Chào mừng các anh chị và các bạn đến với tập 29 của Podcast Sách và Sống – Hôm nay Trâm nghe.
Tập podcast này được Trâm thu âm vào một đêm thanh vắng, giống như những tập đầu tiên của podcast. Bởi vì gần cuối ngày, thường mình sẽ tìm ra những thông điệp đọng lại, nếu cảm thấy nó xứng đáng được chia sẻ thì mình sẽ đem nó vào trong podcast.
Dần dần sau này, Trâm bắt đầu thu podcast vào bất cứ lúc nào Trâm có ý tưởng, nhưng Trâm vẫn luôn nhớ những tập đầu tiên được thu vào ban đêm giống như cụm từ Trâm hay gọi là “Thanh dạ văn chung – những tiếng chuông trong đêm thanh vắng”.
Hôm nay là một ngày rất đặc biệt. Bởi vì Trâm đã trải qua một cú sốc tinh thần gần như là lớn nhất trong vòng mấy chục năm sống trên đời này. Cũng chính vì nó là một cú sốc lớn nên nó đem lại cho mình rất nhiều bài học mà Trâm muốn thu âm lại, để đầu tiên là chia sẻ với các bạn – những người có thể cũng đang hoặc vừa mới trải qua một cú sốc – sẽ cảm thấy mình không cô đơn hoặc có thêm một nguồn cảm hứng nào đó để vượt qua nó nhanh hơn.
Tựa đề của tập Podcast này có tên là Quân Bài Xấu. Cách ví von quân bài xấu hay tốt này, Trâm học được từ các nhà triết học Khắc kỷ như Marcus Aurelius, Seneca cũng như những người trẻ theo trường phái khắc kỷ như Ryan Holiday. Họ nói rằng: khi định mệnh, khi tạo hóa ban cho chúng ta một vài quân bài nào đó, chúng ta buộc phải chơi với quân bài đó.
Hôm nay, khi trải qua một cú sốc lớn đến nỗi Trâm cảm thấy như mình có thể đột quỵ vì nó. Bởi vì Trâm đã từng biết các trường hợp những người bị tai biến, dây thần kinh của họ chịu ảnh hưởng nặng, khiến họ co giật hoặc méo miệng. Trâm chưa bao giờ trải qua tình huống đó, nhưng hôm nay khi biết được cú sốc đó, Trâm cảm thấy tay chân mình như co quắp lại và cơ mặt dường như cũng bị thay đổi. Nó làm Trâm sợ hãi vô cùng.
Trâm không tiện chia sẻ câu chuyện cá nhân này, nhưng các bạn có thể hình dung là trong 30 năm cuộc đời Trâm chưa từng gặp phải cú sốc nào giống như vậy. Khi đó, điều đầu tiên Trâm nghĩ ra trong đầu mình, đó là lời oán trách.
Trâm không biết oán trách ai cả – nếu oán trách bản thân mình thì mình sẽ bị dằn vặt; cũng không thể oán trách người khác vì người khác là ngoại cảnh. Vì không biết phải oán trách ai hết nên Trâm đã oán trách… Thượng Đế, oán trách định mệnh, oán trách vũ trụ, rằng tại sao lại chia cho tôi một quân bài xấu như vậy?
Ngay khoảnh khắc thốt nên lời oán trách đó, Trâm đã tự trách bản thân mình rồi. Tại sao lại đi oán trách định mệnh – một thực thể mà mình không nhìn thấy được. Trâm đã tự lý giải rằng, bởi vì thực thể này không thể phản biện lại mình được nên mình cứ oán trách thoải mái.
Nhưng khi nghĩ đến những điều tiêu cực phải trải qua, Trâm luôn muốn tự hỏi rằng: “Why always me?” Tại sao không phải ai khác mà cứ phải là tôi? Tại sao luôn luôn là tôi? Rồi khi Trâm nghĩ về những điều may mắn của người khác, Trâm lại hỏi: “Why not me?” Tại sao không phải là tôi nhận lãnh điều may mắn đó mà lại là người khác?
Lúc đó, mình tự nhìn thấy vấn đề của mình. Mình nhận thấy là mình đang muốn đổ lỗi. Mình không muốn chịu trách nhiệm về vấn đề của bản thân mình. Trâm quyết định quay trở lại với những triết lý, những hệ giá trị mà mình đã từng tin tưởng. Đó là: mình không thể nào kiểm soát ngoại cảnh được, mình chỉ có thể kiểm soát bản thân mình thôi. Mình chỉ có thể quyết định thái độ tiếp cận với vấn đề và cách mình suy nghĩ về vấn đề đó. Trâm nhận ra rằng dù Trâm được chia quân bài xấu hay tốt, Trâm đều phải chơi với nó. Trâm không thể nói rằng quân bài này xấu quá! Thôi chơi lại! Mình chỉ có thể tìm cách để chơi với quân bài đó.
Mặc dù chỉ cách đó vài tiếng thôi, Trâm đã nghĩ rằng tại sao lại chia cho tôi quân bài xấu quá, tôi phải chơi với nó như thế nào? Nhưng bây giờ khi đã bình tĩnh lại, Trâm nhận ra mình phải chơi thôi. Mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chơi với nó.
Đó là bài học đầu tiên sau cú sốc!
Bài học thứ hai thuộc về một đẳng cấp cao hơn, đó là mình cần bình tĩnh suy xét lại đây có thật là một quân bài xấu hay không. Mình có thể thay đổi cách chơi để biến nó thành một quân bài tốt, cũng như có thể thay đổi cách nhìn nhận để nhìn thấy được đây không phải là một quân bài xấu. Biết đâu quân bài này sẽ dẫn mình đến những nước đi mới mà trước giờ mình chưa nghĩ tới. Và biết đâu quân bài này sẽ đem đến cho mình những thử thách mới mà mình buộc phải trải qua thì mới có thể “tốt nghiệp” được một bài học nào đó có ý nghĩa cho cuộc đời mình.
Đây chính là bài học thứ hai mà Trâm học được trong tình huống này!
Bài học thứ ba: không biết các bạn có còn nhớ một tập podcast của Trâm tên là “Thế Giới Này Có Cần Những Chiến Binh Hay Không?” Trâm thấy tự xấu hổ với mình khi bản thân luôn nói về tinh thần chiến binh và luôn muốn thực hành tinh thần chiến binh, nhưng khi đối diện với thử thách của cá nhân mình, mình cư xử như một “cọng bún thiu”, mình cư xử như một người chưa từng ra chiến trường bao giờ. Bài học thứ ba mà Trâm thu nhặt được trong tình huống này, đó là mình phải giả vờ như thể mình là một chiến binh!
Có một lý thuyết cho rằng, không những tinh thần tác động đến thể chất, mà biểu hiện cơ thể của mình cũng tác động đến tinh thần của mình. Trâm đã từng thực hành bài tập này và cảm nhận rất rõ. Ví dụ, thông thường khi buồn, chúng ta sẽ nhìn xuống chứ không nhìn lên. Khi bị down mood thì cơ thể của mình sẽ có xu hướng nhìn xuống chứ không nhìn lên. Trong một khóa học của mình, thầy yêu cầu tụi mình thực hành ngước mặt lên trời và lặp đi lặp lại câu: “Tôi đang buồn quá!” và ngược lại, cúi gằm mặt xuống đất và lặp lại câu: “Tôi đang vui quá!”.
Các bạn sẽ thấy rằng nó sai sai, rất khó thực hiện. Rất khó khi đang buồn mà phải nhìn thẳng lên trời; cũng rất khó khi đang vui mà phải nhìn xuống đất. Cho nên mình học được một bài học là, nếu muốn bớt buồn hãy nhìn lên trên, và ngược lại, muốn bớt vui hơn hãy nhìn xuống. Có nghĩa là, mình sử dụng biểu hiện của cơ thể để đánh lừa tâm trí của mình. Ban đầu là đánh lừa, nhưng dần dần, cơ thể và tâm trí của mình sẽ khớp vào với nhau.
Bài học thứ ba mình nhận ra trong tình huống này là mình phải giả vờ mình là một chiến binh!
Dù bên trong mình rất sợ hãi, dù bên trong mình rất yếu đuối nhưng phải giả vờ như mình rất mạnh mẽ. Phải giả vờ cho đến khi điều mình giả vờ trở thành sự thật.
Vừa rồi mình có tham gia một trại về phát triển bản thân thì mình đã vượt qua rất nhiều điều mà trước giờ mình nghĩ đó là rào cản của mình. Chẳng hạn như bình thường, khi mình bị mất ngủ dù chỉ một đêm, sang hôm sau mình sẽ rất mệt mỏi và không tập trung được vào việc gì. Nhưng khi tham gia trại phát triển bản thân đó, đêm đầu tiên mình chỉ ngủ được 3-4 tiếng, và đêm thứ hai mình chỉ ngủ được 20 phút. Nhưng ngày hôm sau mình vẫn rất tỉnh táo và sáng suốt đối với các nhiệm vụ cần sự tập trung. Mình cảm thấy khả năng của mình có thể phát triển đến vô hạn nếu mình trui rèn nó, nếu mình đẩy giới hạn của nó ra xa, mình có thể phá vỡ “cái kén” của mình – chính là giới hạn mà trước giờ mình vẫn tin rằng mình ở trong đó.
Giờ đây, khi giả vờ mình là một chiến binh, sớm muộn gì mình cũng sẽ trở thành một chiến binh thực thụ. Câu chuyện về cú sốc của Trâm gợi Trâm nhớ đến nhân vật Batman mà Trâm từng kể trong tập Podcast “Tìm Cảm Giác Trái Đất Vẫn Quay. Trâm kể về tình huống Batman được cảnh sát trưởng quàng cho chiếc áo choàng vào thời khắc mà cậu bé Batman lúc đó chứng kiến cha mẹ bị sát hại trước mặt mình. Đó là tình huống rất kinh khủng đối với một người trưởng thành chứ đừng nói là với một đứa trẻ. Khoảnh khắc Batman được cảnh sát trưởng quàng chiếc áo, cậu đã bình tâm lại và biết rằng trái đất vẫn quay.
Bây giờ trong tình huống của cá nhân mình, Trâm cũng thấy như vậy. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, Trâm không thể nào cũng như Batman, chỉ dựa vào chiếc áo choàng đó được. Chưa kể đến tình huống là mình có cái áo đó hay không, nhưng chiếc áo đó chỉ có thể sưởi ấm tâm hồn Batman trong một giây phút, để nhân vật này phát triển thành một người anh hùng, trở thành một chiến binh theo đúng nghĩa đen (vì anh này có đi xa xứ để luyện võ cũng như rất nhiều những bài tập gian khổ để sau này quay về thị trấn Gotham), thì nghị lực và ý chí tinh thần của Batman cũng như những người đang phải đối diện với khó khăn mới chính là chỗ dựa vững chãi nhất, an toàn nhất mà mỗi người chúng ta nên tự trang bị cho mình.
Tất cả những bài học mà Trâm vừa chia sẻ với các bạn: Một là phải chơi với quân bài được ban cho, dù đó là quân bài xấu hay tốt; hai là phải thay đổi cách nhìn về quân bài đó vì chưa chắc nó đã là quân bài xấu; và ba là mình phải giả vờ mình là một chiến binh, phải giả vờ mình là một người mạnh mẽ cho đến khi nó trở thành sự thật – tất cả những bài học này, Trâm đều đã biết trong quá khứ, về mặt lý thuyết, không có bài học nào trong số này là mới mẻ với Trâm. Nhưng có những bài học cứ lặp đi lặp lại, và có những thông điệp mà nếu không có tình huống thực tế xảy ra, mình sẽ thấy nó rất sáo rỗng, rất lý thuyết.
Cho nên, nếu các bạn đang nghe tập Podcast này mà từng trải qua cú sốc nào lớn đến mức muốn đột quỵ, muốn buông xuôi, muốn oán trách số phận, muốn chạy trốn, thì hy vọng các bạn hiểu rằng các bạn không cô đơn. Ít nhất, các bạn cũng đã nhìn thấy một tình huống tương tự – là Trâm. Trâm mong rằng mình có thể sưởi ấm chút nào đó đối với những tâm hồn cảm thấy cần một chiếc áo choàng giống như Batman thời thơ ấu. Nhưng hãy nhớ rằng nó chỉ là nhất thời, về lâu về dài, chỉ có chính mình mới sưởi ấm được bản thân mình, mới trở thành chỗ dựa vững chắc cho mình.
Không biết những điều Trâm chia sẻ có mang lại lợi ích gì cho các bạn hay không. nhưng hiện tại khi đã nói ra được những bài học này, cá nhân Trâm đã cảm thấy nhẹ lòng, thông suốt hơn về tình huống này, câu chuyện này, và về chính bản thân mình.
Cảm ơn các bạn đã lắng nghe Podcast này – một tập podcast không có “sách” mà chỉ có “sống thôi. Nhưng nó chính là một tập podcast mang lại rất nhiều lợi ích cho Trâm, hy vọng nó cũng mang lại lợi ích cho một ai đó.
Chúc các bạn ngủ ngon!
Ngoài Spotify và Apple Podcasts, các bạn cũng có thể nghe podcast Sách và Sống tại app Fonos, Maika và nhiều nền tảng podcast khác.