Cuốn sách Giải Mã Hoóc-Môn Dopamine: Sống Cân Bằng Trong Thời Đại Đầy Cám Dỗ của tác giả Anna Lembke thuộc bộ sưu tập “Hiểu người hiểu ta, không đánh trận nào cũng thắng” mà Trâm hợp tác quảng bá với vai trò đại sứ văn hoá đọc cùng Saigon Books.
Bộ sưu tập “Hiểu người hiểu ta, không đánh trận nào cũng thắng” cũng đã được Trâm đưa lên kệ Tiệm yêu sách.
Sau khi nghe sách nói này, Trâm đã được truyền cảm hứng để thu âm tập podcast Sách & Sống thứ 48 mang tên “Chọn nghiện gửi mình“. Nội dung Trâm chia sẻ là những suy nghĩ và cảm nhận của mình về Hoóc-Môn Dopamine và về… cái sự nghiện.
Nói một cách đơn giản thì Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra cảm giác hưng phấn và động lực. Tuy nhiên, Dopamine cũng có thể gây nghiện nếu chúng ta lạm dụng nó.
Có thể tạm chia Dopamine thành hai loại:
- Dopamine tích cực: được tạo ra khi chúng ta làm những việc có ý nghĩa, giúp đỡ người khác, tập thể dục, hoàn thành mục tiêu, đọc sách, yêu thương và được yêu thương.
- Dopamine tiêu cực: được tạo ra khi chúng ta làm những việc có thể gây hại đến bản thân và người khác như cờ bạc/chơi game/hút thuốc/uống rượu/xem phim/lướt mạng xã hội vô bổ… mà không thể tự kiểm soát thời gian, tần suất cũng như mức độ trải nghiệm của mình.
Nếu đằng nào cũng phải… nghiện, sao ta không chọn nghiện gửi mình?
Sự thật là, ta không thể tránh khỏi việc nghiện một thứ gì đó. Vấn đề chỉ là ta chọn nghiện cái gì và làm thế nào để tối ưu hóa những lợi ích mà nó mang lại, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực hết sức có thể.
Những gợi ý từ trải nghiệm cá nhân của Trâm để tối ưu Dopamine tích cực:
- Tập thể dục: ta có thể chia nhỏ các bài tập, hoặc tập trung vào từng nhóm cơ, hoặc chọn thời lượng phù hợp
- Hoàn thành mục tiêu: chia nhỏ mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ hơn, đánh dấu từng cột mốc đã đạt được
- Giúp đỡ người khác: tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ người khác
- Nhận lời khen và cảm ơn: trân trọng những lời khen và học cách chân thành cảm ơn người khác chân
- Yêu thương và được yêu thương: dành thời gian cho những người thân yêu, xây dựng mối quan hệ lành mạnh.
Những gợi ý từ trải nghiệm cá nhân của Trâm để hạn chế Dopamine tiêu cực:
- Hạn chế bia rượu: chọn lọc đối tượng và thời điểm tụ tập bạn bè, giảm tần suất uống bia rượu
- Hạn chế tin tức tiêu cực: chọn lọc nguồn tin tức, không xem quá thường xuyên
- Hạn chế giải trí vô bổ: chọn lọc chương trình giải trí, ưu tiên nội dung có giá trị
Cuộc sống là hành trình khám phá và trải nghiệm. Ta không hoàn hảo, nhưng ta có thể lựa chọn những điều tốt đẹp cho bản thân và những người xung quanh. Hãy chọn nghiện những điều tích cực, tối ưu hóa Dopamine tốt và hạn chế Dopamine xấu để có một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn.
Trong tập podcast Sách & Sống thứ 50 có tên “Năng lực nói thật”, Trâm cũng có nhắc đến cuốn sách Giải Mã Hoóc-Môn Dopamine, vì bắt gặp câu chuyện đáng suy ngẫm về chủ đề này trong chương sách thứ 8 có tên “Trung thực tuyệt đối”.
Trâm gọi “nói thật” là một năng lực, bởi vì không phải ai cũng có thể làm được điều này một cách dễ dàng. Cuộc sống luôn đầy rẫy những tình huống phức tạp, những lựa chọn khó khăn giữa sự thật và dối trá.
Những câu chuyện về sự thật
Trong cuốn sách Giải Mã Hoóc-Môn Dopamine, tác giả Anna Lemke kể về một câu chuyện cảm động về một bác sĩ trẻ đã dũng cảm nói ra sự thật về quá khứ lầm lỗi của mình, dù điều đó có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của anh. Câu chuyện này cho thấy sức mạnh của sự trung thực và lòng dũng cảm khi đối diện với sự thật.
Hay trong cuốn sách 12 Quy Luật Cuộc Đời, tác giả Jordan Peterson cũng chia sẻ một câu chuyện về việc nói thật trong một tình huống khó khăn. Ông đã dám nói “không” với một người đàn ông có thể gây nguy hiểm cho chính ông và vợ. Cuối cùng thì lựa chọn đó đã mang lại một kết quả tốt đẹp.
Tại sao nói thật lại khó khăn?
Có rất nhiều lý do khiến việc nói thật rất khó khăn. Đôi khi ta sợ làm tổn thương người khác, sợ bị phán xét, hoặc sợ phải đối mặt với hậu quả của sự thật. Đôi khi, ta nói dối để bảo vệ bản thân mình, hoặc để đạt được một mục đích nào đó.
Tuy nhiên, nói dối luôn mang lại những hậu quả tiêu cực: khiến ta cảm thấy tội lỗi, xấu hổ, và mất niềm tin vào bản thân mình. Hơn nữa, nói dối cũng có thể gây tổn thương cho những người xung quanh và làm xấu đi các mối quan hệ.
Ngược lại, nói thật giúp ta xây dựng được lòng tin và có được sự tôn trọng từ người khác. Đồng thời, cách làm này còn giúp ta cảm thấy thanh thản, tự tin, hạnh phúc hơn, và giúp ta tạo ra một môi trường sống lành mạnh và trung thực.
Vậy thì, làm thế nào để rèn luyện năng lực nói thật?
Một số gợi ý từ hai tác giả Anna Lemke và Jordan Peterson:
- Nhận thức: hãy quan sát và nhận biết kỹ những tình huống ta thường nói dối, và tìm hiểu lý do tại sao ta lại làm như vậy.
- Thực hành: hãy bắt đầu thực hành nói thật trong những tình huống nhỏ hằng ngày, sau đó dần can đảm đối mặt với những tình huống khó khăn hơn.
- Dũng cảm: hãy dũng cảm đối diện với sự thật và sẵn sàng chấp nhận những hậu quả có thể xảy ra
- Tha thứ: hãy tha thứ cho bản thân mình nếu ta đã từng nói dối, và dĩ nhiên cần phải học hỏi từ những sai lầm đó.
Tóm lại, nói lên sự thật đích thị là một năng lực, vì nó cần rất nhiều sự can đảm! Nếu bạn cũng có những câu chuyện liên quan tới sự nói thật và… nói chưa thật lắm, Trâm rất mong được lắng nghe. Mục đích là để chúng ta có thể trao đổi với nhau, cùng rút kinh nghiệm và học hỏi từ nhau.