Tựa sách có liên quan đến những điều Trâm chia sẻ trong tập podcast Sách và Sống thứ 63 này là Lời Của Nietzsche Cho Người Trẻ của tác giả Shiratori Haruhiko và Cuộc Sống Nhìn Từ Ô Cửa Thiền của tác giả Vô Thường.
Có những thời điểm trong đời, Trâm nhận ra mình đang “sống cùng sách” một cách rất tự nhiên. Một dạo, buổi sáng, Trâm nghe sách Lời Của Nietzsche Cho Người Trẻ, do tác giả Shiratori Haruhiko chép lại lời của Nietzsche – một triết gia được mệnh danh là “triết gia của mặt đất”; còn buổi tối, trước khi đi ngủ, lại tìm đến một cuốn sách từ triết lý nhẹ nhàng của nhà Phật mang tên Cuộc Sống Nhìn Từ Ô Cửa Thiền của tác giả Vô Thường. Bạn có thể tìm mua để đọc các tác phẩm tại đây và tại đây. Tìm thêm nhiều tựa sách hay tại Tiệm yêu sách.
Hai tựa sách – hai nhịp sống – hai trạng thái tâm hồn. Và thật kỳ lạ, chúng đều là những cuốn “chép lại lời của người khác”: Nietzsche qua ngòi bút của tác giả Nhật Bản Shiratori Haruhiko, và Đức Phật qua góc nhìn giản dị của tác giả lấy bút danh Vô Thường. Cả hai đã giúp Trâm nhận ra vai trò quan trọng của những “bộ lọc” – những người chuyển hóa tư tưởng vĩ đại thành thông điệp dễ chạm vào lòng người.
Nietzsche truyền cảm hứng bằng sự khích lệ tư duy tự do, sự khao khát sống đầy nội lực. Vào mỗi sáng, khi nghe những lời được biên soạn lại một cách có hệ thống theo chủ đề như: tình yêu, ý chí, khát vọng, tri thức…, Trâm cảm thấy mình được nhắc nhớ về những giá trị sống tích cực. Chúng như một chiếc công tắc “bật sáng” năng lượng tuổi trẻ, đánh thức lòng nhiệt thành để bắt đầu ngày mới.
Ngược lại, vào mỗi tối, cuốn Cuộc Sống Nhìn Từ Ô Cửa Thiền lại như một dòng nước mát – giúp Trâm trở về với chính mình bằng sự tĩnh lặng, thấm nhuần tính thơ và lòng từ bi. Một trong những trích đoạn Trâm tâm đắc nhất trong tập này là thông điệp về nỗi sợ – được viết như những bài thơ nhẹ nhàng:
“Có người sợ lòng người rộng mà không dám đi qua…
Có người sợ sự cô độc nên cả đời đi mãi về phía đám đông…”
Nghe xong đoạn này, Trâm chợt nhận ra: mình sợ đủ cả 7 nỗi sợ đó. Nhưng thay vì để chúng níu chân, Trâm chọn cách bỏ chữ “không dám” và thay bằng chữ “dám”. Dám mở lòng, dám tĩnh lặng, dám nói điều cần nói, dám ngưng chạy theo đám đông… Đó là một giải pháp đơn giản, nhưng đầy sức mạnh để bước qua những nỗi sợ thường tình.
Bên cạnh đó, Nietzsche gợi mở Trâm khắc ghi ba điều kiện để có suy nghĩ chín chắn:
-
Giao tiếp với người khác
-
Đọc sách
-
Có lòng nhiệt thành
Cả ba điều này đều là thứ Trâm đang trải nghiệm mỗi ngày. Khi Trâm trò chuyện với người khác, những điều rối rắm trong đầu bỗng trở nên rõ ràng hơn. Khi đọc sách, Trâm được “đối thoại” với nhiều tư tưởng lớn. Và lòng nhiệt thành giúp Trâm giữ được sự sống động trong từng việc mình làm – kể cả việc thu âm một tập podcast để chia sẻ lại những điều trong tâm trí mình.
Trâm xin phép trích một câu nói của Nietzsche để kết thúc tập podcast này, như một lời tự nhắc nhở:
“Hãy khôn ngoan và hãy giữ niềm vui trong con tim, vì đây là việc quan trọng nhất trong cuộc đời con người.”