Chào mừng các anh chị và các bạn đến với tập 16 của Podcast Sách và Sống – Hôm nay Trâm nghe. Chủ đề hôm nay Trâm muốn chia sẻ với các bạn được thể hiện dưới dạng một câu hỏi, đó là: Tại Sao Có Những Người Luôn Muốn Gì Được Đó?
Chủ đề này nảy ra trong đầu Trâm sau khi Trâm nghe lại một cuốn sách nói của Robin Sharma có tên Đời Ngắn Đừng Ngủ Dài, trong đó có một thông điệp Trâm rất tâm đắc bởi nó có nhiều điểm chung với một số sự kiện xảy ra gần đây xung quanh Trâm và cả bạn bè của Trâm.
Thông điệp này như sau: “Sẽ chẳng có gì xảy ra cho đến khi bạn đòi hỏi, bởi có ai đọc được tâm trí bạn đâu. Họ cần biết điều gì có ý nghĩa với bạn, và nếu bạn đòi hỏi một cách đàng hoàng, họ sẽ không từ chối.”
Trâm nghe đi nghe lại điều này nhiều lần để đủ thấm cũng như đủ cảm hứng cho việc xây dựng một chủ đề, một kịch bản và thu âm tập podcast này. Tại sao có những người muốn gì được nấy? Lý do ở đây rất đơn giản: bởi vì họ đòi hỏi. Bởi vì họ đòi nên họ mới được. Có 3 keyword ở đây: Muốn. Được. Và Đòi hỏi. Trâm sẽ đi theo từng cái một để liền mạch và dễ hiểu hơn.
“Sẽ chẳng có gì xảy ra cho đến khi bạn đòi hỏi” – nghe có vẻ đơn giản, nhưng thật ra không dễ để chúng ta nhận ra những điều này trong cuộc sống thường ngày của mình. Trâm lấy một ví dụ đơn giản đó là khi một nhóm bạn quyết định đi chơi hoặc tới một quán ăn nào đó. Nhóm có khoảng 4, 5 người, nhưng ai cũng “sao cũng được”, duy chỉ có một người nói muốn ăn sushi ở quán X. Thế là cả nhóm đi theo bạn ấy, bạn ấy đạt được mong muốn. Những người kia vì không đưa mong muốn của mình nên không đạt được điều gì. Bởi vì người bạn muốn ăn sushi đã đưa ra mong muốn của mình, và đưa ra một cách cụ thể là ăn sushi ở tiệm X nên bạn ấy đã đạt được. Có thể nếu như mình ở trong nhóm bạn đó, sau khi đi ăn về mình sẽ nghĩ: “Tại sao người bạn kia lại muốn gì được nấy như vậy?” Lúc đó mình sẽ cảm thấy câu hỏi đó hơi ngớ ngẩn, nhưng để tìm được câu trả lời và áp dụng câu trả lời vào những tình huống khác sau này thì không hề đơn giản.
Lý do nằm ở vế thứ hai của câu trích dẫn Trâm chia sẻ bên trên: “bởi có ai đọc được tâm trí bạn đâu.” Nếu mình thích ăn sushi hay đồ Thái, đồ Nhật hay đồ Âu, chẳng ai biết cả. Nếu mình không nêu ra mong muốn của mình, làm sao người ta có thể đi guốc trong bụng mình được? Người ta có thể sẽ nghĩ bạn A thích ăn đồ Thái, bạn B thích đồ Âu, bây giờ không biết nghe theo người nào. Có phải lúc đó người được đáp ứng chính là người đã nói lên mong muốn của mình hay không?
“Thế giới này không hiển nhiên hiểu rõ chúng ta, cho nên họ cần biết được điều gì có ý nghĩa với bạn.” – đây là vế thứ ba trong câu trích dẫn. Không một ai hiểu được tâm trí bạn, thế giới này không đọc được tâm trí bạn, nhưng họ cần biết điều gì có ý nghĩa với bạn. Lẽ dĩ nhiên, nhu cầu của họ là cần biết điều đó. Trong ví dụ về nhóm bạn ở trên, cả nhóm đều cần đi ăn và cần biết nhu cầu của từng người. Trong tình huống lý tưởng thì cả nhóm sẽ cùng muốn ăn chung một món, nhưng thực tế hiếm có chuyện này xảy ra.
Có một tình huống Trâm vừa trải qua gần đây khiến Trâm khá hào hứng với thông điệp này. Trâm được tham gia đi du lịch cùng một nhóm bạn. Trước ngày đi, mọi người có hỏi nhau là muốn đi đâu, không ai nêu một địa điểm nào cụ thể và thế là Trâm đã đưa ra ý kiến là Trâm muốn đi tới bảo tàng đó, triển lãm đó, bãi biển đó. Kết quả là không những trong chuyến đi đó mà rất nhiều lần khác, khi Trâm nêu ra mong muốn thì sẽ được đáp ứng ngay. Sau chuyến đi, vài người bảo nhau: “Chuyến đi này giống như là dành riêng cho Trâm vậy. Bởi vì Trâm thích đi đâu thì mọi người sẽ dẫn đi đó.” Trâm vừa cảm thấy đúng, vừa cảm thấy không đúng lắm. Vì đâu có ai bị từ chối nhu cầu nào? Mọi người không nêu ra nhu cầu của bản thân, mọi người không đòi hỏi. “Đòi hỏi” ở đây không mang nghĩa tiêu cực như là sự vòi vĩnh, nó chỉ đơn giản là nói ra nhu cầu của mình.
Và cuối cùng, cách để nêu ra nhu cầu đó chính là vế thứ tư trong trích dẫn: “nếu bạn đòi hỏi một cách đàng hoàng, họ sẽ không từ chối.” Cách mà chúng ta đòi hỏi cũng rất quan trọng. Ví dụ như một đứa bé quẫy đạp, ăn vạ để có được món đồ chơi nào đó, thì đây là cách đòi hỏi không phù hợp. Nhưng đổi lại nếu nó nói ra mong muốn của mình một cách văn minh và đàng hoàng thì ba mẹ sẽ không nỡ từ chối. Chẳng hạn nếu thích đồ chơi siêu nhân, nó có thể nói một cách bình tĩnh rằng nó thích món đồ chơi siêu nhân, kèm theo lý do ví dụ như: “Hôm trước sinh nhật con, ba mẹ đã hứa tặng quà cho con, nhưng ba mẹ bận quá đã quên” hoặc “Con vẫn còn tiền lì xì của năm nay chưa dùng đến, nếu ba mẹ mua cho con thì về nhà con sẽ trả lại cho ba mẹ.” Nói chung nếu chúng ta trình bày một cách đầy đủ, rõ ràng mong muốn của mình, nếu nó hợp lý, thế giới này sẽ không từ chối.
Nghĩ lại trong những chuyến đi mà Trâm đã nêu ra nhu cầu và thường được đáp ứng thì cũng tương tự như vậy. Trâm không dùng thái độ bắt buộc phải tới chỗ này, không đi là không được. Trâm sẽ nói: “Nếu mọi người chưa có địa điểm nào muốn đi, thì Trâm quan tâm tới chỗ này.” Thật ra đây cũng là một đề nghị win-win thôi, mọi người có một trải nghiệm đi trong khi danh sách địa điểm chưa có gợi ý nào, khi Trâm nêu ra nguyện vọng, mọi người thấy thuận tiện, phù hợp, và đưa nó vào trong lịch trình của cả nhóm. Nó khiến Trâm vui và mọi người cũng vui.
Tóm lại, để trả lời cho câu hỏi: Tại sao có những người luôn muốn gì được nấy, Trâm có 3 keyword chính:
Đầu tiên là Muốn: mình phải thực sự mong muốn. Nói ra nghe có vẻ đơn giản nhưng thật ra cũng không dễ dàng vì có những người không thật sự biết bản thân muốn gì. Việc mong muốn là rất quan trọng. Chúng ta thường nói, khi ta gieo một hạt mong muốn vào trong vũ trụ thì vũ trụ sẽ đáp lại lời mình. Câu này mang hơi hướng tâm linh nhưng thật ra lại rất khoa học. Ví dụ như hiện tại mình đang muốn đi Đồng Nai. Khi mình biết mình muốn và xác định địa điểm cụ thể thì khi chọn phương tiện (máy bay, xe đạp, xe máy hay xe buýt) rất đơn giản. Chúng ta có thể loại trừ những phương án bất khả thi và dễ dàng đưa ra quyết định để đi tới đích cần đến. Trong thời đại mà chúng ta rất dễ mắc hội chứng FOMO, sợ bỏ lỡ một thông tin nào đó, chúng ta dễ rơi vào trạng thái quan tâm đến tất cả mọi thứ, rồi đến cuối ngày lại không biết mình thật sự muốn gì. Giữa muôn vàn lựa chọn trong 24 giờ, khi đêm xuống, ngồi nhìn lại, chúng ta thấy mình muốn mỗi thứ một chút, chúng ta muốn điều này nhưng lại sợ bỏ lỡ điều kia, rốt cuộc chẳng biết mình muốn gì.
Gần đây Trâm thường làm một bài toán mang tên “Pros and Cons”– vẽ ra 2 đường gồm điểm thuận lợi và điểm khó khăn, điểm mạnh và điểm yếu của lựa chọn này là gì để ra quyết định. Nếu không thì sẽ không có căn cứ để lựa chọn. Điều này có nghĩa là mong muốn của Trâm chưa đủ lớn, bởi nếu nó đủ lớn, Trâm sẽ không cần vẽ mind map hay so sánh gì.
Keyword thứ hai là Đòi Hỏi: Sau khi xác định được mong muốn, chúng ta phải đòi hỏi, phải nói cho thế giới biết rằng tôi muốn điều đó. Cần nói ra những gì trong tâm trí mình vì không ai đọc được trong đó nghĩ gì cả. Có nhiều thứ chúng ta hay cho là hiển nhiên. Ví dụ trong tình yêu, khi mình giận, mình nghĩ đối phương phải biết là mình đang giận; khi mình trải qua một ngày tồi tệ, mình nghĩ đối phương phải biết chứ. Nhưng không. Ai cũng có cuộc sống riêng của mình. Ngay cả vợ/chồng, sau khi hoàn thành công việc trở về nhà với nhau, nếu ta kỳ vọng sự thấu hiểu một cách hiển nhiên, chúng ta rất dễ bị vỡ mộng, rất dễ gây tổn thương cho mối quan hệ đó. Vậy nên, hãy cố gắng hết sức để bộc lộ tâm trí của mình cho thế giới, cho người mình yêu, cho những người quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Bởi họ cần biết đâu là điều có ý nghĩa trong cuộc đời chúng ta. Họ nên biết được điều đó nhờ vào sự thể hiện của chúng ta chứ không phải nhờ suy đoán hay kỳ vọng. Cuộc sống đã đủ nhọc nhằn rồi, hãy hạn chế làm khó lẫn nhau.
Keyword thứ 3: Được: Nếu chúng ta biết tâm trí mình đang mong muốn điều gì, hãy thể hiện nó ra một cách đàng hoàng, thế giới sẽ không từ chối, chúng ta sẽ có được điều mình muốn.
Trên đây là 3 keyword quan trọng quyết định việc chúng ta sẽ trở thành một người muốn gì được nấy. Trâm hy vọng rằng mô hình: Muốn > Đòi Hỏi > Được sẽ giúp Trâm cũng như các bạn nâng cao tỷ lệ muốn gì được nấy của mình mỗi khi phải ra quyết định – dù là quyết định có ảnh hưởng đến người khác hay chỉ liên quan đến cuộc đời cá nhân của mình.
Ngoài Spotify và Apple Podcasts, các bạn cũng có thể nghe podcast Sách và Sống tại app Fonos, Maika và nhiều nền tảng podcast khác.