Chào mừng các anh chị và các bạn đến với tập 67 của Podcast Sách và Sống – Hôm nay Trâm nghe.
Đây là tập podcast tiếp theo thuộc Series Yêu sách của Trâm. Đây chính là Series mà Trâm sẽ mời một vị khách mời có cùng tình yêu sách với mình để chia sẻ về một chủ đề có liên quan mật thiết với vị khách mời đó cũng như có liên quan trực tiếp đến tình yêu sách và tình yêu cuộc sống.
Vị khách mời ngày hôm nay có một cuốn sách đã được xuất bản mà Trâm rất ấn tượng, đó là cuốn sách Cơ Trưởng Từ Buồng Lái. Hôm nay anh Thư Uyển chính là khách mời của tập podcast thuộc series Yêu Sách tuần này.
Chủ đề mà hôm nay Trâm và khách mời đặc biệt hôm nay muốn nói chính là: Yêu Sách Giúp Trau Dồi Kỹ Năng Chia Sẻ. Lý do Trâm chọn chủ đề này là bởi nghề nghiệp của anh Thư Uyển là một nghề rất đặc biệt: nghề phi công, với vị trí Cơ trưởng. Đây là công việc rất đặc biệt vì không dành cho số đông. Chính vì vậy mà trải nghiệm của anh trong quá trình làm nghề đã được chia sẻ lại trong cuốn sách Cơ Trưởng Từ Buồng Lái của mình.
Điều này làm Trâm thấy ấn tượng không phải bất kỳ ai đang làm một công việc nào đó trong xã hội cũng có thể đồng thời vừa thành thạo chuyên môn, vừa có kỹ năng chia sẻ về chuyên môn đó của mình, kể lại những trải nghiệm nghề nghiệp của mình – mà trong trường hợp này lại là một công việc rất đặc biệt.
Anh Thư Uyển đã làm được điều đó, thậm chí còn chia sẻ một cách hết sức thú vị trong cuốn sách Cơ Trưởng Từ Buồng Lái. Sự ngưỡng mộ của Trâm dành cho tác giả và cuốn sách này, chính là lý do Trâm muốn nói về chủ đề chia sẻ trong tập podcast hôm nay với khách mời đặc biệt: anh Thư Uyển.
Và quan trọng hơn nữa, tình yêu sách là điểm chung giữa anh Thư Uyển với Trâm cũng như kênh podcast Sách và Sống. Một trong những cuốn sách có thể kể đến là Lão Già Mê Đọc Truyện Tình, Thành Cát Tư Hãn Và Sự Hình Thành Thế Giới Hiện Đại, Xứ Phẳng.
Trong những lần trò chuyện với nhau, Trâm cảm thấy rất thú vị khi gặp được những người bạn có cùng tình yêu sách với mình; không những vậy, họ còn cùng ấn tượng với những cuốn sách mà mình cũng ấn tượng mạnh mẽ. Vị khách mời hôm nay chính là một người như vậy.
Cũng giống như những tập podcast thuộc series Yêu sách trước đây, Trâm sẽ có một vài câu hỏi dành cho chính mình và dành cho khách mời và cả hai sẽ thay phiên nhau trả lời một cách độc lập, để các anh chị và các bạn có được các ý tham khảo từ góc nhìn của cả Trâm và khách mời.
Hy vọng sẽ giúp ích cho các anh chị và các bạn trong hành trình đọc sách, trải nghiệm cuộc sống, và biết đâu đấy, nếu gặp phải tình huống tương tự thì câu trả lời của Trâm và khách mời sẽ mang lại thêm một nguồn tham khảo mới.
Câu hỏi đầu tiên: Tình yêu sách giúp ích cho mình như thế nào trong việc rèn luyện kỹ năng chia sẻ?
Anh Thư Uyển: Chào Trâm và quý thính giả, cảm ơn Trâm đã mời anh đến với tập podcast Sách và Sống hôm nay. Có lẽ cụm từ Chia sẻ ở đây Trâm muốn nói là mang nghĩa tâm sự hoặc kể lại câu chuyện của mình? Anh nghĩ việc đọc sách và yêu sách là điều cốt tử để có thể viết xuống hoặc kể lại câu chuyện của mình.
Người thật việc thật, anh đã viết được câu chuyện của anh thành một tác phẩm. Khi anh bắt đầu từ nhân viên văn phòng chuyển sang học bay, anh đã quyết định viết câu chuyện của mình. Một trong những lý do là bởi vì anh thấy nó hấp dẫn, nhiều điều mới lạ. Anh có rất nhiều chuyện hay, nhưng mỗi khi viết xuống lại có cảm giác như ai đó lấy rìu đốn ngòi bút của mình đi vậy. Đó là tình trạng “đốn bút” – viết không ra. Cảm giác có nhiều chuyện trong người nhưng không viết ra được rất ức chế. Lâu dần anh nhận ra là vì mình không đọc nên mình không có chữ để viết.
Và anh bắt đầu đọc nhiều hơn. Trước đây anh cũng có đọc, nhưng lại không đọc những thứ giúp mình có thể viết. Thế là anh bắt đầu đi tìm những cuốn sách viết về nghề, khi muốn viết theo phong cách văn học hơn một chút, anh đi tìm những cuốn sách văn học viết về nghề. Anh bắt đầu đọc rất nhiều từ đó. Đó là lý do số một giúp anh có thể kể được câu chuyện của mình trong một cuốn sách.
Trâm Bi: Với Trâm thì khi nói về kỹ năng chia sẻ, tình yêu sách giúp cho Trâm, quan trọng nhất, ở hai khía cạnh.
- Thứ nhất, khi Trâm đọc sách nhiều, nghe sách nhiều, nói chung là thưởng thức sách nhiều, Trâm sẽ biết cách hệ thống hóa một cách rành mạch những suy nghĩ trong đầu.
- Khía cạnh thứ hai chính là nó giúp mình biết thêm nhiều cách chia sẻ khác nhau.
Thật ra, lúc đọc sách hoặc nghe sách, mình không nhắm đến mục đích này, mình chỉ trải nghiệm cảm giác đang nói chuyện với một người bạn mới, lắng nghe câu chuyện của họ, thưởng thức những thông tin, những giá trị mà họ mang lại cho mình. Mình hoàn toàn không chủ ý đọc để biết cách làm cái này cái kia. Nhưng khi thẩm thấu nó hằng ngày, tự nhiên nó đã giúp Trâm có được 2 kỹ năng quan trọng mà Trâm vừa nói tới, đó là hệ thống hóa rành mạch suy nghĩ của mình và giúp mình biết có nhiều cách chia sẻ khác nhau.
Đối với việc hệ thống hóa rành mạch suy nghĩ, ban đầu Trâm cũng không nghĩ rằng Trâm sẽ làm tốt chuyện này. Nhưng khi Trâm cho ra đời podcast Sách và Sống, Trâm rèn luyện kỹ năng nói nhiều hơn, rèn luyện kỹ năng chia sẻ nhiều hơn, và những người xung quanh hoặc bạn cùng lớp của mình, khi mình phát biểu, họ đã nói với mình, lúc đó mình mới nhận ra mình đang làm tốt chuyện này. Thế nên, việc đọc nhiều, tham khảo nhiều nguồn thông tin, nhiều tác giả, nhiều góc nhìn, nhiều cách suy nghĩ, nhiều cách làm, nhiều lĩnh vực ngành nghề, vô hình trung, nó vun bồi cho kỹ năng chia sẻ của Trâm mỗi ngày một nhiều hơn.
Đối với khía cạnh thứ hai, đọc sách giúp Trâm biết thêm nhiều cách chia sẻ khác nhau, thì giống như lúc nãy Trâm có nhắc tới một vài tựa sách mà Trâm và khách mời hôm nay đều thích, đó là Lão Già Mê Đọc Truyện Tình, Thành Cát Tư Hãn Và Sự Hình Thành Thế Giới Hiện Đại, hay Xứ Phẳng. Đây là những tác phẩm làm ví dụ cho việc có rất nhiều cách để chia sẻ điều mình cảm thấy giá trị.
Chẳng hạn như cuốn Lão Già Mê Đọc Truyện Tình, tác giả muốn tìm hiểu về vùng Nam Mỹ để thực hiện nghiên cứu thực địa về xã hội học. Trong quá trình đó, ông đã có được trải nghiệm với những người thuộc bộ tộc Shuar và viết lại cuốn sách này. Nó là một cuốn sách rất nhỏ thôi, nhưng bên trong chất chứa đầy tình yêu và cảm xúc.
Nhìn ở một khía cạnh nào đó, cuốn Thành Cát Tư Hãn Và Sự Hình Thành Thế Giới Hiện Đại cũng tương tự như vậy. Tác giả ban đầu chỉ là tò mò về nhân vật Thành Cát Tư Hãn – một trong những nhà chinh phạt nổi tiếng nhất trong lịch sử loài người mà chúng ta biết đến ngày nay, vị “Cha già dân tộc” của người Mông Cổ – tác giả đã tìm hiểu và dần dần ngày càng cảm thấy hành trình này thú vị. Ông thậm chí đã đến Mông Cổ và trải nghiệm, lắng nghe những câu chuyện về người dân Mông Cổ và làm rất nhiều vai trò, lĩnh vực, nghề nghiệp khác nhau tại đất nước này để viết nên cuốn sách Thành Cát Tư Hãn Và Sự Hình Thành Thế Giới Hiện Đại, một cuốn sách non-fiction nhưng tràn đầy cảm xúc. Điều này anh Thư Uyển có cùng suy nghĩ với Trâm nên chúng ta có thể chia sẻ thêm nếu anh có hứng thú nói nhiều hơn về cuốn sách này.
Một ví dụ khác là cuốn Xứ Phẳng. Đây là cuốn sách giúp Trâm mở rộng khả năng suy nghĩ, giúp mình nhìn vượt ra ngoài những điều mình thường thấy hằng ngày.
Đó chính là những cách kể chuyện khác nhau, thể loại cũng khác nhau. Vô hình trung, khi mình đọc và nghe nhiều sách như vậy, sau này mỗi khi có ý tưởng nào đó, mình sẽ suy nghĩ xem mình nên kể nó theo cách nào. Ví dụ như về chủ đề này Trâm sẽ kể bằng cách thu podcast, Trâm sẽ kể bằng cách mời một vị khách mời thu chung với mình. Nhưng cũng có những ý tưởng khác, Trâm sẽ viết một status trên Facebook. Với ý tưởng khác thì Trâm có thể biến nó thành một thông điệp nho nhỏ nào đó để “trà dư tửu hậu” với bạn bè trong các cuộc trò chuyện hằng ngày.
Tình yêu sách giúp cho Trâm rèn luyện kỹ năng chia sẻ ở 2 khía cạnh, đó là hệ thống hóa rành mạch suy nghĩ của mình; và chia sẻ theo nhiều cách khác nhau.
Câu hỏi thứ hai: Có cuốn sách hay tác giả nào gợi cảm hứng đặc biệt để mình chia sẻ nhiều hơn hay không?
Anh Thư Uyển: Anh nghĩ là tác giả hay tác phẩm nào cũng có thể trở thành nguồn cảm hứng để mình học tập viết câu chuyện của mình. Nhưng ở đây, xin được kể với Trâm và các thính giả kinh nghiệm thật của mình khi viết cuốn Cơ Trưởng Từ Buồng Lái.
Trong quá trình viết, có 3 tác giả và tác phẩm mà mình học hỏi được nhiều.
- Đầu tiên là nhà văn Nguyễn Trí – một nhà văn “tay ngang”, tận 50, 60 tuổi mới bắt đầu viết. Nhà văn Nguyễn Trí có một đời sống khác thường, bôn ba, nhiều biến động. Ông làm nhiều nghề, từ những nghề bình thường như dạy Anh văn, cho đến những nghề đặc biệt mà sau này ông làm như bán vé số, làm lâm tặc, làm giang hồ, đi mổ trâu. Khi viết về cuộc đời mình, ông đa phần viết về những nghề đó. Ta có thể đọc được chúng trong những tác phẩm (em không nghe rõ câu này) và anh học hỏi được nhiều trong đó, anh học hỏi được cách mà ông viết, ông mô tả công đoạn của những nghề mà độc giả phổ thông ít biết, nó khác lạ với mọi người. Ông mô tả như thế nào để cho dễ hiểu. Khi anh đi tìm những tác phẩm viết về nghề để tham khảo trong quá trình viết cuốn sách của mình, khoảng 15, 17 năm trước, có rất ít những cuốn sách như vậy trên thị trường, đặc biệt là tiếng Việt. Tìm hoài không thấy, nên anh bắt đầu nghĩ: bây giờ mình sẽ tìm những cuốn sách mà tác giả viết về những điều họ thích và những điều họ không thích, vì cuốn sách của mình cũng có thể đi theo hướng đó.
- Anh đã tìm được nhiều cuốn, trong đó có 2 cuốn mà anh và Trâm đều thích, đó là Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ (tác giả: Haruki Murakami) và cuốn Lão Già Mê Đọc Truyện Tình. Hai cuốn này, một cuốn viết về sở thích của tác giả Murakami là chạy bộ; một cuốn viết về điều tác giả ghét. Cuốn Lão Già Mê Đọc Truyện Tình có rất nhiều lớp nghĩa, nhưng một trong những lớp nghĩa ông muốn truyền tải đó là sự căm thù Đế quốc Mỹ (bởi tác giả Sepúlveda là một nhà Cộng sản nên ông rất ghét Mỹ). Cả hai cuốn viết về yêu thích và ghét, anh chỉ đọc trong vòng một tháng và cảm thấy muốn làm giống họ. Nghĩa là không có dòng nào nói: “Tôi rất thích chạy bộ”, hay không có dòng nào nói “Tôi rất ghét Đế quốc Mỹ, tư bản Mỹ”, nhưng xuyên suốt cuốn sách, sau khi đọc xong, ta thấy, ồ, hai người này, Murakami thật sự đam mê chạy bộ, còn Sepúlveda thì quả là ghét nước Mỹ thật. Sau này, học viết với Ngày Ngày Viết Chữ, anh mới biết đó là một kỹ thuật kể chuyện, gọi là Show not tell, nghĩa là người kể sẽ tránh nói thẳng ra ý của mình, họ chỉ đưa ra, chỉ ra, show ra những biểu hiện. Và cách viết này, anh học tập để viết Cơ Trưởng Từ Buồng Lái.
Vừa rồi là 3 tác giả tác phẩm giúp anh hoàn thiện kỹ năng chia sẻ của mình.
Trâm Bi: Mọi cuốn sách, mọi tác giả, đủ mọi thể loại đã gợi cảm hứng cho Trâm chia sẻ nhiều hơn. Đây có vẻ như là một câu trả lời quá chung chung, nhưng sự thật là như vậy. Bởi vì giống như lúc nãy Trâm có đưa ra ví dụ về 3 cuốn sách, mỗi cuốn là một cách kể, một cách chia sẻ. Và Trâm biết ơn mọi cuốn sách hay đến với Trâm, mọi tác giả sách đến với Trâm, đủ mọi thể loại, gợi cảm hứng cho Trâm chia sẻ nhiều hơn, bởi vì họ đã chia sẻ ý tưởng của họ, câu chuyện của họ, và khiến Trâm thấy rằng mọi ý tưởng, mọi câu chuyện đều xứng đáng được chia sẻ, chỉ là theo cách nào mà thôi.
Nhưng đặc biệt trong thời gian gần đây, Trâm đã có lần nhắc trong các tập podcast trước của mình, cuốn sách Show Your Work – Nghệ Thuật PR Bản Thân (tác giả: Austin Kleon). Đây chính là cuốn sách gần nhất gợi cảm hứng cho Trâm chia sẻ nhiều hơn, bởi vì tác giả nói về việc những người làm sáng tạo nói chung – có thể là nghệ sĩ âm nhạc, một nhà điêu khắc, hoặc là một nhà sáng tạo nội dung, bất kể là sáng tạo điều gì, miễn là tạo ra được cái gì đó thì mình hãy show điều đó ra, chia sẻ nó với thế giới. Đã qua rồi cái thời mà mình cặm cụi làm hết một mình, đi cả hành trình dài một mình, đến cuối cùng mới show ra cho công chúng biết công trình đó. Trong thời đại này, đó không còn là cách tối ưu, bởi vì quá trình vừa làm vừa chia sẻ tạo ra rất nhiều điều bất ngờ thú vị.
Cuốn sách này, sau khi đọc xong, Trâm note gần như đầy cả cuốn. Nó rất nhỏ và rất nhiều hình ảnh minh họa nên đọc rất nhanh. Nhưng đọc đến đâu Trâm tâm đắc đến đó, Trâm đồng cảm với những ý tưởng, những câu chuyện mà tác giả chia sẻ. Trâm note ra, vẽ trái tim, Trâm nêu suy nghĩ, nhận xét của mình khi đọc đến ý tưởng nào đó, cho nên cuốn này đọc xong không thể tặng lại cho ai bởi vì mình đã note quá nhiều.
Có một câu trích dẫn mà lúc nãy mới lật lại sách, Trâm đã nhìn thấy và muốn dùng nó cho phần trả lời của câu hỏi này: “Đôi khi không phải lúc nào bạn cũng biết mình có gì, và đôi khi bạn cần một chút tương tác với xã hội để nhận ra điều đó.” Đây cũng chính là một trong những sự thật bất ngờ mà Trâm nhận được khi đọc cuốn sách này: khi mình làm điều gì đó hoặc có thứ gì đó, không phải lúc nào mình cũng biết thứ đó giá trị; nhưng khi mình chia sẻ, tương tác với xã hội, mình nói cho nhiều người biết, họ sẽ phản ứng kiểu “Ồ wow cái này hay quá, cái này hay quá”. Lúc đó mình hỏi lại: “Ủa vậy hả? Nó hay thật hả? Nó mới thật hả?”.
Mình là giống loài xã hội, mình cần sự tương tác đó để nhận biết giá trị thật sự của mình nằm ở đâu trong tương quan với những người khác.
Câu hỏi thứ ba: Làm thế nào để chia sẻ điều chỉ một mình mình biết cho “nhiều mình” cùng biết?
Anh Thư Uyển: Chà, câu này hơi khó với anh đấy Trâm, vì từ trước đến giờ anh không chú trọng đến việc cho nhiều người biết về câu chuyện, về tác phẩm của anh, anh viết chủ yếu là cho anh, sau đó là cho một vài bạn thân, một vài độc giả thân thiết chứ không chủ ý cho nó phát triển. Đầu tiên, anh viết trên máy, sau đó thì đưa lên một trang wordpress để tiện truy cập, ở đâu cũng có thể đọc và viết được.
Sau này may mắn được xuất bản sách giấy, anh nhận được rất nhiều lời tư vấn là nên đẩy mạnh tiếp thị, đẩy mạnh quảng bá, nhưng anh toàn làm cho những người tư vấn cho anh phật lòng. Tại vì anh không có động thái nào để quảng bá cuốn sách hết. Lý do chân thật nhất là vì anh thấy đủ rồi. Anh viết câu chuyện của mình ra được một tác phẩm có một hai ba mươi người thân thiết, gia đình, bạn bè đọc được, là mình thấy vui rồi, không mưu cầu thêm gì hơn. Dĩ nhiên, càng có nhiều người đọc thì mình càng vui, nhưng mình cũng không chủ đích quảng bá làm gì. Nếu nó hay thì nó tự động có người đọc, anh nghĩ là như vậy.
Nên để trả lời làm sao cho nhiều người biết câu chuyện của mình thì chắc anh không phải người biết câu trả lời. Anh nghĩ tác giả nào biết làm việc đó là những người có một độ nhạy nhất định về xu hướng, marketing, về thị trường, họ sẽ làm việc đó tốt hơn so với những người chỉ biết viết thôi. Anh chắc là anh chỉ biết kể câu chuyện của mình dưới dạng viết thôi, nên anh chỉ cố gắng viết đúng nhất, thật nhất câu chuyện của mình là đủ rồi.
Trâm Bi: Thật ra câu hỏi này mang tính chất là một câu hỏi mở và Trâm nghĩ ra dành cho khách mời nhiều hơn cho cá nhân mình. Bởi vì điều chỉ một mình mình biết là trải nghiệm làm phi công, làm cơ trưởng của anh Thư Uyển là điều gần như rất ít người biết.
Còn cá nhân Trâm lúc đặt ra câu hỏi này đã tự đi hỏi mình là có một trải nghiệm nào chỉ một mình Trâm biết mà nhiều người khác không biết để Trâm có thể chia sẻ lại. Sau một hồi suy nghĩ thì đáp án của mình chính là những câu chuyện Trâm được nghe chia sẻ, tâm tình từ những người mà Trâm khai vấn.
Đó là những câu chuyện rất riêng tư, rất cá nhân, nhưng đâu đó Trâm vẫn nhìn thấy những thông điệp truyền cảm hứng sống tích cực và Trâm có kể lại những câu chuyện đó (tất nhiên đã bảo mật thông tin cho người kể). Trải nghiệm mà họ đã vượt qua khó khăn, những trải nghiệm giúp họ đạt được thành tựu, những điều tuyệt vời mà người khác có thể học hỏi, Trâm sẽ kể lại trên trang blog của mình (Trambi.vn).
Blog của Trâm có một mục đặt tên là Sống – trong đó Trâm kể lại những câu chuyện góp nhặt được qua từng buổi khai vấn và chia sẻ lại. Đây chính là điều mà một mình Trâm biết và kể lại cho nhiều người cùng biết. Chính vì vậy, đáp án của Trâm cho câu hỏi này là Viết blog.
Có thể với người khác, họ chia sẻ bằng nhiều cách, nhưng với Trâm trong tình huống này thì Trâm viết blog, sau đó Trâm sẽ gửi cho người bạn đã chia sẻ câu chuyện đó với Trâm. Thường mọi người sẽ rất bất ngờ: “sao câu chuyện của mình lên hay như vậy?” Đó cũng là một lý do khi họ chia sẻ câu chuyện của họ cho mình rồi mình viết ra, họ mới thấy câu chuyện đó nhân văn, ý nghĩa và tích cực như thế nào. Còn khi họ không nói ra, chỉ giữ ở trong lòng, thì nó không được rành mạch và đôi khi làm họ bối rối.
Một khi họ giãi bày ra, họ không những cảm thấy nhẹ đầu, nhẹ lòng mà còn được nhìn thấy câu chuyện của mình qua bàn tay ai đó (như bàn tay Trâm) được dệt thành một tấm vải đẹp. Mối tơ vò trong lòng họ được rút ra, trao cho mình đan dệt thành một tấm vải đẹp hơn, thú vị hơn và đem lại sự bất ngờ cho chính con người đã sở hữu trải nghiệm đó.
Qua câu trả lời này, Trâm một lần nữa tự nhắc nhớ bản thân mình rằng việc chia sẻ rất giá trị, không chỉ cho người chia sẻ mà còn cho người nghe chia sẻ và nhiều người khác nữa.
Câu hỏi thứ tư: Nếu là một người hướng nội, không thích xuất hiện rình rang thì mình có cần chia sẻ hay không?
Anh Thư Uyển: Kể với Trâm và thính giả suy nghĩ này của mình. Mỗi khi nghe podcast Sách và Sống của Trâm và các khách mời thì mình đều nghĩ rằng: đây là một dạng mới của hướng nội. Nghĩa là có khách mời trả lời chung một câu hỏi, nhưng mỗi người ở một góc riêng để trả lời. Quả là một podcast hướng nội!
Quay trở lại câu trả lời của mình, anh nghĩ là chắc au cũng cần phải chia sẻ, bất kể hướng nội hay hướng ngoại. Vài năm gần đây, anh gặp rất nhiều người xung quanh anh, bạn bè anh, có vấn đề về tâm lý: bị rối loạn lo âu, bị trầm cảm, con số này anh thấy ngày càng nhiều.
Với tư cách là một người thân, một người bạn, anh cũng cố gắng gặp họ, ít nhất là để nghe họ nói, tâm sự chuyện của họ. Sau khi gặp một vài người, trong vài năm gần đây, anh thấy có một điểm chung giữa những người có vấn đề tâm lý, đó là họ không biết cách kể nỗi lòng của mình ra ngoài.
Ví dụ như vấn đề của họ có A B C D, nhưng họ chỉ nói được A thôi, hoặc nói được B thôi, họ không tìm được cách giãi bày A B C D trong lòng họ. Điều này làm họ bị ức chế, tổn thương bên trong, ngày này qua ngày khác gây ra bệnh. Nó cho thấy rằng mình cần phải biết chia sẻ, mình rất cần chia sẻ, nhất là trong thời đại dễ gây trầm cảm như hiện nay.
Nếu mình không biết chia sẻ thì mình buộc phải có người hiểu mình, có người nghe mình, có bác sĩ chẩn đoán bệnh cho mình. Nếu không, mình sẽ dẫn đến dùng thuốc, dùng bia rượu, và anh biết còn có người dùng các chất cấm chỉ để khi họ đưa chúng vào người, họ có thể lột được mặt nạ của họ ra, họ không ngại nữa, họ có thể nói được những lời từ đáy lòng, và họ cảm thấy thoải mái. Đó là lý do tại sao anh nghĩ ai cũng cần phải chia sẻ.
Trâm Bi: Khi đặt ra câu hỏi này, từ khóa đầu tiên xuất hiện trong đầu Trâm chính là: hướng nội. Trâm không biết là anh Thư Uyển có sử dụng cái nhãn “hướng nội” để tự gắn cho mình hay không, nhưng cá nhân Trâm thì lại rất hay dùng cái nhãn này để gắn cho mình. Trâm từng nói về chủ đề hướng nội này rồi cho nên Trâm cũng không nói nhiều hơn, nhưng khi Trâm làm series Yêu sách và làm podcast cũng là một cách để Trâm chia sẻ theo hình thức hướng nội, bởi cả Trâm lẫn khách mời đều không cần phải xuất hiện, không cần lộ mặt và cả hai chia sẻ độc lập chứ không trao đổi qua lại để tác động lên câu trả lời của nhau.
Đây chính là một cách để Trâm trả lời cho câu hỏi này, đó là: bất kỳ người nào cũng cần chia sẻ, không kể là hướng nội hay hướng ngoại, không kể là hướng nội/hướng ngoại bao nhiêu phần trăm. Bởi vì nếu là một người hướng nội giống như Trâm thì Trâm sẽ chia sẻ bằng một cách rất hướng nội, chẳng hạn như không lộ mặt chỉ xuất hiện giọng nói và không xuất hiện trước đám đông quá vài trăm người, nhưng chia sẻ trong những nhóm thân tình, trong những buổi gặp gỡ “trà dư tửu hậu” với bạn bè, trong những buổi cà phê, trong những buổi ăn trưa, trong những buổi nói chuyện một-một. Đó chính là những cách Trâm chọn để chia sẻ khi Trâm tự nhận là một người hướng nội.
Có thể là người khác nhìn thấy, họ không nghĩ Trâm hướng nội, họ nghĩ Trâm hướng ngoại, đấy cũng chỉ là những cách đánh giá chủ quan, không thể nói ai đúng ai sai. Dù sao thì câu trả lời của Trâm cho câu hỏi này đó là; ai cũng cần chia sẻ, hướng ngoại chia sẻ theo cách của hướng ngoại, người hướng nội chia sẻ theo cách người hướng nội.
Bởi vì, như Trâm đã nói, việc chia sẻ dù là bằng cách viết hay cách nói, dù là trò chuyện với người khác hay nói một mình giống như Trâm trước micro, thì chúng ta luôn cần phải chia sẻ để những suy nghĩ trong đầu mình được giải tỏa, được hệ thống hóa. Biết đâu những gì mình chia sẻ sẽ giúp ích được cho ai đó cũng đang có những mối tơ vò tương tự chưa tìm được cách gỡ rối. Trâm nghĩ rằng việc chia sẻ rất có ích, đầu tiên là cho bản thân mình – người chia sẻ, sau đó là cho nhiều người khác nữa.
Tập podcast thuộc series Yêu sách ngày hôm nay với chủ đề Yêu Sách Giúp Trau Dồi Kỹ Năng Chia Sẻ đến đây là kết thúc. Trâm rất hy vọng những ý tưởng cũng như những suy nghĩ, những câu trả lời mang tính tương đối trong tập này của khách mời Thư Uyển và cả Trâm sẽ mang đến cho các anh chị và các bạn một góc nhìn mới mẻ, một gợi ý thú vị để nếu như các anh chị và các bạn cũng đang có những mối bận tâm về kỹ năng chia sẻ này có thể tham khảo và dùng nó làm một gợi ý để chia sẻ nhiều hơn, hiệu quả hơn và mang đến cho nhau những nguồn năng lượng tích cực thông qua việc chia sẻ – bằng cách viết, bằng cách nói chuyện, bằng các làm podcast, bằng bất kỳ cách nào – để chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau, có thể tiến đến gần nhau hơn và giúp đỡ nhau nhiều hơn. Từ đó cuộc sống của chúng ta sẽ thú vị hơn, đa dạng và tràn đầy màu sắc hơn.
Cảm ơn anh Thư Uyển đã nhận lời tham gia tập podcast hôm nay với Trâm và các thính giả của kênh podcast Sách và Sống – Hôm nay Trâm nghe. Hẹn gặp lại các anh chị và các bạn cũng vẫn vào lúc 6 giờ tối thứ Sáu hằng tuần trên kênh podcast Sách và Sống – Hôm nay Trâm nghe.