết nấu ăn, anh ta phải làm việc giỏi, anh ta phải thu nhập cao… Khi người mà chúng ta gặp không đáp ứng tất cả điều kiện nêu trên, hoặc có đáp ứng nhưng không đầy đủ, mỗi tiêu chí chỉ được khoảng 85% thôi, thì ta sẽ cảm thấy mình bất hạnh, không đạt được cảm giác đầy đủ, viên mãn. Đặc biệt nếu như tiến đến hôn nhân, qua thời gian, chúng ta phát hiện thêm một vài khuyết điểm của đối phương. Những suy nghĩ cố định rằng đối phương sẽ không thể thay đổi được, chúng ta không thể làm gì để cải thiện mối quan hệ này được, chỉ có một con đường duy nhất là “đường ai nấy đi”. Vậy thì phải chăng tương lai của một gia đình – một hạt nhân của xã hội – sẽ sụp đổ chỉ vì cách tư duy cố định đó?

Trong mối quan hệ bạn bè, cách tư duy cũng quan trọng không kém. Tác giả Carol Dweck đưa ra quan điểm rất thú vị về việc chúng ta thường chỉ tin rằng những người bạn dang tay ra giúp đỡ khi mình gặp khó khăn mới thật sự được xem là bạn tốt. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ, những người thành tâm chúc mừng khi bạn đạt được thành công cũng chính là những người bạn tốt? Quan điểm này khiến mình chợt nhận ra, đôi khi lòng đố kỵ của con người cũng là thứ hết sức đáng sợ. Không phải đang tiêu cực đâu, chỉ là mình từng nghe một câu chuyện ngụ ngôn thế này. Có hai chàng thanh niên được một ông tiên ban cho một điều ước. Điều ước đó đi kèm theo điều kiện: Bất kể con ước điều gì thì người còn lại sẽ được gấp đôi. Đây là một bài toán nan giải, bởi vì cả hai thanh niên đều rất ghét nhau, đều không muốn đối phương có được phần thưởng hơn mình. Cuối cùng, một trong hai người đã nói ra điều ước: Xin ông hãy móc một mắt của tôi. Vì như vậy, người kia sẽ bị móc hai mắt. Đây là một câu chuyện vô cùng thấm thía đối với mình. Mình nhận ra khi để lòng ganh ghét chế ngự, con người ta có thể làm bất cứ thứ gì, bất chấp bản thân có phải chịu đau đớn, chỉ để tạo ra sự bất lợi cho người kia. Chính vì thế, nếu chúng ta có những người bạn thật lòng chia vui với thành công của mình, đó là điều đáng quý biết chừng nào.

Nói tóm lại, theo tác giả Carol Dweck, thế giới của một người có tư duy phát triển sẽ là nơi mà con người không ngừng tìm ra cách cải thiện công việc, cải thiện vấn đề đang gặp phải để đạt được kết quả tốt hơn, tốt hơn nữa. Đây chính là thế giới mà mình mong muốn đạt tới. Bởi mình luôn tin rằng “Giải pháp luôn nhiều hơn vấn đề”. Khi đối mặt với khó khăn, chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy của những trăn trở, khó chịu của bản thân mà quên mất rằng mỗi một vấn đề sẽ luôn tồn tại rất nhiều cách giải quyết.

Khi quyết định sống trong thế giới của một người có tư duy phát triển, mình sẽ không ngừng tìm kiếm lối đi khác cho mỗi khó khăn, mình sẽ không để thất bại trong quá khứ định nghĩa con người mình, mình sẽ không để những suy nghĩ tiêu cực làm ảnh hưởng đến thành công của mình, mình cũng sẽ không cố gắng tìm kiếm người bạn đời theo tiêu chuẩn nhất định mà thay vào đó, mình tìm cách hiểu họ, tìm cách khai thác nhiều hơn những khía cạnh khác trong con người họ, hay thậm chí tìm cách thử thay đổi bản thân để hòa hợp với đối phương hơn.

Nếu là một người hướng dẫn, một huấn luyện viên hoặc làm việc trong vai trò quản lý, mình sẽ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, nhân viên của mình tiến bộ hơn mỗi ngày. Mình sẽ nhắc họ luôn tin vào bản thân họ, cũng giống như mình sẽ luôn tin rằng họ có thể làm được nhiều hơn. Dù có gặp phải chướng ngại lớn thế nào, họ đều có thể bứt phá, có thể thăng tiến lên một nấc thang cao hơn.

Mình hy vọng tất cả những người thân, bạn bè của mình, những ai đang lắng nghe Podcast ngày hôm nay, cũng sẽ hướng đến một thế giới sống động của tư duy phát triển. Vì chúng ta đều xứng đáng được nhìn nhận với đầy đủ mọi tố chất và tiềm năng của mình. 

Ngoài Spotify và Apple Podcasts, các bạn cũng có thể nghe podcast Sách và Sống tại app Fonos, Maika và nhiều nền tảng podcast khác.

Share
Pin
Tweet

Để lại nhận xét

instagram:

[instagram-feed type="hashtag" hashtag="#vamtamthemelafeminite"]