Yêu sách giúp vượt qua cú sốc trong đời – Podcast Sách và Sống #58

Tựa sách có liên quan đến những điều được chia sẻ trong tập 58 của podcast Podcast Sách và Sống – Yêu sách giúp vượt qua cú sốc trong đời: Lost Connections – Mất Kết Nối (tác giả Johann Hari), Knife: Meditations After an Attempted Murder (tác giả Salman Rushdie), Sao Trước Đây Không Ai Nói Với Tôi Điều Này? – Why Has Nobody Told Me This Before? (tác giả Julie Smith), Lối Sống Spartan (tác giả Joe De Sena, Jeff Csatari), Kỷ Luật = Tự Do (tác giả Jocko Willink), Các cuốn sách về chủ nghĩa khắc kỷ.

 

Tập podcast thứ 58 cũng sẽ mở đầu series Yêu sách – nơi Trâm cùng một vị khách mời chia sẻ những tâm tư về chuyện Sách và chuyện Sống theo cách rất là… hướng nội. Tuy 2 mà 1 tuy 1 mà 2: không có tương tác qua lại mà mỗi người cứ để thông điệp tuôn chảy tự nhiên như hơi thở. Không ai ngắt lời ai, không ai nói chen vào ý ai. Thật vui quá khi kênh podcast Sách và Sống ngày càng nhận được nhiều sự trợ lực của 500 anh chị em yêu sách!

 

Tập Podcast lần này phát hành vào thời điểm kênh Podcast Sách và Sống của Trâm được hơn một tuổi. Vì vậy Trâm muốn làm điều gì đó mới mẻ hơn một chút so với cái tuổi cũ của nó. Tháng Chín (năm 2024) vừa đến thì Trâm đã bắt đầu nghĩ về việc này, nhưng mà nghĩ mãi chưa ra. Không biết có gì mới để làm khi mà tên của Podcast này vốn là Sách và Sống, vốn chỉ xung quanh sách vở và cuộc sống.

Trâm không muốn ý tưởng này rời xa cái DNA mà Trâm đã đặt ra cho đứa con của mình ngay từ lúc đầu, nhưng đồng thời cũng kỳ vọng nó có thêm điều gì thú vị hơn. Cuối cùng, hôm nay Trâm đã nghĩ ra được một cách làm mới chính mình. Vẫn là con người đó của mình, vẫn là những phẩm chất vốn có của đứa con của mình, nhưng sẽ có thêm một điều mới mẻ. Vậy thì, điều mới mẻ đó là gì? Trâm sẽ bật mí ngay trong tập ngày hôm nay.

Tập Podcast lần này sẽ không chỉ có một mình Trâm độc thoại nữa mà sẽ có thêm một khách mời. Nhưng đây không phải kiểu khách mời trong những buổi talkshow hay những cuộc trò chuyện. Vẫn là độc thoại, nhưng Trâm không độc thoại một mình mà còn có vị khách mời đặc biệt cùng… độc thoại nội tâm với Trâm ngày hôm nay.

Các bạn sẽ thấy rằng trong tập Podcast này, mặc dù có hai người, nhưng không ai hỏi ai đáp, không có ai tác động đến ai, không có ai ngắt lời ai, mà đó là những phần trình bày ý tưởng, quan điểm, những suy nghĩ, cảm xúc của cá nhân hai người được trôi chảy một cách tự nhiên. Đó là bầu không khí tâm tình, bầu không khí tự khai vấn mà Trâm muốn đặt ra trong tập Podcast này.

Dông dài như vậy cũng chỉ để giải thích lý do tại sao “tuy 2 mà 1, tuy 1 mà 2”. Lời giới thiệu này có khiến các bạn thấy tò mò không?

Bởi vì khi Trâm gửi lời mời đến vị khách mời này, bạn có gợi ý Trâm là tại sao mình không làm một buổi trò chuyện, online hay offline cũng được, để có sự tương tác qua lại tự nhiên. Trâm trả lời là vì Trâm muốn bầu không khí trong Podcast của mình thiên về tâm tình và tự khai vấn, tựa như trao cho bạn một không gian riêng để tĩnh tại làm việc với chính mình mà không sợ ai nói chen vào, không sợ hết thời lượng, hay sợ bản thân sẽ chiếm sóng của bất kỳ ai hết.

Trâm nói với bạn rằng, bạn cứ để mọi ý tưởng của bạn tuôn chảy tự nhiên thôi, không cần quan tâm độ dài câu trả lời, không cần quan tâm bạn có đang hiểu đúng ý của câu hỏi hay không, cứ để mọi thứ tự nhiên nhất là được.

Sau đây là danh tính của vị khách mời đặc biệt ngày hôm nay!

Đó chính là Tạ Quốc Kỳ Nam – một người thiết kế bìa sách, một Content Creator, một Production Designer, một diễn viên… nói chung, Tạ Quốc Kỳ Nam là một KOL rất đa năng, cũng là một người bạn mà Trâm rất thương quý.

Trong mắt Trâm, vai trò nổi bật nhất, vai trò khiến Trâm nhớ về bạn nhiều nhất chính là vai trò người thiết kế bìa sách. Bởi vì đối với Trâm, trong vai trò người thiết kế này, Kỳ Nam đã tiến bộ rất nhanh và tạo nên dấu ấn vô cùng đậm nét trong sự nghiệp của mình.

Xin phép dùng 5 giây để mình “bắt quàng làm họ” với “người sang”, nói về mối quan hệ giữa Trâm và Kỳ Nam. Tụi mình là bạn học cùng lớp đại học với nhau. Có hai sự kiện mà Trâm đặc biệt nhớ về Kỳ Nam.

Lần đầu tiên chính là vào năm nhất hay năm hai đại học, Kỳ Nam cầm vào lớp một cuốn sách do Nhã Nam phát hành, rất tự hào khoe với các bạn cùng lớp – trong đó có Trâm, lúc đó cũng là một fan lớn của Nhã Nam vì đã đọc rất nhiều tác phẩm fiction từ nhà này. Khoảnh khắc đó, Trâm rất ngưỡng mộ bạn. Bởi mình vẫn còn đang “mài đũng quần” trên ghế nhà trường ở năm đầu tiên, năm thứ hai, mình chưa kiếm được tiền, thì bạn đã được làm việc với một công ty sách lớn và uy tín như vậy.

Một vài năm sau, Trâm nhớ là trong một thời gian ngắn thôi, Trâm có tình cờ thấy một cuộc thi thiết kế cho một sản phẩm thương mại nào đó. Trâm chợt nhớ ra là hình như Kỳ Nam đang phát triển trong lĩnh vực này, hay là mình gửi cho bạn để bạn cân nhắc tham gia cuộc thi đó, để bạn có nhiều cơ hội hơn. Vì ngành học của tụi mình là Báo chí – Truyền thông, mà lĩnh vực của bạn ấy là thiết kế bìa sách. Lúc đó mình chỉ nghĩ đây là “giá trị cộng thêm” cho sự nghiệp của bạn sau này thôi chứ không hề nghĩ bạn sẽ gắn bó ngành này lâu dài. Cho nên lúc đó Trâm định sẽ gửi thông tin cuộc thi này cho bạn.

Nhưng nào ngờ, khi đọc thông tin cuộc thi, Trâm thấy Kỳ Nam là một thành viên trong ban giám khảo. Cảm giác của Trâm lúc đó là vô cùng ấn tượng vì bạn mình tiến rất nhanh. Không chỉ có uy tín trong các sản phẩm cá nhân, bạn còn được mời làm giám khảo cho một cuộc thi về sản phẩm thương mại nữa. Mình thật sự rất ngưỡng mộ bạn!

Đó là câu chuyện của hàng chục năm về trước. Và sự kiện thứ hai làm Trâm nhớ về Kỳ Nam là cách đây chưa đến một năm, Trâm hẹn gặp Kỳ Nam sau một thời gian dài không gặp. Vì khi ra trường mỗi đứa phát triển một sự nghiệp riêng, đi trên con đường của riêng mình, chỉ hay “gặp nhau” trên mạng xã hội thôi. Lý do hôm đó Trâm hẹn bạn là vì Trâm cảm thấy quá trình trưởng thành của hai đứa có những giá trị chung mà Trâm muốn trao đổi, tâm tình với bạn.

Trâm cảm nhận được giữa mình và Kỳ Nam có những quan điểm sống, những hệ giá trị rất gần nhau. Ít nhất tụi mình có một sở thích chung, một tình yêu bất tận dành cho sách vở.

Thời điểm đó Trâm đang đọc cuốn Mặt Dày Tâm Đen. Trong buổi nói chuyện hôm đó, tụi mình đã chia sẻ với nhau về rất nhiều cuốn sách hay. Trong số đó có 2 cuốn mà cả hai cùng thích đó là Gánh Gánh… Gồng Gồng… và Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm. Ngoài ra tụi mình còn nói với nhau về sự nghiệp, về con đường trưởng thành, về lộ trình tiến bộ. Tụi mình nói chuyện quên thời gian từ 1, 2 giờ chiều đến 6, 7 giờ tối, quên luôn đói bụng. Trâm cảm thấy cuộc gặp gỡ đó giống như một buổi truyền cảm hứng, truyền động lực cho nhau.

Đó là hai sự kiện mà Trâm nhớ nhất về tình bạn của Trâm và Kỳ Nam. Đến hôm nay, như đã chia sẻ lúc đầu, khi Trâm muốn làm điều gì đó mới mẻ cho Podcast của mình là mời một khách mời đặc biệt cho tập Podcast của mình, cái tên đầu tiên Trâm nghĩ đến là Tạ Quốc Kỳ Nam, và đặc biệt hơn nữa khi Trâm nghĩ về chủ đề của tập này: Yêu sách giúp vượt qua cú sốc trong đời.

Nói đến “cú sốc trong đời” thì gần đây Trâm có tham gia thử thách mỗi ngày viết content, trong đó có một nội dung là ghi nhận bản thân vì đã vượt qua được cú sốc bằng cách này hay cách khác. Từ đó, Trâm mới nghĩ là chủ đề này khá hay ho, vì ai cũng có những cú sốc trong đời để “mài bén” chính mình, để có thể trui rèn nghị lực mà vượt qua cú sốc đó. Trâm cảm thấy chủ đề này không chỉ hữu ích với bản thân mình mà còn có thể giúp cho nhiều người khác nữa.

Thế là ngay sau khi Trâm nhắn tin nói về ý tưởng này của mình thì Kỳ Nam đã đồng ý lập tức. Trâm cảm thấy vui và vinh hạnh vì đã “bắt quàng làm họ” thành công với người bạn này của mình.

Để buổi tự khai vấn bản thân được diễn ra, sau đây Trâm xin phép đặt ra 3 câu hỏi mà Trâm đã đặt ra cho chính mình, cũng như cho vị khách mời ngày hôm nay. Tụi mình mỗi người sẽ tự trình bày phần trả lời của bản thân xoay quanh chủ đề “Yêu sách giúp vượt qua cú sốc trong đời”.

1. Cuốn sách hay tác giả sách nào hiện ra đầu tiên khi mình gặp một cú sốc trong đời và nhờ vào đó mà phần nào vượt qua được cú sốc đó?

* Tạ Quốc Kỳ Nam: Khi nhận được câu hỏi của Trâm Bi, trong đầu mình đã nảy ra một vài tựa sách và một vài câu trích dẫn quan trọng từ những tựa sách mình đã đọc. Nhưng nếu bắt mình phải chọn một cuốn thì khó quá. Nói chung dân đọc sách thì hay có cái tham đó – người ta hỏi một thì mình sẽ đưa ra 10. Nên mình đã vào album trên Facebook tổng hợp những quyển sách mình đã đọc, kéo ngược về để xem mình đã đọc gì thời gian qua, mình chọn trích dẫn câu gì và mình viết gì về nó.

Để trả lời câu hỏi của Trâm Bi, mình có một quyển sách mà một người bạn đã giới thiệu cho mình vào những tháng ngày trước đây, khi mình bắt đầu tìm hiểu về chủ đề sức khỏe tinh thần, cũng như sau một số biến cố xảy ra rất dồn dập trong cuộc sống của mình thì người bạn này xuất hiện. 

Có câu: Người thầy sẽ xuất hiện khi người học trò đã sẵn sàng. Người bạn này thật ra đã chơi với mình rất lâu, có khi cả chục năm hơn. Nhưng tụi mình không phải kiểu bạn bè có thể nói chuyện với nhau ở một tầng lớp sâu sắc, hay chia sẻ những điều thăm thẳm trong lòng như là cái dạo đó. Những quyển sách bạn giới thiệu cho mình chính là những quyển sách mà bạn đã đọc trong giai đoạn khó khăn của bạn mà mình không biết và không có mặt bên bạn. Nhưng giờ đây bạn đem kiến thức đó, kinh nghiệm đó đến cho mình.

Đầu tiên là quyển Lost Connections (tên tiếng Việt: Mất Kết Nối, tác giả Johann Hari). Trong sách có một đoạn thế này: “Khi bạn trầm cảm thì bạn ở một nơi rất tăm tối. Nếu ai đó có thể mang đến cho bạn cảm giác hồi phục, dù chỉ là thoảng qua, chỉ là chút hy vọng nhỏ nhoi, thì việc đó cũng vô cùng quan trọng. Và nguồn hy vọng đó có thể đến từ bất cứ điều gì mà bạn sẽ không thể nói trước được.”

Mình nhớ đến giai đoạn khó khăn đó của mình, mình đã không chắc là mình có thể khỏe lên không, những vấn đề của mình có thể xử lý được không, hay tới đây là… endgame rồi, tiêu rồi. Hoặc là ngày xưa khi mình bị thoát vị đĩa đệm, lưng mình đau mỗi ngày, mình không biết khi nào sẽ phục hồi, liệu mình có khỏe lại được hay không, và nếu không khỏe lên lại thì mình sẽ sống từ giờ đến cuối đời như thế nào? Mình chìm đắm trong bi quan và tuyệt vọng.

Thật ra những thứ giúp được mình trong khoảng thời gian đó lại không phải những điều quá to lớn, vĩ đại, mà ở những chuyện nho nhỏ, những cố gắng mỗi ngày. Ví dụ như một người nào đó chỉ cho mình khả năng có thể khỏe lại; một ai đó kể cho mình nghe về sự phục hồi của họ – cho dù câu chuyện đó nghe rất ‘khả ố’, kiểu như: học viên của bạn đó ngày xưa bị đau lưng đến nỗi không đi i*a được, vậy mà giờ người ấy đã khỏe lại, còn làm vận động viên cử tạ thể hình nữa. Chỉ một câu chuyện thoảng qua như vậy thôi cũng đã cho mình hy vọng để mình cố gắng trong việc chữa trị chứng đau lưng của mình.

Hay như khi sức khỏe tinh thần đang kém, mình dễ bị nhấn chìm trong nỗi đau khổ, tuyệt vọng. Trong những thời khắc cô đơn nhất, mình nhớ ra là mình đã từng vượt qua những thời khắc như vậy rồi, mình đã có thể khỏe lại, có ai đó bên cạnh mình, chia sẻ với mình, lắng nghe mình dù chỉ một chút nào đó thôi, thì cũng có thể xoa dịu được mình trong giai đoạn đó, và nó cho mình thêm chút động lực để mình cố gắng trong câu chuyện của mình.

Bởi vì hành trình của mỗi người đều rất cô đơn, cho dù mình có bao nhiêu người giúp đỡ, mình có những điều kiện thuận lợi như thế nào đi chăng nữa, vẫn sẽ có những thời khắc hết sức tăm tối mà mình phải tự vượt qua.

Mỗi lần như vậy, mình tạm nghĩ những khoảnh khắc tăm tối đó giống như mình đang bị chìm trong một khu rừng tối đen, nếu như có một vài ngọn đèn nhỏ lấp lánh do tự mình tạo ra hoặc do ai đó mang đến cho mình hoặc là mình gặp may mắn nhìn thấy những ngọn đèn nhỏ đó mà lần mò đi ra khỏi đêm đen, thì chuyện đó thật sự rất quan trọng. Và mình nghĩ rằng việc mình đọc sách, mình tìm được những quyển sách hay, cũng là một trong những cách để mình tự thắp lên những ngọn đèn như vậy.

Trong quyển sách Mất Kết Nối này, tác giả có kể một câu chuyện mà mình đã từng thấy mình trong câu chuyện đó: Trong một thí nghiệm nhỏ được thực hiện tại nước Anh, người ta cho một nhóm bệnh nhân mắc trầm cảm rất nặng cùng đi trồng hoa ở ngoài đường. Mảnh đất trồng hoa đó chỉ là một góc nhỏ ven đường xấu xí, đầy rác rưởi. Nhưng khi các bệnh nhân trầm cảm này được giao cho nhiệm vụ trồng hoa, họa được lựa chọn trồng loại hoa nào, trồng theo cách nào, mùa nào, và họ phải tự tìm hiểu cách chăm sóc.

Chính việc họ cùng nhau thực hiện nhiệm vụ, họ chia nhóm, phân công lao động và nhất là họ được ở giữa đất trời và cố gắng làm việc cho một điều gì đó có ý nghĩa, đã dần dần mang họ lại với nhau, họ có sự kết nối với nhau, có cùng mục tiêu để xây dựng. Sau đó khi những bông hoa nở ra, họ nhận được lời cảm ơn từ những người qua đường, họ thấy cuộc sống của họ có ý nghĩa. Câu chuyện này giúp mình xâu chuỗi lại trong một năm qua mình đã cố gắng cải thiện vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần của mình, đâu đó cũng giống như mình đang cố gắng trồng hoa bên đường vậy. Mình cũng đi tìm kiếm sự trợ giúp từ đồng đội, mình cũng tự đi tìm hiểu, mình cũng tự tìm các công việc có giá trị để làm… Mình từ từ xây dựng một khoảnh đất rất tăm tối đã mọc lên vài bông hoa, điều đó giúp cho cuộc sống của mình trở nên dễ chịu hơn.

Những khoảnh khắc tăm tối giống như mình đang bị chìm trong một khu rừng tối đen. Nếu như có một vài ngọn đèn nhỏ lấp lánh, do tự mình tạo ra hoặc do ai đó mang đến cho mình, hoặc là mình gặp may mắn nhìn thấy, mà lần mò đi ra khỏi đêm đen, thì chuyện đó thật sự rất quan trọng. Và mình nghĩ rằng việc mình đọc sách, mình tìm được những quyển sách hay, cũng là một trong những cách để mình tự thắp lên những ngọn đèn như vậy.

– Tạ Quốc Kỳ Nam –

Ở phần kết của cuốn sách, tác giả có một đoạn tóm tắt như sau: “Bạn không phải là một cỗ máy có các bộ phận bị hỏng. Bạn là một sinh vật không được đáp ứng các nhu cầu. Bạn cần phải có một cộng đồng. Bạn cần có những giá trị ý nghĩa, chứ không phải những giá trị nhất thời mà bạn đã nhồi nhét suốt cuộc đời, luôn nói với bạn rằng hạnh phúc đến từ tiền bạc và vật chất. Bạn cần những công việc có ý nghĩa. Bạn cần thế giới tự nhiên. Bạn cần cảm thấy mình được tôn trọng. Bạn cần một tương lai an toàn. Bạn cần kết nối với tất cả những thứ này. Bạn cần phải giải phóng bất kỳ sự xấu hổ nào mà bạn cảm thấy do sự ngược đãi.”

Bản thân tác giả là một người bị trầm cảm lâu năm và ông uống thuốc suốt gần 20 năm, nhưng thuốc không giải quyết được vấn đề cho ông. Bằng cách đi gặp gỡ, phỏng vấn, nghiên cứu và chia sẻ với những người đã trải qua trầm cảm, tác giả đã xâu chuỗi lại câu chuyện của họ và nhận ra: khi con người mất kết nối với những điều ý nghĩa trong cuộc sống, với thiên nhiên, với cộng đồng thì hiển nhiên họ sẽ không khỏe mạnh lại được.

Quyển sách Mất Kết Nối này là một quyển sách vừa hay vừa dễ đọc, và đối với mình, nó là một tảng đá rất quan trọng lúc mình đang trơn trượt, mình đã may mắn đặt chân được lên nó. Sau khi hoàn thành quyển sách này, mình đã tiếp tục đọc các quyển sách khác do bạn mình giới thiệu, đồng thời cũng tự mình tìm kiếm các tựa sách có chủ đề tương tự. Dần dần mình tích lũy và tự trang bị được kiến thức để vượt qua giai đoạn khó khăn đó của cuộc đời. 

Quyển sách tiếp theo mình muốn giới thiệu là Knife: Meditations After an Attempted Murder (tác giả Salman Rushdie). Quyển sách này chưa có tiếng Việt, nhưng nó được phát hành vào đúng giai đoạn thử thách nhất của cuộc đời mình.

Mình là một người làm trong ngành truyền thông, chắc chắn không tránh khỏi những lúc xui rủi trở thành tâm điểm của những chuyện không tốt. Cuốn sách này được Salman Rushdie viết như là một hồi ký, kể lại một sự kiện trong cuộc đời mình. Đó là: một lần ông đứng nói chuyện trước công chúng thì bị một phần tử quá khích mang dao tới đâm ông hàng chục nhát. Ông may mắn thoát chết nhưng trên người mang rất nhiều thương tật, mất đi đôi mắt và một số khả năng lao động khác, trong đó có việc viết lách. Ông đã phải tập lại từ đầu vì ông đã không còn khả năng kiểm soát đôi bàn tay nữa. Salman Rushdie viết quyển sách này để ghi lại đoạn đường đó: những gì ông hiểu, những gì ông rút ra từ câu chuyện của mình. 

Thời điểm đó, mặc dù không bị ai đâm, nhưng mỗi ngày mình đều phải nhận hàng trăm nhát dao đau đớn kinh khủng đâm vào mình, bằng lời nói từ những người xa lạ. Việc đọc quyển sách này giúp mình được xoa dịu rất nhiều. Tác giả có đưa ra một so sánh rất hay: ngôn ngữ có thể là con dao. Bản thân ông bị một con dao vật lý tấn công, nhưng ông cũng có con dao của riêng mình, đó chính là từ ngữ, là khả năng viết lách, sáng tạo. Và ông vận dụng con dao đó để làm những việc có ý nghĩa cho cuộc sống của mình.

Cá nhân mình thời điểm đó bị hàng trăm lời nói công kích rất khủng khiếp, tấn công mình mỗi ngày, xem như mình cũng đã bị dao đâm. Nhưng rồi mình nhớ lại: mình có gì trong tay? Mình có khả năng thiết kế và khả năng viết lách! Vậy là sau 5 ngày sống trong trạng thái tê liệt, việc đầu tiên mình quay trở lại làm sau ngày hôm đó chính là ngồi lên máy tính và làm bìa sách.

Mình còn nhớ rất rõ khoảnh khắc mình mở file ra và bắt đầu làm, thế giới dường như tan ra xung quanh mình và mình tập trung làm công việc mà mình đã luôn làm suốt 15 năm qua. Lúc đó mình chưa trả lời được những câu hỏi lớn trong cuộc đời mình đâu. Dư chấn của sự việc kia vẫn còn đó, nhưng điều mình biết chắc chắn đó là mình có thể chọn được font chữ phù hợp cho cái bìa sách mình đang làm, mình có thể đổi màu cho cái bìa mình đang làm, mình có thể thử đặt logo ở chỗ khác… Tức là mình có thể trả lời được rất nhiều câu hỏi về thiết kế để có thể tạo ra một bìa sách tốt. Mình đã không biến mình thành nạn nhân nữa, mình biến mình thành một người làm nghề sáng tạo.

Mình đã ngồi làm công việc thiết kế bìa sách đó như là mình đang cầu nguyện vậy. Sự cầu nguyện đó của mình không lời, không có hành động quỳ lạy, không van vỉ, không tiếc nuối. Lời cầu nguyện của mình chỉ là những tiếng lách cách của máy móc mà mình đang làm việc. Nỗi đau thống thiết của mình như giảm được độ khuếch tán bằng lớp cách âm của công việc mà mình đã say đắm làm trong suốt 15 năm qua.

Mình bắt đầu quay lại với sự nghiệp sáng tạo của mình, mặc dù rất khó khăn. Nhưng thật may mắn vì mình có một công việc ý nghĩa để làm.

* Trâm Bi: Khi đặt ra câu hỏi này, Trâm chưa nghĩ tới câu trả lời, Trâm muốn phần trình bày của mình được diễn ra tự nhiên hết mức có thể, nên cứ để dòng ý tưởng trôi thôi. Đến khi thật sự ngồi xuống thu âm lại đáp án của mình, Trâm mới nghiêm túc suy nghĩ về nó.

Thế là Trâm quay ngược thời gian, trở lại thời điểm khi mà cú sốc xảy đến trong cuộc đời mình, khoảng hơn nửa năm trước. Cú sốc đó của Trâm là khi đón nhận một thông tin cực kỳ bất ngờ có tác động rất lớn đối với mình. Trâm không tiện chia sẻ quá cụ thể câu chuyện cá nhân này, nhưng đại ý đó là một thông tin tiêu cực, đến bất ngờ và làm Trâm rất sốc.

Khi quay ngược lại thời gian đó, Trâm thấy hiện lên ngay trong đầu mình là các tựa sách về những triết gia khắc kỷ, một cuốn sách nữa là Lối Sống Spartan (tác giả: Joe De Sena & Jeff Csatari)Jocko Willink – tác giả của cuốn Lãnh Đạo, Phục Tùng Hoặc Cuốn XéoKỷ Luật = Tự Do. Vậy, đáp án của Trâm bao gồm 2 ý: Thứ nhất là Những tác giả và triết gia khắc kỷ; thứ hai là cuốn Lối Sống Spartan và tác giả Jocko Willink.

2. Quan điểm/thông điệp nào từ cuốn sách hoặc tác giả sách đó đã tạo lực kéo mình lên hay đẩy mình về phía trước?

* Tạ Quốc Kỳ Nam: Liên hệ từ cuốn sách Mất Kết Nối, mình thấy được là, có một công việc gì đó để làm trong thời khắc khốn đốn, cho dù công việc đó có làm ra tiền hay không, và ý nghĩa nó mang lại là cho mình hay cho người khác, thì mình tin là lúc đó là những lúc mình cần phải được gợi nhớ lại về giá trị của bản thân. 

Tác giả Salman Rushdie đã viết: “Chúng ta sẽ không là chúng ta ngày hôm nay nếu thiếu đi những tai ương của ngày hôm qua”. Và mình thấy câu này đúng.

Bởi vì phiên bản mình của hiện tại đã tốt hơn rất nhiều, vì những lần gặp những cú sốc trong đời và vượt qua được. Mình vượt qua được không phải như một người hùng rực rỡ lấp lánh, mà mình vượt qua bằng tất cả những gì mình biết lúc đó – run rẩy, đau đớn, cũng để lại không ít hậu quả, và có những chuyện mình chưa giải quyết được. Nhưng nó giúp mình là một con người tốt hơn. Mình thấy những giá trị đó trong những chuyện đã vượt qua. Mình thấy cũng ổn.

Tác giả còn chia sẻ rằng, việc viết cuốn sách đó chính là cách để ông giành lại chủ quyền cho chuyện đã xảy ra. Ông làm chủ chuyện đó, biến chuyện đó thành chuyện của bản thân và từ chối trở thành một nạn nhân. Tác giả muốn trả lời bạo lực bằng nghệ thuật. Và dĩ nhiên, mình tìm thấy được trong quyển sách đó người hùng mà mình muốn trở thành, hoặc mong mỏi mình có thể đi được trên bước đường của tác giả đó. 

* Trâm Bi: Với câu hỏi này, Trâm cũng có 2 ý tương ứng với 2 ý của câu trả lời thứ nhất.

Ý đầu tiên là Những tác giả và triết gia khắc kỷ. Trong khoảnh khắc Trâm gặp cú sốc đó, Trâm đã nghĩ đến một cụm từ đó là “quân bài xấu“. Đó là tên một tập Podcast của Trâm (nếu các bạn còn nhớ). Trâm nghĩ về hình ảnh “quân bài xấu” là bởi vì các tác giả sách khắc kỷ cũng như các triết gia thuộc trường phái khắc kỷ thường hay ví von cuộc sống của chúng ta có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Kiểu như là Thượng Đế, Ông trời, Đức Chúa Trời hay bất cứ một Đấng bề trên nào đó ban xuống cho chúng ta những điều chúng ta không thể kiểm soát được, ví dụ như sự mất mát của người thân, một chuyện xui rủi xảy đến như một hòn đá bỗng đâu xuất hiện trên đường đi khiến mình té ngã… Mình không thể nào tác động đến hướng lăn của những hòn đá, cũng giống như những cú sốc vẫn xảy đến bất chấp mình có muốn hay không. Các nhà khắc kỷ ví von chuyện này giống như một “quân bài” mà số phận đã trao cho mình.

Trâm còn nhớ lúc Trâm gặp cú sốc đó, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện là… muốn oán trách. Mình muốn tìm ai đó để oán trách, mà mình lại không biết phải oán trách ai, nên mình oán trách số phận, oán trách định mệnh sao lại trao cho mình quân bài xấu như vậy? Bây giờ Trâm biết chơi như thế nào với quân bài này đây?…

Đó là lúc các triết gia khắc kỷ và những lời khuyên của họ quay trở về, nhắc nhở Trâm rằng: bây giờ quân bài đã chia đến tay rồi, thì điều duy nhất mình có thể chủ động kiểm soát được đó là cách mình chơi nó. Mình chỉ có thể chơi tốt hết sức có thể trong ván bài đó, với quân bài đó, bất kể là nó tốt hay xấu.

Rồi sau đó lúc bình tĩnh lại, Trâm mới nghĩ thông suốt rằng: chắc gì đây đã là quân bài xấu? Tại vì lúc mình bị sốc quá, mình bị bất ngờ quá, mình cho rằng nó xấu, mình cho rằng nó tiêu cực, nhưng khi có thời gian tĩnh tâm lại, mình thấy nếu nó xấu thì mình tìm cách chơi thôi, mình không thể… nghỉ chơi được. Tương tự, cuộc sống ban cho mình một sự mất mát hoặc xui rủi, mình không thể từ chối là “tôi không nhận, đừng tới nha, đừng xui nha. Sự xui rủi hãy tới với ai đi, đừng tới với tui. Quân bài xấu chia cho người khác đi, đưa hết bài tốt cho tui.” Mình không được như vậy. Mình là người lớn, không thể ăn vạ như một đứa trẻ được. Nếu như khi còn nhỏ, mình có thể ăn vạ vì mình biết sẽ có một người lớn tới đáp ứng những yêu cầu vô lý của mình. Bây giờ mình là người lớn với nhau cả rồi, mình không thể bắt một người lớn nào khác tới để mà chiều lòng mình được, mình không thể đòi hỏi kiểu “tôi không muốn cái này, tôi muốn cái kia” được. Mình chỉ còn cách chơi hết sức với quân bài đó thôi. Đó là lúc Trâm vẫn nghĩ nó là quân bài xấu. Nhưng dần dần sau này Trâm mới nghĩ theo hướng nó là quân bài tốt. 

Bây giờ quân bài đã chia đến tay rồi, thì điều duy nhất mình có thể chủ động kiểm soát được đó là cách mình chơi nó. Mình chỉ có thể chơi tốt hết sức có thể trong ván bài đó, với quân bài đó, bất kể là nó tốt hay xấu.

– Trâm Bi –

Thật ra mọi sự cũng không dễ dàng như vậy. Chỉ là ban đầu nó là quân bài xấu, sau đó trở thành “làm sao để chơi?”, rồi trở thành “chắc gì đã xấu?” và cuối cùng dần dần mình mới nghĩ đó là quân bài tốt. Nó phải theo từng tầng từng nấc chứ không thể một bước lên mây được.

Trâm tự gọi mình là một “môn đồ” của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Cho nên Trâm tự nhắc mình, bây giờ, hãy kiểm soát điều mà mình có thể kiểm soát được, chứ đừng cố gắng kiểm soát những thứ nằm ngoài tầm với của mình nữa. Và thứ mình có thể kiểm soát ở đây là gì? Là chơi tốt hết sức có thể với những gì được chia cho. Chính là quân bài này. Bây giờ chiến thuật là gì? Tôi chấp nhận chơi. Bởi vì không chấp nhận cũng không được. Tôi là người trưởng thành rồi, tôi chấp nhận rằng tôi chỉ có một cách là chấp nhận và tìm giải pháp để chơi quân bài này trong khả năng của mình. Vậy thôi.

Ý thứ hai là: khi gặp phải cú sốc, Trâm nghĩ tới cuốn sách Lối Sống Spartan (tác giả: Joe De Sena & Jeff Csatari) cũng như một tác giả là Jocko Willink – một tác giả của những cuốn sách về sự kỷ luật. Lý do là bởi vì họ nhắc nhở Trâm về “tinh thần chiến binh” mà Trâm rất ấn tượng ở tác phẩm Lối Sống Spartan và tác giả Jocko Willink.

“Tinh thần chiến binh” thoạt nghe thì có vẻ hơi đánh đấm quá, hơi bạo lực quá, mạnh mẽ quá so với người bình thường như chúng ta chứ đừng nói gì đến phái nữ hay phái nam, phái yếu hay phái mạnh. Nghe đến “tinh thần chiến binh” là đã cảm thấy cực khổ, cảm thấy cần phải nỗ lực, cần phải trui rèn vất vả rồi. Nhưng đối với riêng Trâm, “tinh thần chiến binh” đem đến cảm giác rất tích cực. Ý tưởng này cũng giống với Jocko Willink khi ông nói “Kỷ luật = tự do”. Mỗi khi trui rèn tinh thần chiến binh, cũng như khi trui rèn tinh thần kỷ luật của mình, Trâm đều nhận lại được những thành quả rất đáng tự hào.

Thậm chí chưa kể đến lúc nhận thành quả, ví dụ như khi Trâm tự kỷ luật mình trong việc đọc sách, tự kỷ luật trong việc tập thể dục hoặc tự trong việc đúng giờ, đúng deadline, thì cảm giác sau khi đọc một chương sách, sau khi tập thể dục xong hoặc hoàn thành một nhiệm vụ trước deadline, chính là cảm giác tự hào về bản thân đầu tiên. Sau đó thì các thành quả tiếp theo mới đến, chẳng hạn như được công nhận, và khi nhắc đến mình thì người ta sẽ nghĩ đến sự kỷ luật, tính cam kết, tinh thần trách nhiệm… Đó đều là những điều đáng tự hào, nhưng chúng đến sau cảm giác tự hào về bản thân mình, tựa như mình đang nuôi dưỡng lòng tự trọng của mình vậy.

Vì yêu mến tinh thần chiến binh, tinh thần kỷ luật, mà khi gặp một cú sốc khiến mình muốn ngã quỵ, khi cảm thấy rất yếu đuối, chính tinh thần chiến binh đã vực Trâm dậy, đẩy Trâm tiến về phía trước mỗi ngày. Đến nay Trâm vượt qua được cú sốc đó đã hơn nửa năm, nhìn lại Trâm thấy rất tự hào vì mỗi ngày mình đã trở thành “chiến binh” trong cuộc sống của mình.

Không cần phải là đánh đấm hay chiến đấu với ai, chỉ đơn giản là vượt qua được thử thách, vượt qua được cú sốc của mình, mình sẽ cảm thấy vững chãi hơn, mạnh mẽ hơn và mình tự hào hơn về chính mình hơn mỗi ngày.

3. Tình yêu sách giúp ích cho mình như thế nào ở khía cạnh vun bồi nghị lực sống?

* Tạ Quốc Kỳ Nam: Mình không nghĩ là có một quyển sách nào đó có thể vun bồi nghị lực sống hay tạo ra điều gì quá khác biệt. Nó chỉ là sự tích tụ từ rất nhiều, rất nhiều cuốn sách. Mình muốn nhân câu hỏi này để giới thiệu một cuốn sách nữa mà mình vừa đọc xong: Sao Trước Đây Không Ai Nói Với Tôi Điều Này? (tác giả Julie Smith).

Mình đọc quyển này bằng tiếng Anh “Why Has Nobody Told Me This Before?” và mình mới biết là nó có tiếng Việt sau khi đọc xong bản tiếng Anh. Tác giả viết cuốn này rất dễ hiểu, đồng thời cũng rất khoa học và đầy sự thấu cảm, với những vấn đề mà hầu như bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ gặp phải trong đời sống. Chúng diễn ra trong não của mình, trong cảm xúc của mình. Và quả thật là sau khi đọc cuốn sách này, mình đã ước gì đã được đọc nó sớm vài năm, được biết những kiến thức này sớm vài năm để nó giúp mình hiểu được bản thân đang trải qua những chuyện gì, và có thể mình sẽ đỡ loạng choạng hơn. Bởi vì mình đã phải học, đã phải góp nhặt bằng kinh nghiệm cá nhân trước, sau đó mới thấy những điều này được đúc kết lại trong sách thì mình thấy nó rất đúng.

Cảm giác của mình sau khi đọc cuốn sách này là cảm thấy bản thân được trang bị. “Được-trang-bị” là một cụm từ rất quan trọng, bởi chúng ta không biết khi nào mình sẽ đuối nước, nhưng sẽ rất tốt nếu đã được trang bị sẵn kỹ năng bơi. Tương tự như vậy, quyển sách này trang bị kiến thức cho mình để đối mặt với những thời khắc khốn cùng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, quyển sách này cũng cho mình cảm giác không cô độc, bởi cho dù nhiều hoàn cảnh khác nhau, chúng ta vẫn có cùng một điểm chung nào đó trong cách thức não bộ vận hành, trong cách phân loại các suy nghĩ, hoặc chí ít là mình có thể nghe những tâm sự, chia sẻ từ những người đi trước và có thêm động lực.

Có một câu mình thấy khá hay trong cuốn sách này, đó là: “thoughts are not facts – Suy nghĩ không phải là sự thật.” Mình nhớ lại có một giai đoạn mình bị rối loạn lo âu rất nặng. Trong đầu mình chứa rất nhiều suy nghĩ tiêu cực, những tưởng tượng về một tương lai đầy bất trắc ở xa xăm có khi 10 20 năm nữa mới xảy ra, hoặc mình có thể suy diễn về một tình huống bất trắc có thể xảy ra chỉ ngay sau khi mình mở cửa bước ra đường. Chính những sự tưởng tượng đó khiến cho mình bị tê liệt và mình không dám ra đường. Bằng kiến thức “Suy nghĩ không phải sự thật”, mình đã bình tĩnh lại và thấy à không, đây không phải sự thật, đây chỉ là những suy nghĩ thôi, không phải những điều chắc chắn sẽ xảy ra. Đồng thời, tác giả cung cấp cho chúng ta các hệ thống để xác định khi nào suy nghĩ của chúng ta bị một màu và làm rõ ra những màu sắc ấy trong tâm lý học gọi là gì. Tác giả gợi ý những phương pháp để chúng ta đối mặt với từng giai đoạn khó khăn trong cuộc sống hay những lúc tinh thần trở nên ủ dột. Ngay trong tiêu đề quyển sách: “Why Has Nobody Told Me This Before? – Tại sao trước đây không ai nói với tôi điều này?” thì có lẽ là do chúng ta chưa được đọc tới thôi.

Cảm giác của mình sau khi đọc cuốn sách Sao Trước Đây Không Ai Nói Với Tôi Điều Này? (tác giả Julie Smith) là cảm thấy bản thân được trang bị.

“Được-trang-bị” là một cụm từ rất quan trọng, bởi chúng ta không biết khi nào mình sẽ đuối nước, nhưng sẽ rất tốt nếu đã được trang bị sẵn kỹ năng bơi. Tương tự như vậy, quyển sách này trang bị kiến thức cho mình để đối mặt với những thời khắc khốn cùng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, quyển sách này cũng cho mình cảm giác không cô độc, bởi cho dù nhiều hoàn cảnh khác nhau, chúng ta vẫn có cùng một điểm chung nào đó trong cách thức não bộ vận hành, trong cách phân loại các suy nghĩ, hoặc chí ít là mình có thể nghe những tâm sự, chia sẻ từ những người đi trước và có thêm động lực.

– Tạ Quốc Kỳ Nam – 

Nên là, mình rất biết ơn những quyển sách. Bởi vì tình yêu dành cho sách đã tồn tại trong mình từ trước khi mình biết đọc. Lớn lên, mình đi làm thiết kế bìa sách, sách cho mình một sự nghiệp. Sau này, mình lúc nào cũng làm việc quanh những cuốn sách, làm 100 cuốn thì cũng phải đọc được 1 cuốn. Cứ thế từ đó góp nhặt, vun bồi, hình thành nên nét tính cách riêng của mình.

Tất nhiên trong thời gian làm nghề, cũng có lúc mình “hư”, có lúc mình không đúng, mắc sai lầm, nhưng những giá trị đạo đức, niềm tin, và những điều tốt đẹp mà mình muốn trở thành, vẫn luôn nằm đó, vẫn ấp ủ đợi đến lúc thuận lợi sẽ nảy mầm. Dùng từ “vun bồi” nghe có xu hướng như… cao lên, mình thì nghĩ là những cuốn sách hay mình đã đọc, chúng lắng xuống, trở thành phân bón, thành dưỡng chất nuôi dưỡng mình.

Và trong thời khắc mình cô đơn, khốn cùng, việc biết rằng mình đang có một cuốn sách hay mà tối nay có thể mở ra đọc tiếp, hoặc trong cuốn sách đó có tiềm ẩn một câu nói, một kiến thức, một chia sẻ, một trải nghiệm có thể giúp đỡ, xoa dịu được mình, thì nó sẽ giống như một người bạn, một người thầy ở bên mình. Mình biết ơn vì mình biết đọc và mình thích đọc.

Ngoài ra mình còn thích viết nữa. Việc đọc sách cho mình một thói quen, một không gian để không bị bỡ ngỡ khi đặt bút xuống viết những cái cho riêng mình, thoải mái bộc bạch trên trang giấy những suy tư của mình.

Lúc nãy mình có chia sẻ một câu là: “Khi nào người học trò sẵn sàng thì người thầy sẽ xuất hiện.” Mình thấy có một hiện tượng rất thú vị, đó là khi mình viết nhiều hơn, một thời gian rất lâu sau, mình đọc lại những gì mình viết ở thời gian trước, lúc viết ra không nghĩ gì cả, nhưng khi đọc lại thì thấy những gì mình đúc kết được, những tâm tư tình cảm của mình ở giai đoạn trước lại giúp mình rất nhiều trong giai đoạn này. Nhiều khi mình đã quên đi kiến thức đó rồi, nhưng nhờ việc ghi chép lại, mình được gợi nhớ, hoặc mình nhìn thấy bước đường phát triển, mình nhận ra có một số suy nghĩ mình đã thay đổi, mình hiểu thấu đáo hơn. Hoặc có thể mình ngẫm lại mình ngày xưa thuần thiện hơn, tốt đẹp hơn và mình được nhắc nhớ lại rằng mình đã từng như vậy, mình muốn giữ lại những giá trị tốt mà mình muốn còn lại trong mình.

Không giống như sách, sách in rồi thì ở yên đó, suy nghĩ của mình, sự phát triển của con người đôi khi nằm ở giữa một lằn ranh. Có lúc mình thấy mình rất tinh tấn, lạc quan, mình thực hiện những điều tốt rất dễ dàng. Nhưng cũng có lúc mình hơi lơi lỏng, lười biếng, mình rất dễ sa vào những thói quen cũ, dẫn đến những chuyện không hay.

Những lúc như vậy, việc có những cuốn sách do mình viết hoặc người khác viết, hoặc những điều mà mình đánh dấu lại, những bài học tích cực, những kiến thức hay ho giúp mình hiểu biết hơn, và cho mình một chỗ để quay về.

* Trâm Bi: Không hiểu sao mình lại nghĩ ra một câu hỏi rộng như thế này, khiến mình trả lời câu hỏi của chính mình mà cũng gặp khó khăn.

Tựa đề tập Podcast hôm nay là Yêu sách giúp vượt qua cú sốc trong đời, thì “yêu sách” ở đây chính là tình yêu dành cho sách chứ không phải là “yêu sách”. Khi Trâm lập ra kênh Podcast Sách và Sống, nó đã ở rất gần với câu hỏi này. Bởi vì Trâm nói về sách và Trâm nói về cuộc sống. Đôi khi chính tình yêu sách của mình giúp mình vượt qua cú sốc trong đời và giúp mình vun bồi nghị lực sống mỗi ngày.

Giống như khi trả lời 2 câu hỏi trước, khi gặp một cú sốc, mình sẽ có rất nhiều cách để giải quyết: mình tự làm việc với chính mình, mình chia sẻ với những người mình tin tưởng, mình được trút xả nỗi lòng của mình… Nói theo tinh thần chiến binh thì mình giống như là con sói bị thương chui vào hang, liếm láp vết thương của mình, sau đó bước ra khỏi hang và tiếp tục hành trình phát triển của mình.

Tình yêu sách cho mình cơ hội để tiếp thu thêm những ý kiến bên cạnh ý kiến của những người mình tin tưởng, những người thân quen, bạn bè, để mình trút bỏ nỗi lòng, mình được lắng nghe, mình được buông xả những điều còn chất chứa trong lòng. Đồng thời, sách còn giúp mình cảm nhận được sự yêu thương, cảm giác an toàn từ một mối quan hệ tích cực, lành mạnh. Ở một chiều kích khác, sách là một lời khuyên mà Trâm nhận được rất nhiều vào giai đoạn Trâm gặp cú sốc trong đời mình. 

Nửa năm qua có thể gọi là hành trình hàn gắn vết thương, Trâm đã làm việc với chính mình, làm lành với chính mình. Trâm nhận thấy rằng, những người như Jim Rohn, những người như Tony Robbins cũng như rất nhiều tác giả sách khác đã giúp Trâm mở rộng nhân sinh quan, mở rộng góc nhìn của mình về mọi thứ, trong đó có câu chuyện cá nhân của mình. Khi mình chỉ có một mình, hoặc chỉ có những người thân quen bên cạnh, mình có thể cảm thấy vấn đề của mình rất to, mình thấy vết thương của mình rất lớn, nó là một cái gì đó rất đáng thương. Nhưng khi nghe, khi đọc nhiều cuốn sách hay, đón nhận nhiều quan điểm, lời khuyên tích cực của những tác giả sách, Trâm cảm thấy vết thương của mình không đau đến mức như vậy, câu chuyện của mình không nghiêm trọng như vậy, ngoài cuộc đời kia còn nhiều thứ lớn lao hơn, nhiều điều quan trọng hơn, nhiều câu chuyện thú vị hơn đang chờ mình khám phá, học hỏi và trải nghiệm. Vậy tại sao mình cứ phải ngồi đây rên rỉ về vết thương của mình? Mình còn muốn rên rỉ đến bao giờ nữa?

Đây cũng là một trong những lý do mà Trâm rất biết ơn vũ trụ đã mang cái tên Podcast Sách và Sống đến với Trâm: nói về sách nhưng thật ra là nói về cuộc sống – nói về cuộc sống nhưng thật ra soi chiếu nó trong những cuốn sách hay. Trâm không muốn thậm xưng khi nói về “cuốn sách đổi đời” hay “cuốn sách phải đọc để vun bồi nghị lực sống”, bởi vì đối với Trâm, không có cuốn sách đổi đời nào hết, không hề có một cuốn sách nào “phải đọc” để vun bồi nghị lực sống, để chỉ cần đọc cuốn sách đó thôi là nghị lực sống của mình tăng lên hoặc chỉ cần đọc cuốn sách đó thôi thì sau này gặp bất cứ cú sốc nào trong đời, mình cũng sẽ vượt qua được ngay. Không có cuốn sách nào như vậy cả. Chỉ có những thông điệp đến với mình khi mình đang tìm kiếm và trong lòng mình đã có sẵn những điểm kết nối rồi. Chỉ đợi đến khi gặp thông điệp đó, nó trở thành khoảnh khắc “Wow” đầy thú vị và giúp ích cho cuộc đời mình.

Ví dụ như thời điểm gặp cú sốc đó, Trâm cảm thấy mình rất yếu đuối và Trâm cần một nguồn sức mạnh đến từ những người vừa có trí tuệ rộng mở, vừa có trái tim bao la để xoa dịu vết thương của mình. Muốn vậy, Trâm phải đi tìm. Trâm tìm nguồn sức mạnh, Trâm tìm những lời khuyên khôn ngoan, Trâm tìm những tình yêu thương trong từng câu chữ. Và Trâm đã tìm thấy. Trâm tìm thấy trong những cuốn sách về khắc kỷ, trong những cuốn sách về kỷ luật bản thân, trong những cuốn sách về tinh thần chiến binh.

Nếu bạn kỳ vọng Trâm sẽ kể ra cuốn sách duy nhất nào trong thời điểm đó giúp Trâm vượt qua cú sốc thì có thể Trâm sẽ làm bạn thất vọng. Bởi vì Trâm không có một cuốn sách đổi đời nào cả, và Trâm cũng không tin là có bất cứ cuốn sách nào vừa giúp Trâm đổi đời mà cũng vừa giúp bạn đổi đời. Vì những điểm có sẵn trong lòng Trâm không giống những điểm có sẵn trong lòng bạn – chúng không phải điều bạn đang đi tìm. Cho nên cuốn sách mà Trâm tìm thấy sẽ không giúp bạn chắp nối các điểm đó lại giống như nó đã giúp Trâm.

Nếu hỏi tình yêu sách đã giúp Trâm như thế nào ở khía cạnh vun bồi nghị lực sống, thì câu trả lời của Trâm đơn giản là: mình muốn vun bồi nghị lực sống và trong lòng mình, trong tim mình, trong đầu mình đã có sẵn những điểm mình muốn tìm kiếm. Chúng ta tìm kiếm điều gì thì chúng ta sẽ tìm thấy điều đó trong những cuốn sách, những tác giả sách đến với mình vào thời điểm đó.

Các bạn có tin vào sức mạnh vũ trụ không? Trâm thì có. Trâm tin một cách rất logic chứ không hề có yếu tố mê tín nào. Trâm nghĩ rằng khi mình chú ý tìm kiếm những dấu hiệu nào đó, vũ trụ sẽ mang nó đến cho mình. Thật ra “vũ trụ” ở đây chính là mình, chính là sự chú ý của mình, Khi mình biết mình đang tìm kiếm điều gì thì mình sẽ nhìn thấy những dấu hiệu của điều đó xuất hiện trên đường mình đi. Không hề có một bậc thánh nhân nhân nào mang nó đến cho mình cả. Phải là mình tự tìm kiếm. Phải là mình biết mình muốn gì. 

* Tạ Quốc Kỳ Nam: Cảm ơn mọi người đã lắng nghe phần chia sẻ của mình. Cảm ơn Trâm Bi đã có lời mời mình đến với Podcast. Mình xin kết thúc câu trả lời của mình bằng một câu trích dẫn mà mình vừa tìm ra, trong lúc đang xem lại các ghi chép để cân nhắc điều mình sẽ nói ngày hôm nay:

“Anh hãy dành thời gian, thay vì để chân run rẩy, hãy để lòng rung động. Thay vì nhìn vực thẳm sâu hun hút, anh hãy nhìn tâm mênh mông. Thay vì nghe tiếng gió rít bên tai, anh hãy lắng nghe tiếng của sự im lặng sâu thẳm nhưng đầy sức sống.

– trích trong tác phẩm Đường Xa Nắng Mới (tác giả: Nguyễn Tường Bách) –

Những áng văn quá hay mà nếu không mở sách ra mình sẽ không thể nào nhìn thấy được. Chúc mọi người có những giờ phút thưởng thức sách thật vui!

* Trâm Bi: Tập podcast với chủ đề Yêu sách giúp vượt qua cú sốc trong đời đến đây đã kết thúc. Trâm rất mong rằng ý tưởng đổi mới lần này về một tập Podcast “tuy hai mà một, tuy một mà hai” – tuy có khách mời nhưng vẫn là những lời độc thoại, trò chuyện một mình, tự khai vấn, tự chia sẻ nỗi lòng của mình, sẽ khiến các bạn cảm thấy thú vị hơn một chút, mới mẻ hơn một chút. Đổi mới, nhưng vẫn giữ được chất riêng mà Trâm muốn xây dựng cho kênh podcast này, đó là tâm tình, là nói về sách nhưng thật ra là nói về cuộc sống – nói về cuộc sống nhưng thật ra soi chiếu nó trong những cuốn sách hay.

Hy vọng rằng bất cứ ai đang nỗ lực để vượt qua cú sốc trong cuộc đời mình sẽ được truyền cảm hứng từ tập Podcast này, để ít nhất các bạn sẽ không cảm thấy cô đơn trên hành trình trưởng thành, không thấy lạc lõng khi cố gắng từng bước vực dậy nghị lực sống của mình, từng bước đẩy mình về phía trước. Mong rằng các tựa sách cũng như tác giả sách được gợi ý trên đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho các bạn vào một lúc nào đó.

Cảm ơn Tạ Quốc Kỳ Nam vì đã đồng ý trở thành khách mời đầu tiên và đặc biệt trong tập Podcast này của Trâm. Trâm biết ơn bạn rất nhiều vì những chia sẻ cởi mở!

Cảm ơn các anh chị và các bạn đã theo dõi tập podcast tuần này. Hẹn gặp các bạn vào tuần sau, cũng vào lúc 6 giờ tối thứ 6 trên kênh Podcast Sách và Sống # hôm nay trâm nghe.

Ngoài Spotify và Apple Podcasts, các bạn cũng có thể nghe podcast Sách và Sống tại app Fonos, Maika và nhiều nền tảng podcast khác.

Share
Pin
Tweet

Để lại nhận xét

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

instagram:

[instagram-feed type="hashtag" hashtag="#vamtamthemelafeminite"]