Trách móc một cách thanh lịch – con đường chẳng mấy ai đi – Podcast Sách và Sống #30

Tựa sách có liên quan đến những điều Trâm chia sẻ trong tập podcast thứ 30 – Trách móc một cách thanh lịch: Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi (tác giả M. Scott Peck).

Chào bạn đến với tập 30 của Podcast Sách và Sống – Hôm nay Trâm nghe!

Trách Móc Một Cách Thanh Lịch là một ý tưởng được Trâm trích dẫn từ lời của Tony Robbins trong bộ phim tài liệu I Am Not Your Guru (tạm dịch: Tôi Không Phải Bậc Thầy Của Bạn), Đây là bộ phim tài liệu nói về một trong những khóa học của Tony Robbins – một bậc thầy truyền cảm hứng nổi tiếng thế giới. Mình nghĩ nếu bạn là người thường xem các video về phát triển bản thân hoặc clip truyền động lực sống, thì rất nhiều khả năng bạn cũng đã biết vị diễn giả này.

Bộ phim I Am Not Your Guru mình đã xem một lần rồi, mình nhớ rằng mình đã xem nó vào ngày Chủ nhật và nó đã biến ngày hôm đó trở thành một ngày cuối tuần vô cùng ý nghĩa. Mình được truyền cảm hứng bởi cách mà Tony Robbins giúp mọi người phá vỡ đi rào cản niềm tin trong họ để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Là một người rất quan tâm đến chủ đề phát triển bản thân, đồng thời cũng đang thực hành một lĩnh vực mới là Khai vấn phát triển bản thân, Trâm muốn xem lại bộ phim này để một lần nữa nhìn nhận nó dưới góc nhìn mới hơn. Nếu như lần trước Trâm xem với tâm thế là một khán giả bình thường yêu thích lĩnh vực phát triển bản thân, thì bây giờ Trâm xem với tâm thế một người muốn trở thành chuyên gia khai vấn phát triển bản thân, xem một cách chuyên nghiệp hơn, có hệ thống hơn, tập trung vào cách mà Tony Robbins đã làm để giúp mọi người “phá băng” niềm tin giới hạn của mình.

Trong lần xem thứ hai này, Trâm đang xem đến đoạn có một học viên trong khóa học kể về mối bất hòa giữa cô với cha mình, lời kể còn có sự trách móc. Tony Robbins đã giúp cô gái này nhận ra rất nhiều điều. Sau khi đặt nhiều câu hỏi, câu chuyện dần dần hé mở rằng cha của cô gái là người bị phụ thuộc vào chất gây nghiện, dẫn đến những hành vi tiêu cực đối với cô và mẹ cô. Cả cô lẫn mẹ cô đều oán trách người đàn ông này rất nhiều.

Sau khi khai thác, tìm hiểu vấn đề, Tony Robbins nói: “Nếu cô trách cứ cha mình về những rắc rối hay những điều tệ hại, thì cô cũng phải trách ông về những điều tuyệt vời mà ông đã làm cho cô nữa.” Khi chúng ta quy trách nhiệm cho ai đó về những điều tiêu cực, thì chúng ta cũng cần phải quy trách nhiệm cho họ về cả những điều tích cực mà họ đã làm cho chúng ta. Hãy trách móc bằng tâm hồn chứ không phải bằng lý trí. Và hãy trách móc một cách thanh lịch, một cách thông minh, một cách hiệu quả.

Sau đó, Tony Robbins hỏi cô gái: “Bây giờ cô sẽ làm gì tiếp theo?” Cô gái trả lời rằng cô sẽ về nhà nói chuyện với cha mình một cách rõ ràng, thẳng thắn, ôn hòa, nhã nhặn, chứ không phải bằng sự oán giận giống như từ trước đến nay. Tony Robbins đồng ý và nói thêm, cho dù cuộc nói chuyện không đằm thắm, ôn hòa, nhã nhặn như cô mong muốn, cô cũng sẽ cảm thấy rất thanh thản, nhẹ nhàng.

Hơn nữa, cô phải làm điều này thật nhiều lần. Bởi nếu cô chỉ làm có một lần, nó sẽ chỉ giống như một kỹ thuật được chúng ta áp dụng một lần rồi thôi. Tương tự như khi chúng ta tham gia một khóa học phát triển bản thân nào đó, quay trở về và chỉ thực hành những điều đã học đúng một lần thì sự việc vẫn chẳng có gì thay đổi. Chúng ta cần thực hành liên tục. Cô cần có rất nhiều buổi nói chuyện như vậy với cha mình thì mới có thể giúp bản thân cảm thấy nhẹ nhàng hơn, đồng thời biến đổi mối quan hệ trở nên lành mạnh hơn, thanh lịch hơn, sáng suốt hơn, hiệu quả hơn.

Đây chính là một trong những câu chuyện Trâm cảm thấy được truyền cảm hứng đến nỗi muốn dừng bộ phim lại ở đấy, để dành xem tiếp vào hôm sau. Bởi vì nó đã trở thành ý tưởng để Trâm thu âm tập podcast này, với chủ đề: Trách Móc Một Cách Thanh Lịch.

Mặc dù câu chuyện của cô gái vừa kể ở trên liên quan đến tình cảm cha con, tình cảm gia đình, nhưng Trâm cảm thấy nó cũng có thể mở rộng ra cho các mối quan hệ xung quanh, đặc biệt là với những người mà ta thương quý trong cuộc đời – như người yêu, bạn đời, cha mẹ, con cái, bạn bè,… Bất cứ mối quan hệ nào chúng ta cảm thấy yêu thương, chúng ta cũng đều có thể áp dụng thông điệp này.

Bởi vì khi trách móc một ai đó, phần lớn là vì họ có vai trò quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Không cần biết họ đã làm gì để dẫn đến tình huống chúng ta phải trách móc họ, nhưng sự thật là họ không phải một người xa lạ bình thường. Nếu là một người xa lạ bình thường, chúng ta chỉ cần nói vài câu, đối đáp qua lại vài lời là hết chuyện, chúng ta sẽ không trằn trọc, khó chịu, oán trách đến mức phải kể câu chuyện của mình ở một lớp học phát triển bản thân như cô gái trong câu chuyện trên.

Đó là lý do Trâm nghĩ có thể áp dụng thông điệp của Tony Robbins cho tất cả mối quan hệ mà chúng ta thương quý.

Trâm vừa kết thúc một cuốn sách mang tên Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi (tác giả: M. Scott Peck) với tiêu đề phụ là Tâm Lý Học Kinh Điển Về Tình Yêu, Phẩm Giá Và Hành Trình Trưởng Thành Tinh Thần. Cuốn sách này hay ở chỗ vị bác sĩ tâm lý – tác giả cuốn sách này – thông qua rất nhiều ca trị liệu trong nhiều năm làm nghề của mình, rút ra những thông điệp ý nghĩa, nhân văn và có giá trị về tình yêu và quan trọng hơn cả là về hành trình trưởng thành tinh thần. Trong nội dung nói về tình yêu, tác giả nói rằng: Yêu thương là chúng ta phải biết động não, biết đưa ra những quyết định khó khăn. Bởi vốn dĩ yêu thương là một việc rất khó khăn, chúng ta không chỉ đơn giản là cho đi mà còn phải biết giữ lại một cách đúng đắn; chúng ta phải biết khen ngợi, biết phê bình đúng lúc; phải tranh cãi, phải giằng co, phải đương đầu, phải thúc giục… tất cả đều phải làm đúng mực và sáng suốt.

Ví dụ như khi chúng ta góp ý, phê bình một người mà chúng ta yêu thương, theo bản năng, chúng ta có xu hướng đặt mình ở vị trí cao hơn họ, ít nhất là vào thời điểm diễn ra sự việc đó. Nhưng nếu yêu thương một cách chân thành, sáng suốt và đúng mực, chúng ta cần phải công nhận và tôn trọng góc nhìn riêng của họ. Nghe thật khó khăn phải không? Lúc nghe đến đoạn này, Trâm đã nghĩ: “Chỉ là yêu thương thôi mà, sao khó khăn quá vậy?” 

Dựa trên những trải nghiệm cá nhân, Trâm thấy rằng rất nhiều lần trong quá khứ, Trâm lâm vào tình trạng trách móc người khác và nghĩ mình là nạn nhân. Ví dụ như họ làm mình bực dọc, chỉ một chuyện nhỏ thôi. Nhưng khoảnh khắc trong đầu mình khởi lên suy nghĩ rằng người này làm mình bực dọc, thì ngay lập tức não mình vận động hết công suất để gom góp các sự kiện trong quá khứ người này từng làm mình bực như thế nào. Lúc đó mình sẽ tự nhiên cảm thấy bản thân thật khốn khổ, mình là một nạn nhân đáng thương, còn đối phương giống như một con quái vật nhẫn tâm, không tim. Vô thức, mình oán giận họ, trách móc họ, nhưng mình không hề nhớ gì về những điều tốt đẹp họ đã làm cho mình. Có nghĩa là lúc đó trong đầu mình chỉ có một màu đen, không hề thấy bất kỳ màu sắc nào khác xung quanh câu chuyện này, xung quanh mối quan hệ của mình và họ từ xưa đến nay. 

Chia sẻ một chút về câu chuyện cá nhân. Trâm có một người bạn chơi thân với nhau rất nhiều năm, nhiều đến mức được tính bằng thập kỷ. Người bạn này đã làm một việc mà Trâm rất khó để tha thứ. Ban đầu, khi sự việc vừa xảy ra, Trâm chỉ nghĩ đến nỗi oán giận, chỉ nghĩ tới những lời trách móc, những điều tiêu cực, giống như lúc nãy đã mô tả, Trâm chỉ thấy một màu đen và người bạn này trở thành một con quái vật không tim, vô cùng độc ác và hoàn toàn không có điểm nào tốt đẹp. Trâm đã ôm nỗi oán giận đó một thời gian. Mà các bạn biết đấy, nỗi oán giận chỉ làm cho cuộc sống của mình đen tối hơn thôi. Đôi khi cuộc sống của đối phương vẫn rất tốt đẹp, không chịu bất cứ ảnh hưởng nào, thì trong đầu mình chỉ có những suy nghĩ “rác”, những điều tiêu cực thì trước hết, chúng khiến cuộc sống của chính mình trở nên tiêu cực.

Sau một thời gian dài ôm nỗi oán giận, một ngày Trâm vô tình mở laptop ra và vô tình thấy lại cảnh ngày xưa bạn có cầm guitar và hát một bài hát tên là Yên Bình – một bài hát cả Trâm và bạn đều rất thích. Đoạn video kéo dài chưa đến 4 phút nhưng Trâm cảm thấy nó giống như một bộ phim quay chậm, xem đến đâu, những ký ức tốt đẹp trở về đến đó. Trâm bỗng nhận ra rằng mình và người bạn này đã từng cho nhau rất nhiều kỷ niệm tốt đẹp, tại sao bây giờ mình lại phủ định hết, gạt bỏ hết những điều tốt đẹp đó mà trong lòng chỉ còn giữ lại những điều cay đắng, những sự hờn trách thôi? Liệu như vậy có công bằng đối với mối quan hệ này hay không? 

“Bao lâu tôi chưa đi qua hàng cây

Chưa nghe mưa rơi lao xao ngoài ngõ. 

Sao tôi buông tay khi đời dở dang

Sao không đi đến hết cuối con đường

Hay tôi đã già?

Bao lâu tôi chưa yêu ai đậm sâu

Chưa nghe tim rung lên như ngày ấy.

Tôi là ai trong thế gian này

Qua những thăng trầm

Những tháng năm dài trôi thả như mây

Tôi đâu thấy nắng hồng như giấc mơ

Khác xa những mong chờ.”

Khi nghe lại những câu hát này, những điều đã từng diễn ra trong thời thanh xuân, những điều từng có với nhau trước thời điểm khó khăn đó lại ùa về và khiến lòng Trâm nôn nao trở lại. Lúc đó Trâm đã chọn cho mình một cách để mình có thể trách móc một cách thanh lịch, một cách sáng suốt, một cách hiệu quả hơn, thì mình cũng phải tính đến cả những điều mà người ta đã làm được cho mình. Bởi vì mình đã quy trách nhiệm cho họ về những điều tiêu cực, mình cũng phải tính luôn cả những điều tích cực. Trâm chọn cho mình cách tiếp cận khác, đó là khi nào Trâm xem lại video đó hoặc nghe lại bài hát Yên Bình đó mà Trâm thật sự cảm thấy lòng mình yên bình và không còn nỗi oán trách nữa, thì lúc đó mối quan hệ giữa Trâm và bạn mới thật sự lành mạnh, và tinh thần của mình mới thật sự trưởng thành.

Trâm hy vọng rằng câu chuyện cá nhân này của Trâm sẽ phần nào truyền cảm hứng cho các bạn, nếu các bạn cũng đang cảm thấy ấm ức, trách móc một người thật sự có ý nghĩa trong cuộc đời các bạn.

Hy vọng các bạn sẽ cố gắng dùng tâm hồn của mình để trách móc họ một cách thanh lịch hơn, xác đáng hơn, công bằng hơn, để mối quan hệ đó trở nên lành mạnh hơn. Đừng để cho việc trách móc một cách thanh lịch trở thành “con đường chẳng mấy ai đi”!

Để lại nhận xét

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

instagram:

[instagram-feed type="hashtag" hashtag="#vamtamthemelafeminite"]