Stolen Focus – Kiểm Soát Sự Tập Trung Giữa Cơn Bão Công Nghệ của tác giả Johann Hari là cuốn sách hay về cách công nghệ (và nhiều yếu tố khác) ảnh hưởng đến sự chú ý của con người. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên Trâm thưởng thức theo hình thức… cuốn chiếu hai lớp giữa sách nói và sách giấy.
Số là, Trâm đặt sách giấy nhưng vì trục trặc kỹ thuật nên sách đến trễ. Trâm bèn nghe sách nói trước. Nghe đến chương 4 của sách nói thì sách giấy mới về tay. Thế là Trâm vừa nghe tiếp sách nói vừa đọc lại từ đầu sách giấy. Một phần để thẩm thấu nội dung thêm một lần nữa, và một phần là để đánh dấu lại những thông điệp rất yêu thích.
Trong sách, tác giả Johann Hari kể về hành trình vài tháng anh “detox thế giới số” – thử sống không có internet, chỉ kết nối với con người và thiên nhiên. Nghe câu chuyện truyền cảm hứng này, Trâm vừa ghen tị vừa tò mò: liệu mình có thể làm điều tương tự không?
Thế là Trâm quyết định bắt chước anh. Trâm dành ra 3 ngày tắt kết nối để thanh lọc internet. Trâm cũng chọn đến một nơi chỉ có thiên nhiên và một số ít người quen, để xem mình có sống nổi không khi tắt kết nối với nhịp sống hối hả thường nhật.
Rốt cuộc thì cái kết thu lại cũng không đắng lắm, nếu không muốn nói là rất ngọt ngào:
Một là, Trâm có kết nối sâu sắc hơn với sách. Trâm đọc nhiều hơn, hiểu nhiều hơn và chiêm nghiệm nhiều hơn. Trong những ngày đó, Trâm đọc và nghe 3 tác phẩm: Cây Phong Non Trùm Khăn Đỏ (tác giả Chigiz Aitmatov), Stolen Focus – Kiểm Soát Sự Tập Trung Giữa Cơn Bão Công Nghệ và Lost Connections – Mất Kết Nối (cả hai cuốn sau đều của tác giả Johann Hari).
Trâm nhận ra khi không bị phân tán, khả năng tập trung sâu của mình tăng lên rất nhiều. Và quả thật là đúng như Hari đề cập trong sách, khi muốn sáng tạo, ta cần để ý đến những gì đã học đủ lâu để tạo kết nối mới giữa các ý tưởng cũ!
Hai là, Trâm nhận ra sự vội vã trong giao tiếp hằng ngày trước đây, và giờ mới có kết nối sâu sắc hơn với con người và thiên nhiên xung quanh mình. Trâm trò chuyện với chỉ một số ít người, đào sâu mối quan hệ với một số ít người bạn cũ, kết giao với một số ít người bạn mới, Trâm hiện diện 100% khi tương tác với họ, khi trêu đùa họ, khi lắng nghe câu chuyện của họ, khi kể về câu chuyện của mình mà không vội vã, không ngắt lời, không để tâm trí lang thang đến những tin nhắn còn đang chờ hồi đáp.
Trâm giật mình và nhớ mãi cách tác giả Hari so sánh việc tiếp thu thông tin thời nay như “uống nước từ vòi cứu hỏa” – quá nhiều, quá nhanh, khiến ta chỉ “lướt” mà không thực sự chú ý lâu.

Trâm còn nhớ lại một tình huống: một người bạn gửi ảnh chụp bài viết của Trâm trên buồng lái máy bay. Lúc đó, Trâm chỉ nhìn thấy tờ tạp chí, không hề để ý khung cảnh buồng lái phía sau. Chỉ sau này, khi xem lại, Trâm mới nhận ra. Điều này chứng tỏ: khi không kiểm soát sự tập trung, ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ quan trọng.
Về kết nối với thiên nhiên, có một buổi chiều đang ngồi đọc Lost Connections, ngước mắt nhìn lên, Trâm thấy một đốm mặt trời đỏ rực màu hoàng hôn. Trâm xúc động vô cùng trước vẻ đẹp đơn giản mà diệu kỳ ấy của thiên nhiên. Như một bản năng, Trâm với tay định lấy điện thoại chụp lại khoảnh khắc đó, nhưng rồi kịp dừng lại. Bởi vì Trâm tiếc, nếu tìm ra điện thoại và chụp xong bức ảnh thì Trâm đã đánh mất đi một chút mặt trời rồi.
Có lẽ đó là lần đầu tiên trong rất nhiều năm qua, Trâm ngắm mặt trời lặn mà không vội lấy điện thoại chụp hình!
Và cái kết ngọt ngào thứ ba là: Sau 3 ngày “cai mạng”, Trâm thêm trân trọng những kết nối ý nghĩa, Trâm thấy mình thèm được kết nối thật sự với con người, với những mối quan hệ thân tình. Nói nôm na là Trâm thèm hơi người. Chính vì dời mình xa ra một đoạn mà Trâm một lần nữa càng cảm nhận sâu sắc hơn một “sự thật hết hồn”: con người chúng ta cần nhau hơn ta tưởng!
Hay nói như một nhân vật mà Johann Hari phỏng vấn trong cuốn sách Lost Connections là “Việc tất cả chúng ta ngồi xa nhau, theo đuổi câu chuyện nhỏ của riêng mình, xem chiếc tivi nhỏ của riêng mình và phớt lờ mọi người xung quanh thật là kỳ cục. Quan tâm lẫn nhau vốn là một điều hiển nhiên trong cuộc sống”.
Tóm lại, kiểm soát sự tập trung sâu và chú ý lâu là kỹ năng cần phải được rèn luyện liên tục. Thế giới số đang “đánh cắp” sự chú ý của ta, nhưng ta hoàn toàn có thể nỗ lực để lấy lại nó.
Nếu bạn cũng như Trâm, thấy mình ngày càng khó tập trung, cuốn sách hay Stolen Focus của Johann Hari có thể là bước khởi đầu giúp bạn có ý thức kiểm soát sự tập trung và lấy lại quyền làm chủ tâm trí mình.